- "Tôi rất hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, thích màu tím, thích chó mèo, thích nhạc teen, thích xí muội, thích bánh kẹo có nhuộm xanh đỏ", Lê Hoàng hài hước vẽ chân dung mình.
Con đường đến với nghệ thuật của Lê Hoàng khá độc đáo. Học Đại học Bách khoa Hà Nội, khoa Xây dựng nhưng chưa hề thi công bất cứ công trình gì, nhảy qua học Đại học Điện ảnh Hà Nội, viết kịch đến viết kịch bản phim và làm đạo diễn!
Lê Hoàng bắt đầu sự nghiệp điện ảnh bằng kịch bản “Vị đắng tình yêu”, bộ phim được nhiều giải thưởng ở Liên hoan phim năm 1993. Đây còn là bộ phim đạt doanh thu cao nhất vào thời điểm lúc bấy giờ, trên 500 triệu đồng! Với phim video “Vị đắng tình yêu ” phần 2, Lê Hoàng viết kịch bản và bước vào lĩnh vực đạo diễn. Đây là một trong những bộ phim mở đầu cho trào lưu dòng phim “ăn khách” hay còn gọi là phim “thị trường”. Nói theo kiểu Lê Hoàng, nhẹ nhàng hơn, là “phim có khán giả”!
Trước khi chính thức bước vào dòng phim thị trường, Lê Hoàng đã có nhiều tác phẩm nghệ thuật xuất sắc như “Ai xuôi vạn lý”, “ Chiếc chìa khóa vàng”, “Lưỡi dao”. Các tác phẩm của Lê Hoàng đã tạo tên tuổi cho nhiều diễn viên như Mỹ Duyên, Công Ninh, Thiệu Ánh Dương, Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh, Phước Sang, Hoàng Sơn, Kim Xuân…
Năm 2001, Lê Hoàng đã tạo nên cơn sốt trong giới điện ảnh và khán giả bằng bộ phim “Gái nhảy”. Bộ phim hoài thai từ kịch bản của nhà văn Ngụy Ngữ với cái tên “Trường hợp của Hạnh”. Người mẫu Minh Thư qua vai Hạnh đã trở thành ngôi sao của phim “có khán giả”. Bộ phim “Giái nhảy” cho kỷ lục về doanh thu mà trước đây mơ cũng không được, 13 tỷ đồng!
Lê Hoàng là đạo diễn có ảnh hưởng lớn mạnh mẽ đến điện ảnh Việt Nam từ giải đoạn 1990 tới nay. Những phim của anh từ nghệ thuật cho đến thị trường không những tạo nên dấu ấn Lê Hoàng mà còn tạo dư luận, phá tan tảng băng trì trệ, trầm lắng trong khoảng thời gian dài. Chưa khi nào phong trào làm phim lại sôi động như thời kỳ tiếp theo “Gái nhảy”. Tất nhiên, anh phải trả giá nhiều cho chuyện này. Nhưng với Lê Hoàng, cá tính của anh không cho phép anh đầu hàng, từ bỏ.
Những bộ phim thị trường đem đến cho Lê Hoàng nhiều vinh quang nhưng cũng không ít phiền muộn, âu cũng là lẽ thường tình trong nghệ thuật và trong cuộc sống. Anh đã từng nói: “Tôi không sợ bị ghét, chỉ sợ bị xem là hèn!”.
Vị giám khảo gây “sốc tận óc”. Đó là nhận xét nhiều người gán cho Lê Hoàng. "Tôi xin nói đi nói lại là tôi không đanh đá, tôi chỉ dại khờ và thỉnh thoảng cho cảm xúc bộc lộ một cách thiếu cân nhắc. Người ta bảo lời nói cần uốn lưỡi bảy lần nhưng tôi không uốn được như thế. Tôi rất hồn nhiên, ngây thơ, trong sáng, thích màu tím, thích chó mèo, thích nhạc teen, thích xí muội, thích bánh kẹo có nhuộm xanh đỏ" …
Dù đã từng nói “có ngu mới làm giám khảo” nhưng Lê Hoàng đang là vị giám khảo “trên nhiều nẻo đường”.
Thứ nhất, hớ với ban tổ chức vì "Chúng thường thề rằng cuộc thi này vui lắm, nhưng sau này mới vỡ lẽ ra là nhiều cuộc chả vui gì cả, còn vắng hơn cả chùa bà Đanh và chùa ông Đanh, sau đó bà con không hề quan tâm, thi cử gì mà chẳng ma nào biết”.
Thứ hai, hớ với thí sinh do là “lúc chưa thi thì ai cũng vui, ai cũng dễ thương, lúc thi và trượt rồi thì ai cũng mặt sưng mày xỉa, đứa nào rớt cũng nghĩ bị oan, bị giám khảo trù dập hoặc cho là giám khảo dốt chả hiểu mình".
Còn với khán giả, nguyên nhân bị hớ là do "Khán giả thì ôi thôi có đủ loại thành phần, đẹp trai, thông minh hơn mình cũng có mà gian ác, kém cỏi hơn mình cũng có. Chúng tha hồ phê phán, đàm tiếu, bình phẩm về mình mà mình chỉ biết ngồi nghe rồi nhe răng cười.
Cuối cùng, hớ với chính mình: "Xưa nay chắc mẩm mình đẹp trai, mình thông minh hoặc mình vừa thông minh vừa đẹp trai, đến khi lên tivi chúng nó quay cho xấu hoắc, mặt nhăn nhó hoặc đen sì. Tiếp theo là âm thanh của chúng rè rè khiến giọng mình chua như giấm hoặc khàn như vịt, nếu có bồ chắc chắn bồ sẽ bỏ chạy".
Nếu theo giải bày ngậm ngùi, cay đắng và đáng thương kia của Lê Hoàng, có lẽ mọi người phải xếp nghề giám khảo - nghề anh đang theo đuổi và cũng bị "ném đá" khá nhiều từ khán giả là "một trong những nghề nguy hiểm như lính cứu hoả, cảnh sát hình sự hay người dỡ bom mìn! Và chắc rằng trong bốn cái ngu của người xưa "làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" phải bổ sung thêm cái ngu thứ năm là "làm giám khảo!".
Viết về Lê Hoàng thì không thể hết được. Anh đa diện trên nhiều lĩnh vực, lĩnh vực nào anh cũng để lại dấu ấn cá nhân tỏa sáng, đáng khâm phục.
Nói chuyện phiếm với Lê Hoàng thì thoải mái vô cùng. Nhưng anh cũng vô cùng nghiêm túc trong công việc và trong phát ngôn chính thức. Anh hẹn sẽ có bài trả lời phỏng vấn cho bạn đọc Vietnamnet bằng văn bản để tránh “tam sao thất bản”. Chắc có lẽ cuộc đời phong sương mở đường tiên phong đã khiến Lê Hoàng phải “giữ mình” những lúc cần thiết chăng?
Từ bãi biển miền trung đầy nắng gió, qua điện thoại, Lê Hoàng hẹn sắp về lại thành phố. Anh đang lo làm phim cho dịp tết sắp đến. Một chút bí mật được Lê Hoàng “bật mí”: “ Phim chiếu trong dịp tết nhưng không phải phim tết!”.
Duy Chiến