Câu chuyện này có thật và xảy ra ở một phòng vé máy bay. Khi kể lại câu chuyện này trên trang mạng xã hội với bạn bè thì cô bán vé đã dán cho mình cảm xúc: “Cảm thấy hoang mang!”. Mà đúng là hoang mang thật!
Sáng sớm vừa mở cửa phòng vé, một khách hàng quen là giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội bước vào mở hàng. “Anh vẫn đặt vé đi công tác như mọi khi hả anh?” – cô bán vé hỏi. “Không, anh đặt vé giúp vợ đi công tác” – vị khách hàng trả lời. “Anh cho em xin tên đầy đủ của chị ấy”. “Úi, tên đầy đủ ấy à, là Lan, mà cái gì Lan nhỉ, để anh nhớ lại đã” – khách hàng ấp úng. “Anh ơi, em cần tên theo đúng chứng minh thư để xuất vé, chứ thiếu hoặc không chính xác họ, đệm sẽ không được lên máy bay đâu”. “Thế thì đợi anh tí, anh gọi điện cho vợ đã”.
Ảnh minh họa |
Sau một hồi chuông đổ, chắc người vợ bận nên không nghe máy, người khách hàng đành quay số gọi điện cho con. “Alo, con à. Con có biết tên đầy đủ của mẹ là gì không?”. “Mẹ tên là Nguyễn Thị Lan, nhưng con cũng không chắc lắm đâu nhé, sao bố không hỏi thẳng mẹ luôn?”. “Bố gọi rồi, mẹ không nghe máy, Nguyễn Thị Lan à, hình như bố nhớ đúng là vậy. Mà con có chắc không đấy, mẹ con liệu còn tên đệm nào khác không nhỉ?”.
Nghe đoạn hội thoại giữa hai bố con, cô nhân viên bán vé ngước lên nhìn kỹ lại vị khách hàng quen của mình. Chắc anh ta cũng phải ngoài 50 tuổi, có con đang học đại học, có nghĩa là cuộc hôn nhân đã kéo dài tầm hai chục năm.
“Chả nhẽ trong ngần ấy năm anh ta chưa bao giờ lưu tên vợ mình vào bộ nhớ? Chả nhẽ lúc đăng ký kết hôn anh ta không thèm xem mình đã lấy ai? Chả lẽ lúc đăng ký khai sinh cho con, anh ta không biết ai là mẹ của con mình? Chẳng lẽ hai bố con nhà đấy một chưa già và một còn rất trẻ lại mắc cùng một chứng bệnh – lãng quên tên người phụ nữ của mình trong gia đình?”… Bộn bề những câu hỏi không lời đáp trong đầu cô nhân viên bán vé máy bay buổi sáng hôm ấy.
(Theo PLVN)