Cụ thể, đại diện Lazada Việt Nam cho biết việc đóng cửa văn phòng Hà Nội là nhằm thống nhất bộ máy quản lý và tạo điều kiện cho công tác huấn luyện đào tạo của hãng. Mặc dù đóng cửa văn phòng Hà Nội nhưng hãng vẫn mở rộng bộ phận logistics (hậu cần, giao hàng) tại Hà Nội bao gồm nhà kho, đội ngũ giao hàng và các bộ phận vận hành khác. Tại TP.HCM, hãng đang mở rộng phát triển nhân lực khối thương mại mà công nghệ.
Theo tin trên CafeF, ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express cho biết: "Việc tập trung bộ máy tại TP.HCM nhằm tối ưu hệ thống của công ty. Hoạt động logistics vẫn diễn ra bình thường. Tuần cuối tháng ba, công ty sẽ khai trương hệ thống phân loại hàng hóa tự động tại Hà Nội. Bên cạnh đó, công suất kho hàng tại TP.HCM cũng sẽ được nâng lên gấp 3 lần ngay trong năm nay".
Được biết, mặc dù Lazada có đưa ra một số chính sách để sắp xếp công việc mới theo nguyện vọng của các nhân viên văn phòng Hà Nội, nhưng nhiều nhân sự tại văn phòng này đã chọn cách rời bỏ công ty.
Lazada mở văn phòng tại Hà Nội vào năm 2015 với đội ngũ nhân sự là 100 người, nhằm tăng cường mạng lưới kết nối với doanh nghiệp, người bán hàng và đặc biệt là mở rộng thị phần của hãng tại Hà Nội và toàn bộ khu vực miền Bắc. Thông tin từ Lazada và từ báo chí cho biết, việc đóng cửa văn phòng tại Hà Nội và một số nơi trong khu vực và trên thế giới nhằm thực hiện chến lược thống nhất và tập trung hóa bộ máy nhân sự, tiến tới hiện thực hoá tham vọng chiếm lĩnh thị trường thương mại điện tử tại khu vực Đông Nam Á của "gã khổng lồ" Alibaba.
Hồi tháng 4/2016, tập đoàn thương mại điện tử Alibaba của Trung Quốc đã bỏ ra 1 tỷ USD để mua cổ phần chi phối tại Lazada từ công ty sáng lập là Rocket Internet (của Đức) và tập đoàn siêu thị Tesco (của Anh). Sau đó, Alibaba tiếp tục đầu tư thêm 1 tỷ USD nữa để tăng tỷ lệ sở hữu lên tới 83% cổ phần của Lazada. Đến tháng 3 vừa qua, Alibaba đã đầu tư thêm 2 tỷ USD vào Lazada, đồng thời bổ nhiệm một lãnh đạo cao cấp của mình vào vị trí điều hành Lazada.