Mừng và lo là hai cảm xúc trái ngược của Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhiều ngày qua. Nhìn cơ ngơi rộng rãi, sạch sẽ với 1.000 giường hiện đại, người bác sĩ gắn bó hàng chục năm với bệnh nhân ung thư bớt đi cảm giác áy náy.
“Ở cơ sở cũ của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, đôi khi, một phòng có mấy chục bệnh nhân nằm chen chúc. Nóng nực, ngột ngạt, 2-3 người một giường, có người còn phải nằm đất. Nhiều lúc bác sĩ cảm thấy áy náy, bất lực vì không thể mang lại sự chăm sóc tốt nhất cho bệnh nhân ung thư”, ông trải lòng.
Khi người bệnh được thụ hưởng những điều kiện tiện nghi như bác sĩ mong ước, bệnh viện lại đối mặt với không ít khó khăn.
TS.BS Đặng Huy Quốc Thịnh và hình ảnh quá tải tại cơ sở 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.
Theo bác sĩ Thịnh, mối lo lớn nhất là làm thế nào vận hành trơn tru một bệnh viện chuyên khoa 1.000 giường. Trong đó, vấn đề kinh phí bảo trì, bảo dưỡng máy móc thiết bị hàng năm và chi phí hậu cần khiến lãnh đạo bệnh viện rất "đau đầu".
Thực tế, Bệnh viện Ung bướu TP cơ sở 2 được đầu tư hệ thống trang thiết bị y tế lên đến 2.000 tỷ đồng. Kinh phí bảo trì, bảo dưỡng hệ thống này hàng năm rất lớn, khoảng 200 tỷ đồng (tương ứng với 10% giá trị). Nếu máy móc không được bảo trì, bảo dưỡng, chất lượng điều trị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Kinh phí cho các hoạt động hậu cần cũng là bài toán khó. Ông dẫn chứng ở cơ sở 1, trung bình mỗi tháng bệnh viện trả 1 tỷ tiền điện. Nhưng ở cơ sở 2, khi vận hành toàn bộ, tiền điện lên đến 5 tỷ đồng/tháng.
Về nguồn thu, riêng năm 2021, nguồn thu của bệnh viện giảm sâu do Covid-19, thâm hụt 91 tỷ đồng. Doanh thu của cơ sở 2 (tính đến giữa năm 2022) không đủ để chi cho tiền điện, nước, tiền vệ sinh, cảnh quan môi trường, bảo hành, bảo trì thiết bị….
“Bệnh viện đã kiến nghị đến đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM, HĐND, lãnh đạo thành phố những khó khăn trên. Chúng tôi hy vọng và mong muốn có sự hỗ trợ về ngân sách để vận hành, đảm bảo khám chữa bệnh được hiệu quả nhất”, bác sĩ Thịnh nói.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM có 1.600 nhân viên. Nhiều điều dưỡng sống ở huyện Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi… Khi bệnh viện chuyển từ cơ sở 1 (quận Bình Thạnh) sang cơ sở 2 (TP Thủ Đức), hàng chục người buộc phải nghỉ việc để tìm chỗ làm gần hơn. Đường xá xa xôi, áp lực nghề nghiệp, thu nhập thấp… nhân viên y tế không tránh khỏi tâm tư.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Phó trưởng khoa Khám bệnh, cho biết bệnh viện vận hành khu khám ngoài giờ từ 5h đến 7h30 nhằm phục vụ bà con ở tỉnh. Vậy nên, có điều dưỡng nhà xa phải dậy từ 3 rưỡi sáng, đi xe đến viện lúc 4h30 và chuẩn bị tiếp nhận bệnh nhân vào 5h sáng.
“Nếu chúng tôi không tổ chức khám sớm, nhiều cô bác đến viện từ mờ sáng phải chờ đợi rất lâu và tội nghiệp”, chị nói.
Trong bối cảnh trên, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã chi cho mỗi nhân viên 1 triệu đồng/tháng khi chuyển sang cơ sở mới để hỗ trợ phần nào tiền xăng xe. Tết Quý Mão vừa qua, tiền thưởng của mỗi nhân viên là 9 triệu đồng, tăng 500.000 đồng so với năm trước.
Bệnh viện cũng từng khiến đoàn giám sát HĐND TP.HCM “sốc” khi thu nhập trung bình chỉ ở mức 8 triệu đồng/người trong khi phải điều trị cho hàng chục nghìn người bệnh ung thư đổ về mỗi tháng.
“Tôi cảm thấy chúng ta rất thiếu trách nhiệm và sự chia sẻ với một cơ sở y tế đang điều trị loại bệnh mà cả nước quan tâm”, ông Tăng Hữu Phong, thành viên đoàn giám sát nói trong buổi làm việc.
Tiến sĩ, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh cho rằng Bệnh viện Ung bướu TP.HCM không chỉ thay đổi về cơ sở vật chất mà còn thay đổi cả lối tư duy cũ - "tư duy theo kiểu xuề xòa và đôi lúc tưởng như luộm thuộm".
Theo đó, nếu cơ sở 1 chật chội, nóng nực, cũ kỹ, cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu lại rất đồ sộ với nhiều hạng mục, cần phải có thời gian sắp xếp cho mọi hoạt động đi vào nề nếp.
“Hiện nay, Ban giám đốc xác định phải thay đổi phong cách, thái độ phục vụ, cách ứng xử, lời ăn tiếng nói với người bệnh, thân nhân, đối tác… sao cho chuẩn mực và xứng tầm hơn với một cơ ngơi như hiện tại", ông nói.
Bên cạnh đó, khi người dân đã được thăm khám trong không gian rộng rãi, phòng bệnh tiện nghi, bệnh viện sẽ tiếp tục phát triển các kỹ thuật cao, chuyên sâu, để nâng cao chất lượng điều trị cho bệnh nhân ung thư.
Trong tương lai, cơ sở 1 của bệnh viện sẽ chuyển đổi thành Trung tâm Tầm soát và Chẩn đoán sớm bằng công nghệ cao theo định hướng của Sở Y tế.
Khu kỹ thuật cao (số 47 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh) đang tiếp tục khám tầm soát, phẫu thuật, xạ trị, cấp cứu... cho các bệnh nhân ung thư ở khu vực nội thành.
Tuy nhiên, để vận hành trơn tru toàn bộ bệnh viện 1.000 giường, bác sĩ Thịnh cho rằng cần tối thiểu 2 năm để vào nề nếp. Quá trình hoạt động sẽ phát hiện được các vấn đề, khó khăn để khắc phục. Đồng thời, giống như Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, khi có sự hỗ trợ về ngân sách trong thời gian đầu, hoạt động của bệnh viện cũng sẽ tốt hơn.
Ông cũng thông tin nhiều người từng đặt câu hỏi, cơ sở 2 quá xa xôi, liệu có ai đến không? Tuy nhiên, mỗi ngày, người bệnh đến đây ngày càng đông hơn.
"Cơ sở khang trang, rộng lớn không hẳn sẽ không quá tải nữa. Vấn đề là làm sao thu hút đông bệnh nhân nhưng tổ chức, vận hành, chăm sóc phải tốt và xứng tầm nhất", ông nói.