Đề án thành lập công ty quản lý tài sản Nhà nước đã được Bộ Chính trị thông qua về nguyên tắc nhằm góp phần xử lý nợ xấu.

Các tin liên quan

Xem cách nợ xấu... bốc hơi

Nợ xấu có thể giảm còn 4% trong năm 2013

Bán tín bán nghi nợ xấu về 6%

Nợ xấu bỗng nhiên về 6%: Đáng vui hay đáng ngờ?

{keywords}

Đây là thông tin được ông Vũ Đức Đam – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đưa ra trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3 chiều 29/3 tại Hà Nội.

Theo ông Đam, công ty quản lý tài sản Nhà nước sẽ là một trong những công cụ của Nhà nước để giải quyết nợ xấu.  

Tuy nhiên ông Đam cũng nhấn mạnh: “Không chỉ cứ đợi công ty này ra đời thì nợ xấu mới được xử lý, hiện nợ xấu vẫn đang được xử lý. Chính phủ không đặt mục tiêu công ty này ra đời thì tất cả nợ sẽ được xử lý. Công ty chỉ xử lý được nợ ở những doanh nghiệp có điều kiện xử lý nhất định”.

Vì tính đặc biệt của nó, thực hiện chủ trương chung của Bộ chính trị, Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước dự thảo một nghị định về công ty này

Hiện dự thảo về đề án thành lập công ty Quản lý tài sản Nhà nước đã được Bộ chính trị thông qua về nguyên tắc và Chính phủ dành khá nhiều thời gian thảo luận về dự thảo trên.

Tuy nhiên, ông Đam cho biết các quy định cụ thể trong dự thảo đề án này “chưa tạo được niềm tin trong các thành viên Chính phủ, rằng khi công ty quản lý tài sản Nhà nước ra đời sẽ giải quyết được triệt để nợ xấu”.

Do đó, hiện Chính phủ đã yêu cầu Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần phải thống nhất thêm một vài điểm, giải đáp được các câu hỏi mà các thành viên Chính phủ đặt ra, tích cực làm việc để nghị định về công ty này sớm được ban hành nhằm góp phần xử lý nợ.

Được biết, theo dự kiến, Công ty quản lý tài sản Nhà nước dự kiến sẽ có quy mô vốn điều lệ là 500 tỷ đồng với 100% là của Nhà nước. Đây là một tổ chức tài chính đặc thù trực thuộc quản lý của Ngân hàng Nhà nước.

Nguồn vốn chủ yếu của công ty này dùng để mua các khoản nợ xấu các tổ chức tín dụng là qua phát hành trái phiếu.

Theo đánh giá, khi đi vào hoạt động Công ty quản lý tài sản có thể tham gia xử lý được khoảng 50% nợ xấu của hệ thống như hiện nay.

Dự kiến trong thời gian đầu công ty này sẽ tập trung mua các khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm là bất động sản hoặc tài sản bảo đảm trong tương lai là bất động sản, có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ hợp lệ.

Mục tiêu chính của công ty này là góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng về mức an toàn; thêm khả năng tái tạo vốn cho họ để thúc đẩy nguồn cho vay đối với nền kinh tế.

  • Cẩm Quyên