Công ty TNHH Tư vấn - Dịch vụ - Thương mại Thanh Bình (gọi tắt là Công ty Thanh Bình; trụ sở tại quận 1, TP. Hồ Chí Minh) do Phạm Quốc Dũng (SN 1967; ngụ quận 4, TP HCM) làm Chủ tịch Hội đồng thành viên dù bị nợ xấu thuộc diện không được cho vay nhưng Dũng đã lập hàng loạt “công ty ma” và dễ dàng “qua mặt” ngân hàng để vay và bảo lãnh cho bên thứ ba vay với số tiền lên đến hơn 600 tỷ đồng.

Đất đã bán lại mang đi thế chấp

Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa kết thúc điều tra vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại dự án Khu biệt thự Thanh Bình (phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Theo kết luận điều tra, tổng số tiền mà Công ty Thanh Bình vay vốn và bảo lãnh cho bên thứ 3 còn nợ của 5 chi nhánh ngân hàng là hơn 612 tỷ đồng. Trong đó Phạm Quốc Dũng trực tiếp ký 7 hợp đồng thế chấp tài sản vay hơn 472 tỷ đồng. Điều đáng nói là hầu hết tài sản là các lô đất, nền biệt thự trong Khu biệt thự Thanh Bình mà Dũng thế chấp cho ngân hàng đã được chuyển nhượng hết cho người khác. Trong đó, có khá nhiều người xây dựng nhà cửa cư ngụ hàng năm trời thế nhưng ngân hàng thì vẫn “không hay biết”, vô tư cho vay.

Công ty Thanh Bình được thành lập vào năm 2000 do ông Nguyễn Văn Tám làm giám đốc. Sau khi ông Tám qua đời vào năm 2013, ông Phạm Quốc Dũng là người đại diện theo pháp luật của công ty với chức danh Chủ tịch Hội đồng thành viên.

{keywords}
Bị can Phạm Quốc Dũng.

Công ty Thanh Bình là chủ dự án Khu biệt thự Thanh Bình được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 vào năm 2006 với 209 lô đất và nền biệt thự. Sau đó ông Tám và ông Dũng đã chuyển nhượng toàn bộ cho khách hàng và nhận gần đủ số tiền với tổng giá trị hơn 478 tỷ đồng. Trong đó, Dũng trực tiếp ký 65 hợp đồng thu hơn 227 tỷ đồng; ông Nguyễn Văn Tám ký 82 hợp đồng thu hơn 232 tỷ đồng và ông Phạm Nguyễn Vũ (Giám đốc Công ty Thanh Bình hiện nay) ký 7 hợp đồng thu hơn 19 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Công ty Thanh Bình không làm các thủ tục tách thửa, công chứng sang tên cho khách hàng như đã thỏa thuận trong hợp đồng mà mang đi thế chấp toàn bộ vào ngân hàng để vay vốn và bảo lãnh vay vốn cho bên thứ ba. Số tiền vay ngân hàng và tiền thu của khách hàng chuyển nhượng đất Công ty Thanh Bình chỉ sử dụng một phần nhỏ để đầu tư hạ tầng cho dự án Khu biệt thự Thanh Bình; phần lớn số tiền còn lại sử dụng cho mục đích khác và… ăn chơi.

Ngoài ông Nguyễn Văn Tám và Phạm Quốc Dũng, việc ký kết vay ngân hàng và chuyển nhượng nền đất còn có sự tham gia của nhiều người khác trong Công ty Thanh Bình là ông Phạm Quốc Duy (SN 1980; quê quán tỉnh Ninh Bình) và ông Phạm Nguyễn Vũ (SN 1976; ngụ quận 7, TP HCM). Theo xác minh của cơ quan điều tra, ông Duy là Phó giám đốc của Công ty Thanh Bình, trực tiếp ký nhiều hợp đồng thế chấp tại ngân hàng. Cơ quan điều tra triệu tập nhiều lần nhưng Duy không đến làm việc. Qua xác minh tại Cục Quản lý Xuất nhập cảnh (Bộ Công an) xác định Duy đã xuất cảnh đi nước ngoài vào ngày 14-1-2020 tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; tức chỉ vài ngày sau khi Phạm Quốc Dũng bị khởi tố, bắt tạm giam. Còn Phạm Nguyễn Vũ là cháu ruột gọi Dũng bằng chú. Vũ khai được chú ruột nhờ đứng tên, đại diện theo pháp luật của Công ty Thanh Bình nên việc chuyển nhượng 60% phần góp vốn của Dũng tại Công ty Thanh Bình sang cho Vũ chỉ là giả cách. Từ đó cơ quan điều tra không xem xét, xử lý đối với Vũ với vai trò đồng phạm, giúp sức cho bị can Phạm Quốc Dũng.

Lập công ty "ma" để vay vốn ngân hàng

Bên cạnh giúp Dũng điều hành công ty, Vũ còn được Dũng nhờ đứng tên 3 công ty “ma” (gồm Công ty TNHH Công nghệ máy tính Nhất Tâm, Công ty TNHH MTV Đầu tư Minh Khôi và Công ty cổ phần Đầu tư công nghệ Đại Dương) để vay vốn ngân hàng. Bốn người cháu ruột khác của Dũng là Trần Hữu Quỳnh, Phạm Đức Cường, Phạm Nguyễn Anh Tân, Trần Đức Huynh cũng được Dũng nhờ đứng tên các công ty gồm Công ty cổ phần Thương mại S.V.C, Công ty TNHH Bất động sản Phúc Vinh, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển Hoàng Minh Tân, Công ty TNHH MTV Đồng Tiến Phát. Ngoài ra Dũng còn nhờ anh ruột của mình là Phạm Ngọc Lâm đứng tên Công ty cổ phần Ngân Hà và Khả Minh. Tất cả những người này đều khai, sau khi vay được tiền đã chuyển lại hết cho Công ty Thanh Bình và cá nhân Dũng sử dụng. Vì tất cả đều là công ty “ma” lập nên để vay vốn nên không hoạt động ngày nào và biến mất ngay sau khi “hoàn thành nhiệm vụ”.

{keywords}
Sau khi bán cho người dân, Phạm Quốc Dũng lại mang các lô đất biệt thự đi thế chấp ngân hàng.

Điều đáng nói không chỉ có Dũng thành lập công ty “ma” để vay vốn mà ngay chính một Chi nhánh ngân hàng ở An Sương (quận 12) còn tạo dựng lên một số công ty để nhằm hợp thức hóa cho Dũng vay vốn.

Dũng khai, 5 công ty: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ xuất nhập khẩu Win, Công ty TNHH Thương mại Cresendo VN, Công ty TNHH Alex Vina, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Dũng Thái, Công ty TNHH Thương mại Phong Nhi không phải do Dũng lập nên cũng không có quan hệ làm ăn gì cả. Các công ty này do cán bộ ngân hàng đưa vào với vai trò là bên thứ ba để Công ty Thanh Bình đứng ra bảo lãnh vay vốn. Công ty Cresendo VN đứng tên đại diện pháp luật là ông Trương Thành Tâm, SN 1993, hộ khẩu thường trú ở xã Trường Khánh, huyện Long Phú, Sóc Trăng nhưng theo xác minh của cơ quan điều tra thì ở xã Trường Khánh hoàn toàn không có tên người này. Còn ông Nguyễn Nhật Kha đứng tên Giám đốc Công ty Dũng Thái khai, vào khoảng tháng 12-2017, Kha được bạn bè giới thiệu xin đi làm tại TP HCM. Kha mang theo giấy tờ tùy thân rồi gặp một người phụ nữ tên Cúc. Người này đưa Kha đến chi nhánh nhân hàng ở An Sương rồi bảo ký một số giấy tờ và giấy ủy nhiệm chi. Sau khi thực hiện xong công việc, Kha được cho 20 triệu đồng. Kha không biết ông Dũng là ai và cũng không biết mình được người khác dựng lên… làm giám đốc.

Bên cạnh chiếm đoạt tiền của ngân hàng, khách hàng chuyển nhượng nền đất, Phạm Quốc Dũng còn bị Chi nhánh Công ty TNHH phân phối Synnex FPT tố cáo chiếm đoạt tài sản với số tiền lớn. Cụ thể, ngày 21-6-2013, Chi nhánh Công ty TNHH phân phối FPT (Hà Nội), nay là Chi nhánh Synnex FPT, ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty S.V.C do cháu của Dũng là Trần Hữu Huỳnh làm Tổng giám đốc về việc mua bán máy tính xách tay, máy tính để bàn, máy chiếu, thiết bị mạng… Theo biên bản xác nhận giữa hai bên, đến ngày 30-9-2020, Công ty S.V.C còn nợ Chi nhánh Công ty Synnex FPT gần 21 tỷ đồng. Ngày 2-4-2014, Phạm Quốc Dũng đồng ý đứng ra bảo lãnh và sẽ thanh toán thay cho Công ty S.V.C số nợ nói trên. Sau đó, Dũng dùng 5 nền biệt thự trong Khu biệt thự Thanh Bình để làm tài sản đảm bảo. Nếu Dũng không trả nợ đúng hẹn thì Công ty Thanh Bình có trách nhiệm làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng toàn bộ tài sản đảm bảo. Tuy nhiên sau đó Chi nhánh Công ty Synnex phát hiện các nền đất trên Công ty Thanh Bình đã bán hết cho người khác. Cơ quan điều tra xác định, đây là việc thỏa thuận giữa các bên liên quan đến việc trả nợ thay cho Công ty S.V.C chứ không phải việc chuyển nhượng đất giữa Công ty Thanh Bình và Chi nhánh Công ty Synnex FPT nên chỉ là vụ việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Để làm rõ những sai phạm trong việc cho vay vốn, ngày 26-5-2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và đang tiến hành điều tra làm rõ. 

(Theo Cảnh Sát Toàn Cầu)