Theo văn bản kết luận của UBND Thành phố, cụ rùa sẽ được đưa lên chữa trị ngay tại chân tháp Rùa. Trong quá trình chữa trị, cụ sẽ được nghỉ ngơi, “dưỡng lão” trong “bệnh viện” - là một bể bơi thông minh được lắp đặt ngay tại lòng hồ.


Giám đốc Sở Y tế sẽ chủ trì chữa cụ

Sau khi nghe báo cáo của các thành viên Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo kết luận, Ban chỉ đạo tùy tình hình, thực hiện phương án tiếp cận, đưa dẫn cụ rùa lên khu vực chân tháp Rùa, lưu giữ trong bể bơi thông minh để chữa trị, chăm sóc. Trong thời gian lưu giữ cụ cần thiết lập hàng rào đảm bảo an toàn và thuận tiện trong suốt quá trình chữa trị. Chủ tịch TP yêu cầu: “Việc tiếp cận, đưa dẫn, lưu giữ, chữa trị rùa phải đảm bảo tuyệt đối an toàn”.

Cụ rùa đầy thương tích. Ảnh Hải Lê
Ban chỉ đạo lập ngay hội đồng chữa trị cụ rùa do giám đốc Sở Y tế Hà Nội Lê Anh Tuấn là Chủ tịch. Hội đồng còn bao gồm các chuyên gia y tế, bác sỹ thú y, các nhà khoa học, sinh vật học. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh: “Nếu cần thiết có thể mời các chuyên gia quốc tế có kinh nghiệm về lĩnh vực này để trực tiếp khám, chữa trị, chăm sóc”.

Từ ngày 26/2/2011, Ban chỉ đạo và bộ phận chuyên môn tập trung ứng trực 24/24h tại nơi cứu chữa cụ rùa. Đồng thời với quá trình chữa trị cụ rùa, thành phố sẽ triển khai đồng bộ các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường gồm: Tổ chức bắt và xử lý rùa tai đỏ. Vớt rác, váng rêu trên mặt hồ. Thu dọn chướng ngại vật và nạo vét bùn trong hồ bằng phương pháp thủ công, kết hợp thiết bị nạo vét bùn công nghệ cao của CHLB Đức, bảo đảm không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của hồ. Sau đó sẽ bổ cập thêm nước vào hồ, thả bè thủy sinh với loài thực vật có đặc thù phát triển dưới nước, phụ trợ diệt khuẩn tảo

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo yêu cầu, trong quá trình cứu chữa cụ, Ban chỉ đạo phải thường xuyên báo cáo UBND Thành phố và cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin cho các cơ quan thông tin đại chúng, tạo sự đồng thuận chung. UBND quận Hoàn Kiếm chịu trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực hồ Gươm trong suốt quá trình chữa trị.

Tạo bãi cát làm “giường bệnh”

Lý giải cụ thể hơn về phương án cứu cụ rùa, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao nhận định: “Nếu chữa trị dưới nước sẽ hạn chế nguy cơ gây tổn thương đến cụ, nhưng các “bác sĩ” sẽ không lấy được mẫu bệnh phẩm để chẩn bệnh cho cụ một cách chính xác. Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện thiết lập hai bãi cát nhân tạo rộng mỗi chiều khoảng 6 mét vuông và sâu 0,4 mét tại gò Rùa. Đó sẽ là “giường bệnh” để khám chữa bệnh cho cụ Rùa.

Cụ rùa sẽ được cứu chữa dưới chân tháp Rùa
Về vấn đề “tùy thuộc vào tình hình để thực hiện phương án tiếp cận cụ rùa”, ông Rao cho biết, sẽ linh hoạt áp dụng hai cách tiếp cận cụ, một là chờ lúc cụ rùa bò lên gò đất phơi nắng thì bắt, cách này có thể phải chờ đợi. Cách thứ 2 là đặt lưới chìm ở những khu vực hồ cụ rùa thường nổi lên như khu vực tháp Hòa Phong phía đường Đinh Tiên Hoàng, khu vực tiếp giáp phố Hàng Khay, khu vực gần nhà hàng Thủy Tạ phía đường Lê Thái Tổ. Ban chỉ đạo sẽ cử người có kinh nghiệm túc trực ở chân tháp Rùa và xung quanh khu vực hồ Gươm để quan sát 24/24h, sau khi tiếp cận cụ rùa có thể dùng con chip điện tử theo dõi hoạt động của cụ.

Theo ông Rao, bể bơi thông minh được lắp đặt trong sẽ chìm trong nước, nước được lấy trực tiếp từ hồ Gươm và được lọc qua hệ thống máy bơm thông minh, được các chuyên gia kiểm soát các chỉ số an toàn. Ông Rao kết luận: “Như vậy vừa đảm bảo an toàn, vệ sinh cho cụ rùa, vừa không làm thay đổi môi trường sống đột ngột có thể ảnh hưởng không tốt đến cụ rùa trong quá trình chữa trị”.

(Theo TT&VH)
Cùng hiến kế cứu cụ rùa Hồ Gươm
Hà Nội chốt cách chữa trị, cụ rùa lại nổi