Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó chủ tịch hội đồng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay được tổ chức vào sáng 31/1 (ngày 10 tháng Giêng năm Quý Mão).

Hòa thượng Thích Thanh Quyết thông tin về lễ hội Yên Tử năm 2023.

Điểm nhấn của lễ hội xuân Yên Tử năm nay là sự tham gia của gần 5.000 tăng ni, phật tử, khách hành hương với nhiều nghi thức văn hóa, tâm linh.

Lễ khai hội đón khách tham quan khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Yên Tử là hoạt động văn hóa nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, góp phần tôn vinh, phát huy giá trị và quảng bá hình ảnh của khu di tích và danh lam thắng cảnh Yên Tử tới đông đảo du khách trong và ngoài nước.

“Lễ khai hội và hội xuân Yên Tử năm nay là sự phục hồi sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến hoạt động lễ hội bị gián đoạn, người dân không có điều kiện thể hiện niềm tin tín ngưỡng”, hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ.

Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam.

Phần lễ khai hội gồm các hoạt động rước kiệu, dâng lễ, với các nghi lễ tâm linh như: Gióng trống, thỉnh chuông, lễ chúc phúc đầu năm, lễ cầu Quốc thái dân an, lễ đóng dấu thiêng Yên Tử...

Ngoài phần lễ được tổ chức trang trọng, phần hội năm nay mang đến cho du khách không khí xuân mới, vui tươi, phấn khởi với nhiều hoạt động văn hóa lễ hội đặc sắc như: Đêm Hội hoa đăng, cầu nguyện Quốc thái dân an; Biểu diễn nghệ thuật, múa rồng, lân, múa võ thuật cổ truyền; Tổ chức các trò chơi dân gian; biểu diễn văn nghệ truyền thống tại khu vực Làng Nương, Yên Tử; Trưng bày tranh, ảnh về vẻ đẹp hùng vĩ, linh thiêng của Yên Tử; Văn hoá Ẩm thực dân tộc Dao Thanh Y dưới chân núi Yên Tử…

Khu di tích và rừng quốc gia Yên Tử là nơi khởi nguồn của Phật giáo Việt Nam, là điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của cả nước. Núi Yên Tử có chiều cao 1.068m, từ xưa đã được coi là danh sơn đất Việt.

Ngay từ thế kỷ thứ 10, đạo sĩ Yên Kỳ Sinh đã đến tu hành và đắc đạo ở đây, nhưng Yên Tử chỉ thực sự nổi tiếng khi Vua Trần Nhân Tông  từ bỏ ngai vàng đến đây tu hành, nghiên cứu Phật pháp và trở thành vị Tổ thứ nhất của Thiền phái Trúc Lâm với Phật danh Điều Ngự Giác Hoàng.

Hàng năm, Yên Tử thu hút hàng vạn du khách, phật tử đến hành hương, chiêm bái lễ Phật. Như thường lệ, lễ hội xuân Yên Tử bắt đầu vào ngày mồng 10 Tết Âm lịch và kéo dài khoảng 3 tháng. Sau 3 năm, khi dịch bệnh đã được kiểm soát, lễ khai hội xuân Yên Tử chính thức được tổ chức trở lại.