- “Bán rẻ hơn ngồi không, lấy chồng còn hơn ở giá” – không biết do phải chịu áp lực từ gia đình hay do chính áp lực từ bản thân mà tôi đã nhắm mắt lấy chồng cho có để rồi khi ân hận thì đã muộn màng.

Tin bài cùng chuyên mục:

28 tuổi, trong khi bạn bè cùng trang lứa đã yên bề gia thất, tay bồng tay bế thì tôi vẫn đi về lẻ bóng. Sau sự đổ vỡ của mối tình đầu kéo dài suốt mấy năm, cho dù bản thân đã thực sự không còn lưu luyến người cũ nhưng không hiểu sao tôi vẫn chưa thể bắt đầu một mối quan hệ mới với người con trai nào khác. Tôi cũng từng đi xem mặt nhiều lần, từng tham gia vào các diễn đàn tìm bạn trên mạng, cũng từng thử hẹn hò với không ít chàng trai nhưng kết cục của tất cả những cuộc gặp gỡ đó chỉ là sự chán nản. Tôi chẳng tìm được ai phù hợp có thể đồng hành với mình đến hết cuộc đời.

Bố mẹ tôi thì tỏ ra rất lo lắng, sốt ruột như kiểu “có bom nổ chậm” trong nhà. Mỗi ngày, mẹ tôi lại nói bóng gió về việc tôi nên tìm nơi chốn, yên bề gia thất để bố mẹ được nhờ. Buổi tối cứ thấy tôi ở nhà không chịu đi đâu là mẹ tôi lại cằn nhằn: “Ô hay, gần 30 tuổi đầu rồi mà không hẹn hò, đi chơi đi bời gì à con? Cứ ru rú ở nhà thế này thì thằng nào nó rước!”.

Lắm lúc tôi cảm thấy tủi thân kinh khủng, phát chán vì cái điệp khúc “lấy chồng” của bố mẹ, cảm giác đang ở nhà mình mà mọi người cứ chực “đuổi” đi. Bực mình, tôi quyết định sẽ lấy chồng để thoả lòng mong đợi của bố mẹ và cũng là để tìm chỗ nương tựa cho mình.

Hai tháng sau, tôi dẫn về ra mắt một anh chàng mới quen thông qua sự mối lái của một người bạn học cấp 3. Thấy gia cảnh và tính cách chàng trai có vẻ phù hợp, bố mẹ tôi gật đầu ưng thuận. Thế là nào dạm ngõ, ăn hỏi rồi đám cưới, vỏn vẹn chỉ trong 3 tháng kể từ khi chúng tôi gặp nhau.

Ngày cưới, tôi rất hãnh diện và có phần hả hê với bạn bè vì từ nay trở đi tôi đã có chỗ “ấm” rồi, lấy được chồng giàu lại có nhà cửa, chẳng phải bon chen với đời.

Tôi quyết định kết hôn một phần cũng vì không muốn mang tiếng gái ế, “gái vô duyên mới không lấy được chồng”. Vả lại tôi thấy Tuấn là một chỗ dựa tốt, có thể đảm bảo tương lai cho tôi và con cái sau này. Gia đình anh tương đối khá giả, có nhà to trên phố. Anh còn hứa hẹn sau đám cưới, tôi không cần phải lo đi làm, chỉ ở nhà cơm nước, nội trợ, sinh con cho anh là được.

Trước khi lấy anh, tôi cũng chỉ làm những công việc lặt vặt linh tinh chứ chưa vào biên chế chính thức của một công ty nào nên lại càng có lí do để ở nhà. Nhà chồng tôi đông người, tôi lại là dâu mới nên những công việc nội trợ trong ngôi nhà 4 tầng khang trang cũng khiến tôi “đánh vật” cả ngày. Sáng sáng, tôi phải dậy sớm nấu ăn sáng cho cả gia đình, rồi quét dọn nhà cửa, lau nhà, đi chợ, nấu nướng, giặt giũ… Bao nhiêu là công việc đổ dồn lên đầu tôi vì chồng, anh chị chồng viện lí do phải đi làm nên không động vào việc nhà. Bố mẹ chồng thì đã có tuổi, dù không yếu mệt lắm nhưng cũng suốt ngày than thở đau lưng, đau đầu rồi tụt huyết áp khiến tôi cũng không dám để các cụ mó tay vào việc gì.

Tôi chua chát nhận ra mình đã “bước vội” để rồi rước khổ vào thân(Ảnh minh họa)

Những tưởng tôi tỏ ra hiền lành, ngoan ngoãn, phục dịch cả nhà chồng như vậy thì mẹ chồng sẽ thương yêu và chia sẻ nhưng đằng này bà luôn có cái nhìn khinh miệt với tôi vì cái tội con dâu "chẳng có nghề ngỗng gì, ở nhà ăn bám chồng và gia đình nhà chồng". Cứ vào bữa ăn, tôi lại bị mẹ chồng mỉa mai bóng gió. Anh chị em nhà chồng cũng nhìn tôi với ánh mắt soi mói, coi thường.

Lúc đầu, tôi còn cố cam chịu nhưng về sau vì cảm thấy quá ngột ngạt, tôi bàn với chồng xin ra ở riêng nhưng đáp lại đề nghị ấy là một trận thoá mạ của anh: "Cô tưởng tôi nhiều tiền lắm hay sao mà đòi ra ngoài ở riêng? Cô có tiền thuê nhà không? Đã ăn bám mà còn đòi" khiến tôi ngỡ ngàng không thể tin nổi những điều anh vừa nói ra.

Anh đi làm kiếm được bao nhiêu tiền tôi cũng không được biết. Hàng tháng anh đóng tiền ăn của cả hai vợ chồng cho mẹ, đưa cho tôi một số tiền ít ỏi để chi tiêu cho sinh hoạt của hai vợ chồng, còn lại là giữ riêng. Tôi không bao giờ dám hỏi thu nhập của chồng. Anh cũng không có ý định chia sẻ chuyện kinh tế với tôi. Tôi cảm thấy mình chỉ như kẻ ăn người ở trong nhà. Đối với tôi ngôi nhà này quá xa lạ. Tôi như kẻ đi hoang và lạc lõng trong nó. Cả gia đình này không chào đón tôi, đến người chồng đầu ấp tay gối cũng coi thường và không tin tưởng tôi. Từ ngày lấy vợ, anh vẫn không từ bỏ những thói quen cũ khi còn độc thân mà vẫn thích đàn đúm, tụ tập bạn bè, chén chú chén anh. Đêm nào cũng về nhà trong trạng thái say mềm và tôi lại phải phục vụ.

Đã mấy lần tôi bàn với chồng hay là để tôi đi kiếm việc làm để trang trải cho cuộc sống của hai vợ chồng nhưng chồng tôi đều gạt đi, nạt nộ: “Cô thì biết làm việc gì, bằng trung cấp như cô thì ai người ta nhận. Cô cứ ở nhà cơm nước cho tôi nhờ”.

Không biết tôi có thể chịu đựng được cảnh sống này bao lâu nữa khi sức lực của con người chỉ có hạn. Từ ngày lấy chồng, tôi cũng chỉ đầu tắt mặt tối trong ngôi nhà khang trang lạnh lẽo, có đi ra ngoài thì cũng chỉ từ chợ về nhà, từ nhà ra chợ, cũng không được phép đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Tôi cũng chẳng thể nói tình cảnh hiện tại của mình cho bố mẹ biết để các cụ thêm đau lòng, cũng chẳng thể trải lòng với ai vì bạn bè ai cũng ngỡ tôi được gả cho nhà giàu, chắc hẳn cuộc sống phải sung sướng lắm.

Tôi chua chát nhận ra mình đã “bước vội” để rồi rước khổ vào thân. Có lẽ ly hôn là cách giải thoát tốt nhất cho tôi lúc này khi tôi vẫn còn chưa vướng bận chuyện con cái?

Minh Chuyên (Thái Bình)

Bạn đọc muốn gửi tâm sự về chuyên mục “Chuyện chung, chuyện riêng” xin gửi về địa chỉ banbandoc@vietnamnet.vn (Chuyên mục là nơi sẻ chia tâm sự của bạn đọc nên tòa soạn không chấm nhuận bút).