Thực trạng và thách thức

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc với 54 dân tộc anh em cùng sinh sống. Trong đó có 53 dân tộc thiểu số, với gần 14 triệu người (chiếm khoảng 14,3% dân số cả nước). Đồng bào các dân tộc thiểu số phần lớn sinh sống ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, chiếm 3/4 diện tích cả nước, phần lớn thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, song có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. 

Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số, tỷ lệ đồng bào sử dụng điện thoại, trong đó có điện thoại thông minh cũng đang ngày càng tăng cao, nhưng vẫn tập trung ở các dân tộc có thu nhập ở nhóm cao như: Hoa, Sán Dìu, Tày, Sán Chay, Mường. 

Đặc biệt, đến nay việc tiếp cận với máy tính và internet đối với đồng bào dân tộc thiểu số cũng còn rất hạn chế. Các dân tộc Si La, Chứt, La Hủ, Xinh Mun chỉ có dưới 1% số hộ có máy vi tính. Các dân tộc La Hủ, Kháng, Khơ Mú, Rơ Măm… rất hiếm hộ có máy tính kết nối Internet.

Do phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại các khu vực biên giới, vùng núi, nơi có địa hình phức tạp, đi lại khó khăn, điều kiện kinh tế - xã hội còn hạn chế nên còn nhiều rào cản khiến đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ thông tin.

Công cụ thoát nghèo

Xác định, việc phổ cập dịch vụ Internet, mạng di động, tăng cường chuyển đổi số... có vai trò đặc biệt quan trọng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững trong giai đoạn hiện nay, tỉnh Lào Cai đã có những nỗ lực không ngừng nhằm đưa công nghệ thông tin về với vùng dân tộc thiểu số.

Từ tháng 5/2022, các “Tổ công nghệ số cộng đồng” được thành lập, với mục tiêu mỗi thôn/tổ dân phố thành lập một Tổ công nghệ số cộng đồng, góp phần đẩy mạnh việc đưa các nền tảng số, công nghệ số đến với người dân. Qua đó, giúp bà con tiếp cận môi trường số, sử dụng nền tảng số, công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội một cách thuận lợi nhất.

Tỉnh Lào Cai hiện có gần 1.600 Tổ công nghệ số cộng đồng, với trên 7.400 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang tích cực hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng ứng dụng công nghệ thông minh, thương mại điện tử, dịch vụ hành chính công, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần "giảm nghèo" về thông tin.

Giữa tháng 10, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai đã phê duyệt thiết lập 117 điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2030. Trong đó, từ năm 2023 đến năm 2025, Lào Cai có 69 xã thuộc khu vực III, 48 thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng.

dân tộc thiểu số.jpg
Công nghệ thông tin là một trong những công cụ quan trọng giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số giảm nghèo bền vững. 

Các điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin tập trung hỗ trợ bà con tiếp cận thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kiến thức về đảm bảo an ninh, trật tự…

Nâng hiệu quả công tác truyền thông và "giảm nghèo" về thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin chính là một hoạt động mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, giúp thu hẹp khoảng cách số giữa các khu vực dân cư thành thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mang lại giá trị mới cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.


 

Duy Khánh và nhóm PV, BTV