18 ngày sau ngày mất của vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, ngày 24/7, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng rời “cõi tạm” đến chốn vĩnh hằng. Chỉ trong một thời gian ngắn, sự ra đi của vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã khiến nhiều người đau xót. 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Hội Văn học nghệ thuật tỉnh TT-Huế

Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh TT-Huế, sau khi hỏa táng, tro cốt của Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ đưa về Huế. Lễ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng vợ sẽ được tổ chức từ 14h ngày 30/7 đến hết ngày 31/7 tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TT-Huế (số 1 Phan Bội Châu, phường Vĩnh Ninh, TP. Huế).

Với mong muốn vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sẽ "trở về" với Huế, đơn vị này cũng đang lên kế hoạch sẽ tổ chức đêm thơ để tưởng nhớ, tri ân ông và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ vào tối 30/7. Sau đó, Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ ông sẽ được an táng tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, TP.Huế.

Bày tỏ niềm thương tiếc đối với vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, trên trang Facebook cá nhân, ông Nguyễn Hoàn - Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Trị chia sẻ: “Sau khi chị Lâm Thị Mỹ Dạ lìa trần hơn nửa tháng, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường đã giã từ cõi tạm ngày 24/7/2023 để đi theo vợ. Quảng Trị và đất nước mất đi một người hiền tài, một nhà văn nghĩa khí, dấn thân trong đời và trong nghề, một người viết ký hay vào bậc nhất của văn học Việt Nam hiện đại khó có người thay thế. Xin cúi đầu vĩnh biệt anh trong niềm thương tiếc muôn vàn!”. 

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết: “Tro cốt nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa về Huế để làm lễ tưởng niệm và đưa tiễn ông. Có lẽ đó là mong ước cuối cùng của đời ông. Bởi Huế là tình yêu thương của ông, Huế chứa đựng những vui buồn lớn nhất của đời ông và ông đã vinh danh Huế bằng những trang văn xuất sắc của mình". 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 tại tỉnh TT-Huế, quê gốc ở tỉnh Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế; dạy ở Trường THPT chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966…

Ông từng tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam. Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt. 

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường là tác giả của các tập bút ký nổi tiếng như: Rất nhiều ánh lửa (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1980-1981); Di chúc của cỏ lau; Miền cỏ thơm. Trong đó, tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông được ông viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình Ngữ Văn phổ thông.