Đặt mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn

Nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Chương trình hành động số 165-CTr/TU ngày 17/10/2022 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch số 382/KH-UBND với các kế hoạch mục tiêu sau:

Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt trên 6%/năm; giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt 16.000 tỷ đồng; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm; giá trị sản xuất hàng hóa các mặt hàng chủ lực chiếm khoảng 65% tổng giá trị sản xuất ngành nông nghiệp; 115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên 70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó phấn đấu từ 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao;

Thu nhập bình quân người dân nông thôn tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh là 100%, trong đó tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn đạt trên 80%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội dưới 20%; bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 18.000 lao động nông thôn; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt nông thôn được thu gom, xử lý theo quy định đạt trên 95%; duy trì tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 60%, sản xuất lâm nghiệp, kinh tế đồi rừng phát triển theo hướng bền vững.

Tầm nhìn đến năm 2045, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hoá Lào Cai đạt quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong nước và xuất khẩu, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản theo hướng hiện đại. Nông dân và cư dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông thôn từng bước hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn hóa nông thôn giàu bản sắc dân tộc.

Phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền vững thân thiện với môi trường

Đẩy mạnh Chương trình nông thôn mới gắn với phát triển đô thị văn minh, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch điểm dân cư nông thôn, bố trí sắp xếp lại các hộ dân cư đang có nhà ở trên đất nông, lâm nghiệp. Tổ chức rà soát và sáp nhập thôn, bản đảm bảo tập trung theo đúng quy định của Bộ Nội vụ. Bố trí, sắp xếp ổn định khoảng trên 2.525 hộ dân cư ở các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, biên giới. Cơ bản sắp xếp ổn định tại chỗ và sắp xếp xen ghép chiếm 63%, sắp xếp tập trung chiếm 37%.

Nâng cao chất lượng môi trường nông thôn, xử lý hiệu quả chất thải nông nghiệp phát sinh, phấn đấu, đảm bảo tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu dân cư nông thôn tập trung đạt trên 80% vào năm 2025, đạt 95% vào năm 2030. Đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong đầu tư và quản lý khai thác công trình thuỷ lợi, cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, dân sinh. Tập trung sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, nâng tỷ lệ dân cư nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 100%, tỷ lệ dân cư sử dụng nước hợp quy chuẩn đạt trên 80%.

Thanh tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Phát động Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; xây dựng mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường”. Tập trung quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ nguồn nước, tăng nguồn sinh thủy, bảo đảm các mục tiêu về kinh tế, xã hội và môi trường. Điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng phù hợp với yêu cầu sản xuất; gắn bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai với phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững.

Triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện chiến lược phòng, chống thiên tai, đến năm 2030 giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất. Cơ sở dữ liệu được hình thành theo hướng đồng bộ, liên thông, theo thời gian thực; 100% cơ quan chỉ đạo phòng, chống thiên tai của tỉnh và cấp huyện hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng chống thiên tai, củng cố hệ thống cảnh báo thiên tai tại đường giao thông và khu dân cư có nguy cơ cao về lũ, sạt lở đất.

Trong chiến lược phát triển đề ra, Lào Cai cũng chú trọng ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; phát triển các mô hình “Chợ nông sản 4.0”, sàn giao dịch thương mại điện tử, sàn giao dịch sản phẩm OCOP.

Đến năm 2030, phấn đấu 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có kỹ năng về chuyển đổi số. Duy trì 100% các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng của tỉnh được truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ trên các Hệ thống thông tin chuyên ngành và các sàn thương mại điện tử. 100% nông dân và các chủ thể sản xuất nông nghiệp khi có nhu cầu được hỗ trợ, hướng dẫn đăng tải và kinh doanh các sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử hoặc các kênh bán hàng online.

Chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả bằng giống mới có năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị cao. Nghiên cứu, khảo nghiệm, đưa vào sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên gắn với nhu cầu thị trường. Tăng cường ứng dụng công nghệ sản xuất giống, công nghệ sinh học, thủy canh, tự động hóa... và áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất VietGap, sản xuất hữu cơ, các tiêu chuẩn quốc tế. Áp dụng kỹ thuật công nghệ mới trong xử lý chất thải chăn nuôi; triển khai các giải pháp bảo tồn, lưu giữ nguồn gen một số loài vật nuôi đặc sản như Trâu Bảo Yên, Vịt Sín Chéng...

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất giống cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ viễn thám trong điều tra và quản lý tài nguyên rừng; ứng dụng công nghệ trong chế biến lâm sản. Tiếp tục thực hiện Chương trình hợp tác với Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam trong chuyển giao công nghệ kỹ thuật mới nâng cao năng suất chất lượng cây lương thực, chè, chuối, dứa, dược liệu; biện pháp phòng trừ dịch hại cây trồng chủ lực của tỉnh…

Đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ triển lãm tại các thành phố lớn như Hội chợ Agroviet, Hội chợ Làng nghề, Hội chợ nông nghiệp và sản phẩm OCOP... Xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử cho nông sản của tỉnh, kết nối đưa nông sản địa phương vào các chuỗi phân phối bán buôn, bán lẻ. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm cho phù hợp với thị hiếu khách hàng; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm sau chế biến.

Đẩy mạnh kết nối xuất khẩu hàng nông, lâm sản; duy trì vững chắc thị trường truyền thống (Trung Quốc, Trung đông...), đẩy mạnh xúc tiến thị trường mới, tiềm năng như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc... Phổ biến các quy định về kiểm dịch động vật, kiểm dịch thực vật, những rào cản kỹ thuật, thiết lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm của thị trường xuất khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp đẩy mạnh tìm kiếm thị trường ngoài nước, xây dựng thị trường đầu mối nông sản xuất khẩu; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cấp mã số vùng trồng… phục vụ xuất khẩu.

Cải thiện toàn diện nông thôn, nông dân

Lao cai xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn từng bước chuyển dịch lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; tổ chức triển khai các chương trình, đề án giảm nghèo bền vững; các chương trình giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động… Tổ chức triển khai Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề giai đoạn 2023 - 2030; Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2026 - 2030, định hướng đến 2045.

Hoàn thiện cơ chế phát huy dân chủ, thực thi vai trò chủ thể của nông dân. Tiếp tục rà soát, đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật thuế (sửa đổi)… Điều động, luân chuyển cán bộ có trình độ, năng lực về cơ sở, đặc biệt các xã khó khăn, xã biên giới đảm bảo đúng người, đúng việc, công tâm, khách quan, đúng nguyên tắc. Nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với vùng đặc biệt khó khăn, xã biên giới có tỷ lệ nghèo cao.

Xây dựng các mô hình, cộng đồng dân cư hạnh phúc, vững mạnh, tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Triển khai thực hiện Đề án “Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam” tại 25 xã trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ triển khai xây dựng 45 mô hình tiêu chí ứng xử trong gia đình. Nghiên cứu đầu tư xây dựng 02 công trình văn hóa quy mô cấp tỉnh. Đầu tư xây dựng 23 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã đạt chuẩn. Sửa chữa, nâng cấp mở rộng 500 nhà văn hóa thôn, bản. Hỗ trợ đầu tư trang thiết bị cho 100 Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã; 1.000 nhà văn hóa khu dân cư trên địa bàn tỉnh đáp ứng yêu cầu về tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hội họp của Nhân dân.

Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án của Tỉnh ủy Lào Cai về bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe Nhân dân và công tác dân số tỉnh Lào Cai trong tình hình mới giai đoạn 2020 - 2025 và xây dựng các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế theo quy định của Bộ Y tế. Xây dựng mới 07 trạm y tế ở thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát. Sửa chữa, nâng cấp 67 trạm y tế cho 9 huyện, thị xã, thành phố. Bổ sung trang thiết bị trạm y tế cho đủ danh mục theo quy định. Đảm bảo 100% các trạm y tế cơ đủ cơ cấu cán bộ theo quy định; 100% trạm y tế xã có bác sỹ hoặc cử nhân y tế công cộng vào năm 2030…

Kiên cố, chuẩn hóa và hiện đại hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án số 06 của Tỉnh ủy Lào Cai về đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng Giáo dục toàn diện - Nguồn nhân lực - Khoa học công nghệ tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Phấn đấu 95% trường mầm non, tiểu học, THCS; 100% trường THPT có phòng học kiên cố và bán kiên cố; 100% trường tiểu học, THCS, THPT có đủ phòng học bộ môn; 100% các cơ sở giáo dục có thiết bị dạy học tối thiểu, các cơ sở giáo dục mầm non có đủ đồ dùng, đồ chơi; 100% cơ sở giáo dục có đủ thiết bị dạy tin học, ngoại ngữ.

Lê Na và nhóm PV, BTV