"Nếu một chuyến đò chở 2 người, tính ra người lái đò chỉ được 70.000 đồng mà chờ nhiều tiếng đồng hồ như vậy thì thiệt thòi cho người ta quá! Thu thêm phụ tải là nên làm", ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương cho biết.


Năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 13/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Bính Thân), với chủ đề “Lễ hội kỷ cương – Văn minh du lịch”. 

Theo BTC, công tác khảo sát, quy hoạch các mặt bằng kinh doanh dịch vụ đã được duyệt xong trước ngày 22/12/2015. Trong đó, tuyệt đối không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực BTC tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích.

Việc quảng cáo, tổ chức dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội cũng bị cấm. Hiện tượng các gian hàng treo móc thịt phản cảm được phản ánh từ những năm trước cũng đã được xử lý triệt để trong năm 2015.

{keywords}
Điểm mới của lễ hội năm nay đó là sẽ có một tuyến xe buýt được trợ giá đi Chùa Hương. Ngoài ra, BTC cũng phủ sóng wifi miễn phí cho du khách trong dịp lễ hội.

"Cách đây 2 năm, khó khăn lớn nhất mỗi lần tổ chức Lễ hội Chùa Hương là việc các hàng quán treo nhiều thịt thú rừng rất phản cảm khiến BTC khó kiểm soát. Tuy nhiên, từ mùa lễ hội năm ngoái hiện tượng này đã không còn. Năm nay có 318 gian hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát trong khu vực danh thắng Chùa Hương. Chúng tôi đang rất tự tin để bước vào mùa lễ hội năm 2016", ông Nguyễn Văn Hoạt - Chủ tịch UBND Huyện Mỹ Đức cho biết.

Về vấn đề đảm bảo an ninh trật tự, ông Nguyễn Chí Thanh, Trưởng Ban quản lý di tích, Phó Trưởng BTC Lễ hội Chùa Hương cho biết công an huyện Mỹ Đức phối hợp với các tổ công tác tổ chức phân luồng giao thông, có thể tạm dừng vận chuyển khách bằng cáp treo trong những ngày đông khách. Cụ thể tuyến đường từ nhà điều hành bến Yến đi đền Trình Ngũ Nhạc, cấm ô tô, xe máy lưu thông; cấm xe công nông, xe lam hoạt động trên các tuyến đường bộ, xuồng, đò có máy động cơ không có giấy phép không được hoạt động trên các tuyến suối. 

Về tình trạng xe ôm đeo bám khách trên các tuyến đường, ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng BTC lễ hội Chùa Hương năm 2016 thừa nhận là mặc dù đã có sự vào cuộc của lực lượng Công an nhưng tình trạng trên vẫn chưa được xử lý triệt để. Công an huyện sẽ phối hợp với lực lượng BTC kiểm tra, quản lý chặt chẽ vé thắng cảnh, xử lý nghiêm những trường hợp tranh giành, dẫn khách trốn lậu vé.

Khi báo chí thắc mắc rằng năm ngoái, dù đã mua vé đi đò với giá 35.000 đồng/lượt nhưng khách đi đò vẫn 'vòi' thêm tiền, ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định khách đi chùa Hương thường là đi tour, có lịch trình sẵn nên sẽ không xảy ra hiện tượng này. 

Theo ông Nguyễn Văn Hậu, BTC đã cho dựng gần 30 biển báo thông báo rõ ràng giá vé thắng cảnh, giá vé đò… cho du khách. Trong đó, giá vé đò là 35.000 đồng/người, giá vé thắng cảnh là 50.000 đồng/người, giá vé cáp treo khứ hồi là 140.000 đồng/người.

Tuy nhiên, ông Hậu cho hay hiện các đò ở khu vực Chùa Hương, đò nhỏ nhất chở 6 người, nhưng du khách có những người đi ít hơn 2 người, 3 người thì 'nên' có phụ tải thêm. "Bình thường, giá vé đi đò là 35.000 đồng/người, với đò nhỏ nhất chở 6 người là 210.000 đồng một chuyến. Nhưng có những gia đình, cặp đôi chỉ thích đi 2 người hoặc thích đi trong phạm vi gia đình mình. Chẳng hạn nếu một chuyến đò chở 2 người, tính ra người lái đò chỉ được 70.000 đồng mà chờ nhiều tiếng đồng hồ như vậy thì thiệt thòi cho người ta quá! Thu thêm phụ tải là nên làm", ông Hậu lý giải.

T.Lê