Theo đó, phương án thứ nhất được áp dụng cho đường sắt tốc độ cao chỉ chở khách, tốc độ khai thác tối đa 320km/h. Đây là phương án đã được trình Chính phủ năm 2019 tại báo cáo tiền khả thi.

Hướng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua địa phận Hà Nội có điểm đầu tại tổ hợp ga Ngọc Hồi. Nhà ga đầu tuyến được bố trí tại ga Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và depot (khu bảo dưỡng, sửa chữa đặt tại huyện Thường Tín).

Bộ GTVT lấy ý kiến UBND TP Hà Nội về phương án hướng tuyến, vị trí các nhà ga đường sắt tốc độ cao Bắc- Nam qua địa bàn (Ảnh: Quang Phong) 

Theo đánh giá của đơn vị tư vấn lập dự án, phương án trên đồng bộ với các quy hoạch liên quan của thành phố Hà Nội và quy hoạch mạng lưới đường sắt, đảm bảo kết nối hướng tuyến qua Hà Nam.

Đơn vị tư vấn dự án cũng đề xuất Hà Nội giữ nguyên hướng tuyến như đã thống nhất với Bộ GTVT, điểm đầu tuyến tại ga Ngọc Hồi.

Tuy nhiên, đơn vị tư vấn này cũng đề nghị xem xét khai thác tàu tốc độ thấp đi đến ga Hà Nội (theo quy hoạch ga Hà Nội là ga đường sắt đô thị) để tăng hiệu quả của dự án đường sắt tốc độ cao, thay vì ga Ngọc Hồi như đề xuất ban đầu. Đồng thời, di dời depot Thường Tín về tổ hợp Ngọc Hồi để thuận tiện bảo dưỡng, sửa chữa tàu.

Phương án thứ hai do Tư vấn thẩm tra dự án đường sắt tốc độ cao đề xuất, với mục tiêu nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt tốc độ cao khai thác cả tàu hàng và tàu khách, tốc độ thiết kế 200 - 250 km/h.

Tư vấn thẩm tra đề xuất ga chính Ngọc Hồi (xã Liên Ninh, huyện Thanh Trì) và ga Ngọc Hồi 2 (xã Phương Dực, huyện Phú Xuyên) để kết nối sân bay thứ hai của Hà Nội trong tương lai, đồng thời tích hợp chung ga hành khách và ga hàng hóa để kết nối hệ thống logistic phía Bắc.

Theo đó, từ ga Ngọc Hồi, đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam khi đến tuyến nối cao tốc Tây Bắc với quốc lộ 5B, sẽ đi thẳng để sang địa phận tỉnh Hà Nam.

Tuy nhiên, với phương án này, đơn vị tư vấn lập dự án nhận định "không hiệu quả, làm tăng chi phí đầu tư".  Bởi, vị trí sân bay thứ hai của Hà Nội chưa được xác định cụ thể trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, nên việc kết nối qua nhà ga Ngọc Hồi 2 chưa khả thi.

Theo kế hoạch, sau khi lấy ý kiến từ UBND TP Hà Nội, Bộ GTVT sẽ hoàn thiện Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự kiến trình Chính phủ tháng 9, phê duyệt chủ trương đầu tư trước năm 2025.

Tháng 2/2019, Bộ GTVT trình Chính phủ báo cáo tiền khả thi dự án tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành từ Hà Nội đến TP.HCM. Đây là tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/h, tốc độ khai thác 320 km/h. Trên tuyến có 20 ga hành khách, đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán. Tổng mức đầu tư sau thẩm tra là 64 tỷ USD.

Hội đồng Thẩm định nhà nước đã ký hợp đồng với liên danh tư vấn thẩm tra độc lập để đánh giá, thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Cuối năm 2022, Tư vấn thẩm tra nêu một số nhược điểm nếu đầu tư đường sắt tốc độ cao 350 km/h và kiến nghị phương án tuyến đường sắt vừa chở khách, vừa chở hàng tốc độ khai thác 225 km/h cho tàu khách, 160 km/h cho tàu hàng. Trên tuyến có 50 ga hành khách và 20 ga hàng hóa. Tổng mức đầu tư sơ bộ là 61 tỷ USD.