Hơn 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ"

Tại Công ty TNHH Motomotion Việt Nam chuyên sản xuất nội thất tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 3, nơi đang thực hiện "3 tại chỗ" từ ngày 18/7/2021 với hơn 1.000 công nhân và đến nay chưa có ca mắc Covid-19 nào. 

Ông Jack Xu - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Motomotion Việt Nam chia sẻ, thời gian đầu, việc ăn, ở của công nhân tại nhà máy còn nhiều khó khăn, bất tiện. Đến nay, công nhân đã quen và dần đi vào ổn định.

Cũng tại Bình Dương, Công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood Bình Dương tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 1 đang thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” với 534 lao động. Để chủ động ứng phó và sẵn sàng điều trị tại chỗ khi có F0, Công ty đã trang bị 02 máy sản xuất oxy, 04 máy đo hàm lượng oxy trong máu; 1.500 bộ test nhanh và các loại thuốc điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời tổ chức 03 bữa ăn cho người lao động; hỗ trợ chi phí sinh hoạt 3 triệu đồng/người/tháng và dự kiến đến ngày 30/9 tới sẽ tăng lên 5 triệu đồng nhằm động viên tinh thần cho công nhân an tâm ở lại làm việc.

{keywords}
Ảnh minh họa.

Công ty Gunzetal Việt Nam vốn đầu tư nước ngoài chuyên về sản xuất nguyên phụ liệu hàng may mặc đóng tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 2, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương đã thực hiện “3 tại chỗ” (cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất) cho hơn 100 công kể từ 28/6 đến nay. Sau hơn 3 tháng hoạt động theo mô hình “ 3 tại chỗ” tại Công ty Gunzetal Việt Nam đã không xảy ra dịch bệnh.

Theo đại diện Công ty Gunzetal Việt Nam, kinh nghiệm “vượt bão” COVID-19 là thực hiện khoá chặt không thu nhận người, khách hàng đến công tác tại nhà máy sau khi thực hiện "3 tại chỗ". Tất cả hàng hoá đều được khử khuẩn trước khi vào công ty.

Ba tháng nay, Công ty TNHH Nitto Denko đóng tại  Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I),  thực hiện 3 tại chỗ với 1.000 nhân viên. Ngay từ đầu, doanh nghiệp xây dựng phương án phòng chống dịch một cách chi tiết để kiểm soát; trang bị hàng trăm phòng tắm máy nước nóng và trên 60 máy giặt sấy các loại để hỗ trợ người lao động.

Điểm mấu chốt trong phòng chống dịch là mỗi nhân viên cần giữ khoảng cách và tuân thủ đeo khẩu trang sẽ đảm bảo hạn chế lây nhiễm bệnh. "Từ khi thực hiện "3 tại chỗ", công ty đảm bảo thực hiện các quy trình phòng chống dịch và hơn 90% công nhân được tiêm vaccine mũi 1 đã giúp người lao động an tâm sản xuất. 

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 19/9/2021, trên địa bàn tỉnh có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "01 cung đường, 02 địa điểm", "3 xanh" cho 264.621 lao động. Mặc dù các doanh nghiệp đã xây dựng và trang bị cơ sở vật chất, xét nghiệm Covid-19 định kỳ để thực hiện và duy trì sản xuất "3 tại chỗ" hoặc "01 cung đường, 02 địa điểm", tuy nhiên, chi phí rất cao, khó có khả năng duy trì trong thời gian dài.

Áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo 3 giai đoạn

 

Chiều 20/9, ngay sau cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với một số địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất trong thời gian tới, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị giải pháp khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. 

Theo kế hoạch khôi phục kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh trong trạng thái bình thường mới, thời gian tới, Bình Dương sẽ áp dụng lộ trình tổ chức lại sản xuất kinh doanh theo 3 giai đoạn. Theo đó,

Giai đoạn 1, bắt đầu với các doanh nghiệp đã đáp ứng tất cả các yêu cầu cần thiết để hoạt động trở lại; mức độ sử dụng lao động trong giai đoạn này tương ứng với tỷ lệ người lao động đã tiêm mũi 2 được 14 ngày hoặc đã tiêm mũi 1 được 1 tháng và được xét nghiệm định kỳ. Khi doanh nghiệp nào đã xây dựng phương án đáp ứng tất cả các yêu cầu một cách bền vững, có thể chuyển qua giai đoạn tiếp theo. Doanh nghiệp không được bước vào giai đoạn 2 cho đến khi xác định được hoạt động ở mức 30% đang vận hành tốt và sẵn sàng để tăng mức sản xuất.

Giai đoạn 2: Nâng công suất lên tối đa 50%. Và, giai đoạn 3: Nâng công suất lên tối đa 70% cho đến khi được phép hoạt động lại 100% công suất.

Tuy nhiên, do tác động bởi dịch bệnh kéo dài, các doanh nghiệp đều gặp vô vàn khó khăn. Theo ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Becamex IDC, vấn đề căn cơ hiện nay là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. Tập trung vào đảm bảo ổn định sản xuất, lưu thông hàng hoá thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng. Hỗ trợ cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền cho doanh nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi về lao động, chuyên gia.

Tại Hội nghị giải pháp khôi phục hoạt động của các doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Võ Văn Minh đã yêu cầu các cấp thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, Tổ tư vấn hỗ trợ các doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ngành Ngân hàng tổ chức hội nghị gặp gỡ các tổ chức tín dụng để triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Liên quan đến các gói chính sách hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành khẩn trương tham mưu tỉnh triển khai sớm nhất cho các doanh nghiệp; nghiên cứu các gói an sinh xã hội hỗ trợ người lao động trong thời gian dịch bệnh. Khởi động lại các hoạt động xúc tiến đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông.

Chủ tịch tỉnh Bình Dương giao cho Ban Quản lý các khu công nghiệp, Sở Công Thương kết hợp với các địa phương tập trung phát triển mô hình "3 tại chỗ", "3 xanh", "01 cung đường, 02 địa điểm" tại các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Y tế có hướng dẫn cụ thể doanh nghiệp thực hiện test nhanh khi thực hiện các phương án sản xuất đảm bảo hiệu quả phòng, chống dịch. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho công nhân lao động.

Đối với các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ tại các "vùng xanh", Sở Công Thương hướng dẫn thực hiện mô hình "3 xanh" khuyến khích các cơ sở tự xét nghiệm dưới sự giám sát của các địa phương.

Cửu Long