Rất ít người biết trên “mặt trận vô hình” trong hoạt động tình báo, những cuộc đấu trí, đấu lực giữa các điệp viên thường diễn ra rất gay go, căng thẳng và nhiều khi, khốc liệt đến mức một mất, một còn. Để hoàn thành nhiệm vụ, các điệp viên luôn phải vận dụng mọi chiêu trò và mánh khóe.

Dùng đòn hạ đo ván


Vào giữa những năm 1950, các điệp viên luôn phải sẵn sàng hạ gục đối tượng bằng đồ uống. Cuốn “Chỉ dẫn chính thức của CIA về các chiêu trò và mánh khóe” của Robert Wallace và H. Keith Melton đã liệt kê rất nhiều thủ đoạn pha trộn chất lỏng với các chất bột và thuốc viên mà không để đối tượng phát hiện.

Các nữ điệp viên với lốt quý bà sang trọng, đeo găng tay đài các ở thời kỳ này đặc biệt có lợi thế nhờ những chiếc khăn tay có thể khâu kèm vài chiếc hộp chứa nhỏ. Trong khi châm thuốc cho ai đó, hộp diêm có thể được họ sử dụng để trộn một viên thuốc vào cốc nước uống của đối tượng. Tất cả chỉ trong một lần xoay nhẹ cổ tay.

Wallace nói, ông đặc biệt thích mánh khóe trên khi chiếc bút chì tiêu chuẩn Số 2 trở thành một công cụ chứa chất đầu độc dạng lỏng hoặc dạng bột (có thể tới 2,5 CC) chỉ đơn giản bằng cách vặn cục tẩy và đai kim loại bao quanh nó ở một đầu bút chì. “Nó có thể là một viên thuốc hạ đo ván, gây ảo giác hoặc chất gây chết người, tùy theo ý muốn của bạn”, ông Wallace - cựu phụ trách phòng kỹ thuật của Cục tình báo trung ương Mỹ (CIA) cho biết thêm.

Che giấu trong vỏ bọc đơn giản


Thuật ẩn liệu là cách để lại một thông điệp cần giấu kín ở nơi công khai. Tác giả Wallace tỏ ra tín nhiệm “thầy phù thủy” John Mulholland vì đã truyền dạy các kỹ thuật mới của loại hình liên lạc này cho CIA khi ông trở thành cố vấn của cơ quan tình báo Mỹ năm 1953. Một thủ pháp ẩn liệu do Mulholland sáng tạo ra tập trung vào cách buộc dây giày. Việc xâu dây giày vào các lỗ ở hai bên một chiếc giày theo các cách khác nhau sẽ biểu đạt những ý nhất định, ví dụ như “Đi theo tôi” hoặc “Tôi đã đưa đi cùng một người khác nữa”.

Theo ông Wallace, che giấu các thông điệp trong bối cảnh đơn giản tiếp tục là một thủ thuật hiệu quả. Lấy ví dụ như mạng lưới khủng bố Al Qaeda từng ém các tài liệu mật vào một đoạn video khiêu dâm.

Thu thập tài liệu bí mật


Ngày nay, việc thu thập tài liệu bí mật sẽ trở nên vô cùng đơn giản với sự trợ giúp của một máy quét nhỏ, nhưng cách đây vài thập kỷ, các điệp viên đã phải sử dụng những kỹ thuật khác. Bảo tàng CIA hiện đang trưng bày thiết bị bóc trộm thư từ Thế chiến thứ hai. Khi được gắn vào phần không được dán kín của nắp phong bì thư, càng của thiết bị sẽ tóm lấy bức thư bên trong, xoáy và rút nó ra mà không để ai biết.

Một cách lấy tài liệu khác sử dụng sáp dính tạm thời các vật thể. Theo cuốn “Chỉ dẫn chính thức của CIA về các chiêu trò và mánh khóe” của Wallace và Melton, để thực hiện thủ thuật này, đầu tiên điệp viên sẽ phủ sáp lên bìa một cuốn sách. Chỉ trong nháy mắt, cuốn sách được dùng để dính một tờ tài liệu. Tất cả những gì các điệp viên cần làm là nhớ cầm cuốn sách sao cho phía dính tờ tài liệu úp vào cơ thể mình hoặc hướng xuống sàn.

Các thông điệp mã hóa tầm ngắn


Rất lâu trước khi có điện thoại di động, Phòng Kỹ thuật của CIA đã phát triển cái mà họ gọi là các hệ thống thông tin liên lạc tầm ngắn của điệp viên (SRAC). Khi hai điệp viên liên lạc an toàn với nhau thông qua một thiết bị SRAC, họ không cần phải xuất hiện ở cùng một địa điểm.

Một thiết bị SRAC đời đầu có từ những năm 1970 trông giống như máy tính loại lớn với bàn phím và một bút trâm có thể viết được 256 ký tự. Hệ thống này cho phép các điệp viên truyền tải thông điệp được mã hóa trong phạm vi 400m. Mặc dù tín hiệu truyền tin có thể bị chặn, nhưng kỹ thuật liên lạc này cho thấy một bước đột phá về “đồ chơi” của giới tình báo.

Tráo đổi vật thông tin


Kỹ thuật này ra đời từ thời Chiến tranh Lạnh và được các điệp viên sử dụng để trao đổi tài liệu hoặc gói đồ quan trọng. Về sau, các điệp viên Mỹ đã phát triển kỹ thuật này tới mức hữu dụng ở những nơi nguy hiểm và bị theo dõi liên tục.

Theo Peter Earnest – giám đốc điều hành Bảo tàng gián điệp quốc tế ở Washington, để có thể tráo đổi vật thông tin mà không bị phát hiện, các điệp viên phải bỏ công dàn cảnh công phu. Hành động chuyển giao tài liệu hoặc gói đồ quan trọng giữa họ phải vô cùng mau lẹ ở ngõ hẻm, góc phố hoặc lối đi xuống tàu điện ngầm, ...

Cuối năm 2009, một cặp vợ chồng lớn tuổi là Walter và Gwendolyn Myers bị cáo buộc làm gián điệp cho Cuba ở Mỹ trong nhiều thập niên. Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cho hay, cặp đôi này đã sử dụng nhiều thủ thuật tráo đổi vật thông tin. Ví dụ như, bà vợ - Gwendolyn từng không ít lần tráo đổi xe đẩy hàng tại các cửa hàng tạp hóa nhằm chuyển thông tin tình báo cho những điệp viên  khác cùng đường dây.

Tuấn Anh