Lào Cai - một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu
Tỉnh Lào Cai có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển sản xuất cây dược liệu, là một trong tám vùng trọng điểm về sản xuất cây dược liệu trên cả nước.
Ngay sau khi Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư được ban hành; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị; đồng thời chỉ đạo các cấp ủy đảng, chính quyền tố chức quán triệt, triển khai và tuyên truyền sâu rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Tỉnh đã quan tâm đẩy mạnh nghiên cứu, kế thừa, bảo tồn, phát triển nền Đông y và nguồn dược liệu. Lào Cai đang nuôi trồng, phát triển một số cây dược liệu quý di thực; có nhiều loài cây quý hiếm có giá trị y dược cao, có một số cây thuốc đặc hữu như: Hoàng liên gai, Thất diệp nhất chi hoa, Sâm vũ diệp, Tam thất hoang…
Lào Cai cũng đang từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung gắn với ứng dụng các biện pháp kỹ thuật. Hiện có 210 ha với 13 loại cây dược liệu trồng được Bộ Y tế đánh giá công nhận đạt các nguyên tắc, tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu và các nguyên tắc, tiêu chuẩn khai thác dược liệu tự nhiên GACP; giá trị thu nhập bình quân từ sản xuất cây dược liệu đạt 120 - 150 triệu/ha, hiệu quả kinh tế cao gấp 4 - 5 lần so với sản xuất lương thực.
Bệnh viện YHCT và các phòng khám Đa khoa khu vực (ĐKKV), trạm y tế xã phường đều có vườn thuốc nam trồng các loại cây dược liệu. Các đơn vị không chỉ phát triển về số lượng cây thuốc theo quy định của Bộ Y tế mà còn khuyến khích sưu tầm, bảo tồn, nhân rộng các cây thuốc quý tại địa phương và tuyên truyền cho người bệnh, người dân sử dụng.
Trại nghiên cứu trồng cây thuốc Sa Pa của Viện Dược liệu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, khảo nghiệm, di thực, bảo tồn một số loại dược liệu có giá trị kinh tế, giá trị chữa bệnh. Nhiều cây dược liệu quý được sản xuất với quy mô lớn như: Bình vôi, Đẳng sâm, Hà thủ ô đỏ, Actisô, Đỗ trọng, Đương quy... Trong đó có một số cây dược liệu được bào chế thành sản phẩm có giá trị cao như: Boganic từ Atiso; Ampelop từ Chè dây; Didicela và Bổ thậm hoàn từ Đương quy, chè Giảo cổ lam từ cây Giảo cổ lam...
Theo thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có khoảng 850 loài cây thuốc, trong đó có 70 loài cây thuốc quý hiếm thuộc diện bảo tồn.
Biến tiềm năng thành lợi thế thúc đẩy phát triển KTXH
Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đưa cây dược liệu trở thành cây chủ lực trong phát triển nông nghiệp địa phương.
Với hệ sinh thái phong phú và đa dạng, có tiềm năng về tài nguyên dược liệu, tài nguyên cây thuốc quý, Lào Cai chú trọng khai thác và phát triển, gắn các sản phẩm hàng hóa từ dược liệu với các sản phẩm dịch vụ về văn hóa và du lịch; quan tâm phát triển du lịch gắn với các sản phẩm OCOP, tạo ra các sản phẩm chế biến sâu như thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, trà túi lọc, cao đặc, cao lỏng, cao khô,… phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.
Tính đến nay, Lào Cai đã có 163 sản phẩm được công nhận OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm là thảo dược như: Cao mềm Actiso Sa Pa; Viên nang đông trùng hạ thảo; Trà phun sương Actiso Sa Pa; Cao phun sương Actiso Sa Pa; Trà túi lọc dây leo Sa Pa; Trà túi lọc giảo cổ lam Sa Pa; Trà túi lọc Linh chi; Trà tam thất Simacai;…Các sản phẩm này đã và đang hấp dẫn du khách, làm món quà cho du khách mang nét đặc trưng riêng của Lào Cai.
Tỉnh Lào Cai phấn đấu đến năm 2030, duy trì và phát triển diện tích dược liệu của tỉnh đạt khoảng 5.000 ha. Phát triển tối thiểu 02 cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu. Xây dựng thương hiệu 02 - 03 sản phẩm dược liệu và có thêm 03 - 05 sản phẩm dược liệu được tạo ra gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Hình thành 5 nhóm sản phẩm dược liệu gắn với du lịch; hình thành ít nhất 5 điểm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với dược liệu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng ổn định vùng nguyên liệu bằng việc bảo tồn các loài cây dược liệu quý tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên, Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên, Văn Bàn; bảo tồn và phát triển nguồn gen dược liệu đặc hữu, quý hiếm như tam thất hoang, thất diệp nhất chi mai, hoàng liên ô rô, các loại cây thuốc tắm người Dao; ổn định diện tích với các chủng loại cây dược liệu phù hợp với nhu cầu của thị trường tiêu thụ như chè dây, giảo cổ lam, tam thất, thất diệp nhất chi mai, hà thủ ô, đỗ trọng, hoàng bá, bình vôi để sản xuất cây dược liệu hàng hóa.
Tập trung mở rộng diện tích với một số chủng loại chính như atiso, cát cánh, xuyên khung, chùa dù, cây thuốc tắm người Dao đỏ, mạch môn, vân mộc hương, bạch truật, đan sâm, đẳng sâm. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng diện tích cây dược liệu hàng năm để hình thành vùng nguyên liệu cây dược liệu theo chuỗi giá trị tại Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát....Ưu tiên chính sách hỗ trợ vùng trồng cây dược liệu, ngành, nghề truyền thống, quảng bá, giới thiệu sản phẩm dược liệu có lợi thế gắn với thực hiện chương trình OCOP của tỉnh.
Thực tế đã cho thấy, việc gắn kết sản phẩm dược liệu với du lịch và sản phẩm OCOP là hướng đi đúng, đã và đang góp phần quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, khai thác tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của du khách, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.