Đền Lễ hội đền Lảnh Giang tỉnh Hà Nam vừa vinh dự được đón nhận bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Lảnh Giang.
Trong khuôn khổ Lễ hội đền Lảnh Giang (24 - 26/6/2017), Cục di sản Văn hoá đã trao bằng ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với Lễ hội đền Lảnh Giang.
Lễ đón nhận bằng ghi danh Di sản văn hoá phi vật thể tại đền Lảnh Giang - Hà Nam |
Đền Lảnh Giang còn có tên gọi là Lảnh Giang linh từ, tọa lạc tại thôn Yên Lạc, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên. Ngôi đền này thờ Tam vị danh thần đời Hùng Vương thứ 18 và Tiên Dung công chúa, Chử Đồng Tử. Tam vị danh thần là 3 con rắn, con của nàng Quý người trang Hoa Giám (nay là xã Yên Lạc) có công giúp vua Hùng Duệ Vương chống lại Thục Phán, được phong là Nhạc Phủ Ngư thượng đẳng thần, sau được gia phong là Trấn Tây An Tam Kỳ Linh ứng thái thượng đẳng thần. Trên mảnh đất này còn lưu truyền câu chuyện quen thuộc về Tiên Dung và Chử Đồng Tử trong kho tàng truyện kể dân gian Việt Nam.
Đền Lảnh Giang hiện còn lưu giữ các di văn chữ Hán được phân loại dưới hình thức: Di văn bài trí (Hoành Phi, Câu đối), di văn lưu trữ (Thần tích, Sắc phong)…
Đền Lảnh Giang được xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc gồm 3 tòa, 14 gian, hai bên có nhà khách, lầu thờ, 4 bên có tường gạch bao quanh. Trong đền có nhiều đồ thờ giá trị như tượng Tiên Dung công chúa, khánh long đình, khám đặt tượng thờ 3 vị tướng thời Hùng vương được chạm khắc công phu theo phong cách đời Lê. Ngoài ra đền còn giữ được hai kiệu bát cống long đình, một sập thờ và nhiều hoành phi, câu đối, nhang án. Kề bên đền Lảnh Giang về phía bờ sông là ngôi đền thờ Cô Bơ Thoải Phủ (hệ thống thờ Đạo Mẫu Việt Nam).
Đền Lảnh Giang được Bộ Văn hóa cấp bằng công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1996. Một năm, đền có 2 kỳ lễ hội chính vào tháng 6 và tháng 8 âm lịch. Từ năm 1996, lễ hội truyền thống đền Lảnh Giang được UBND xã, BQL di tích và nhân dân địa phương phục dựng và duy trì.
Các nghi thức lễ rước kiệu thánh, khai thác lễ hội, dâng lễ, dâng hương, lễ tế thần, nghi thức hát Văn diễn xướng hầu đồng, lễ rước nước từ Sông Hồng vào đền theo nghi lễ tục thờ thủy thần cầu cho mưa thuận gió hòa. Đặc biệt nghi thức tục thờ Thủy thần được thể hiện qua diễn xướng tái hiện huyền tích tam vị thủy thần trong lễ hội truyền thống năm 2009.
Thông qua lễ hội và các nghi thức văn hóa tâm linh sẽ nhắn nhủ tới mọi người và các thế hệ con cháu phải biết trân trọng, giữ gìn, nhớ về cội nguồn, noi gương các bậc tiền nhân giữ gìn xây dựng non sông, đất nước.
Nhân dịp này, Sở VHTT&DL tỉnh Hà Nam cùng phối hợp với Cục Văn hoá cơ sở (Bộ VHTT&DL), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức Liên hoan hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc 2017. Tham gia Liên hoan có các nghệ nhân, diễn viên đến từ các Câu lạc bộ, Hội Văn nghệ dân gian của các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Bắc Kạn, Hải Dương, Lạng Sơn, Ninh Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Hưng Yên, Vĩnh Phúc và Hà Nam.
Liên hoan được tổ chức nhằm tôn vinh, quảng bá các giá trị nghệ thuật của loại hình hát Văn, hát Chầu văn. Qua hoạt động trình diễn nghệ thuật này, góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và cộng đồng trong việc bảo tồn, kế thừa những giá trị văn hóa nghệ thuật hát Văn, hát Chầu văn. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các nghệ nhân, nghệ sỹ, diễn viên gặp gỡ, học tập, giao lưu trao đổi kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết giữa các địa phương, đơn vị.
Hát Văn, hát Chầu văn với phần đệm của các nhạc cụ dân tộc độc đáo, dấu ấn văn hóa - nghệ thuật trong lễ thức thờ Mẫu, với sự hội tụ yếu tố tâm linh, tài năng của các nghệ nhân đã sáng tạo nên điệu thức, cấu trúc âm thanh đến độ hoàn chỉnh làm say đắm lòng người, nhằm ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, đồng thời tuyên truyền nhận thức cho quần chúng nhân dân về giá trị nhân văn của loại hình nghệ thuật truyền thống, góp phần bảo tồn văn hoa quý giá của dân tộc trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư thời kỳ đất nước hội nhập và phát triển. |
Tình Lê