An sinh xã hội ngày càng được đảm bảo
Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, đến nay tỉnh Lào Cai đã có 62/127 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05/62 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Bước sang giai đoạn mới, công tác xây dựng NTM và NTM nâng cao của tỉnh tiếp tục tạo nên những thay đổi đáng kể nào trong diện mạo nông thôn và đời sống của người nông dân. Theo đó, Chương trình được triển khai thực hiện đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong khu vực nông thôn, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn.
Kết cấu hạ tầng thiết yếu được quan tâm đầu tư nâng cấp, phong trào làm đường giao thông nông thôn được đẩy mạnh, tạo khí thế sôi nổi, lan tỏa đến mọi xóm làng, người dân.
Đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 95,7% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 74,9% phòng học các cấp được xây dựng kiên cố; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 95% hộ dân khu vực nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% số thôn có nhà sinh hoạt cộng đồng; Tỷ lệ thôn có đội văn hóa, văn nghệ (CLB) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng đạt 65,6%; Tỷ lệ học sinh học mẫu giáo 4 tuổi, 5 tuổi đến trường đạt 99%; Tỷ lệ bao phủ BHYT bình quân đạt 85,3%; Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) còn 28,6%; Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân (Cân nặng/tuổi) còn 16,7%,…
Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật cao vào sản xuất; công tác xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm được tỉnh và nhiều địa phương chú trọng, tạo nên thương hiệu và giá trị cao cho các sản phẩm.
Qua đó, đã từng bước tạo sự chuyển biến trong tư duy và cách thức tổ chức sản xuất của người dân khu vực nông thôn; giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp trên một đơn vị diện tích đất canh tác tăng cao. Đời sống của người dân khu vực nông thôn được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm nhanh; an sinh xã hội ngày càng được đảm bảo....
Một số giải pháp trọng tâm
Năm 2024, để hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, Lào Cai đang tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:
Thứ nhất, tăng cường thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU ngày 09/6/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Lào Cai về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 10/11/2023 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về đẩy mạnh tiến độ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào nội dung các Chỉ thị, chủ động xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Chương trình.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, vận động các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để người dân nhận thức sâu sắc về vai trò chủ thể, tham gia xây dựng nông thôn mới với ý thức tự giác, chủ động, hăng hái của mỗi người dân. Thường xuyên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên và gia đình cán bộ, đảng viên trong triển khai và thực hiện chương trình.
Thứ ba, đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tập trung giải ngân các dự án phát triển sản xuất được hỗ trợ nguồn vốn của 3 Chương trình MTQG góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân. Triển khai hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU ngày 11/12/2020 của Tỉnh uỷ, Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP theo hướng đa dạng hóa và nâng cao hơn nữa chất lượng gắn với xây dựng thương hiệu; nâng cao chất lượng các Hợp tác xã, Tổ hợp tác để tạo mối liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp bền vững, quan tâm giải quyết việc làm cho người dân tại chỗ, từng bước hình thành chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng an toàn, hiệu quả và có tính bền vững,…
Thứ tư, huy động, lồng ghép sử dụng hiệu quả các nguồn vốn của các Chương trình MTQG; nguồn ngân sách địa phương và từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn nông thôn,… để đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống, sinh hoạt của Nhân dân, đồng thời đạt các mục tiêu, tiêu chí, chỉ tiêu của Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thứ năm, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình từ đó nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, phát hiện các sai phạm để kịp thời đưa ra các giải pháp xử lý, tháo gỡ.
Thứ sáu, tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác giúp đỡ xã thực hiện các Chương trình MTQG. Đồng thời căn cứ vào kết quả giúp xã thực hiện các chỉ tiêu xây dưng nông thôn mới để đánh giá, phân xếp loại thực hiện nhiệm vụ hàng năm đối với các cơ quan, đơn vị và địa phương.
Và cuối cùng là phát động phong trào thi đua trong xây dựng nông thôn mới để khơi dậy sự nhiệt huyết trong mỗi cán bộ, đảng viên, Nhân dân, mọi tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội cùng chung sức, đồng lòng xây dựng nông thôn mới. Kịp thời biểu dương, khen thưởng, động viên đối với cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc, tạo động lực thúc đẩy thực hiện Chương trình ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng.