Lenovo đã thay khẩu hiệu mới, hướng đến chiến lược ưu tiên điện tử và xã hội. Nếu trước đây, khẩu hiệu của hãng là “For those who do” (tạm dịch: Cho những ai hành động), nay đã trở thành “Never stand still” (tạm dịch: Không bao giờ đứng yên).

Tại sự kiện Tech World 2015 diễn ra tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Lenovo chỉ ra vẫn còn một thị trường giàu tiềm năng, đặc biệt là tại châu Á – Thái Bình Dương (APAC), hướng tới phân khúc trẻ hơn, từ 18 đến 30 tuổi. Ông Nick Reynolds, Giám đốc Marketing APAC, cho biết thị trường mục tiêu của Lenovo là “người mở đầu xu hướng”, “lèo lái những gì thú vị, tân thời, sôi nổi, trào lưu trong thời trang, âm nhạc và công nghệ”.

Ông tiếp tục nhắc đến mong muốn trở nên đột phá tương tự Uber hay Airbnb và đang nỗ lực để biến khách hàng thành “người hâm mộ, người theo dõi trung thành và kế đến là đại sứ thương hiệu”. Trước đó, Lenovo đã mời ngôi sao Hollywood Ashton Kutcher làm Kỹ sư sản phẩm cho mẫu máy tính bảng Yoga Tablet 2 Pro. Công ty cũng khởi động chiến dịch kỹ thuật số đầu tiên trên toàn cầu có tên Yoga My Way mà Reynolds khẳng định đã tiếp cận hơn 250 triệu người khắp thế giới.

Như một phần trong chiến lược mới, Lenovo đang tìm kiếm con đường để đặt người dùng làm trung tâm, theo chia sẻ của Chủ tịch Lenovo APAC Rob Lappin. Hãng công nghệ Trung Quốc thí điểm dự án “Voice of Customer” (tiếng nói khách hàng) tại quê nhà và dự kiến mở rộng sang Ấn Độ trước khi lan ra toàn khu vực.

“Chúng tôi tiếp nhận phản hồi từ mạng xã hội, dù đó là về sản phẩm hay dịch vụ, và hợp nhất, lắng nghe khách hàng. Nó không chỉ về nước Mỹ và chúng tôi tùy chỉnh theo từng quốc gia vì mỗi nước có một nhu cầu khác nhau cũng như kênh giao tiếp khác nhau. Chẳng hạn, tại Nhật Bản chúng tôi có Goo nhưng tại Ấn Độ nó là Flipkart”, ông giải thích. Ông Lappin đưa ra ví dụ khi công ty ra mắt laptop X1 Carbon, đã dựa vào ý kiến người dùng để nâng cấp thiết kế cho sản phẩm.

Ngoài ra, còn có các kế hoạch nhằm cải thiện sự hiện diện của các cửa hàng trực tuyến. Hiện tại, Lenovo mới có 6 cửa hàng thương mại điện tử (TMĐT) dọc châu Á – Thái Bình Dương nhưng con số sẽ tăng lên. “Chúng tôi cần đa dạng hóa hoạt động TMĐT mạnh hơn ngày nay. Chúng tôi chưa xâm nhập thị trường TMĐT châu Á – Thái Bình Dương và đó là điều quan trọng vì chúng tôi muốn tận dụng nó”.

Vì sao Lenovo lại nghĩ đến việc thay đổi? “Việc kinh doanh đang tiến xa hơn thương hiệu. Tôi còn nhiều việc phải làm để thương hiệu Lenovo đuổi kịp nó”, ông Reynolds nói.

Nhằm thể hiện bộ mặt mới, Lenovo đã bổ sung Motorola Mobility vào danh mục tài sản của mình vào năm 2014. Công ty khẳng định thương vụ ngay lập tức đưa Lenovo trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ ba thế giới, đồng thời ra mắt mảng tiêu dùng tại Úc.

Dilion Ye, Giám đốc Bán hàng mảng di động Lenovo, cho biết dù vẫn còn quá sớm, sự hiệp lực giữa hai thương hiệu sẽ giúp đưa Motorola trở nên có lãi trong 4 đến 6 quý tới. “Cuộc cạnh tranh thực sự nguy hiểm. Đối với Lenovo, chúng tôi muốn tận dụng năng lực tự sản xuất đầu cuối để mang đến chiến thắng với tốc độ hiệu quả. Về cơ bản, chúng tôi muốn ra mắt 2 sản phẩm mới mỗi năm… Cùng lúc này, TMĐT cũng là một cơ hội lớn. Dựa trên tương tác với khách hàng, chúng tôi sẽ thiết kế danh mục hấp dẫn hướng đến người mua trực tuyến, vì vậy chúng tôi hướng đến làm mới hàng quý để đảm bảo thu hút khách hàng”.

Ye vạch ra điểm mạnh của Motorola là trong phân khúc smartphone cao cấp, nhắm đến thị trường trưởng thành như Úc, New Zealand, Bắc Mỹ, châu Âu, còn Lenovo được định vị ở phân khúc bình dân cho thị trường mới nổi như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, Lenovo còn dự định thâm nhập thị trường mới như Bangladesh, Myanmar. Để hấp dẫn đối tượng trẻ hơn, Lenovo tuyên bố mời Phạm Băng Băng, ngôi sao hàng đầu Trung Quốc, làm gương mặt đại diện cho smartphone Lenovo Vibe Shot sắp lên kệ.

Năm ngoái, Lenovo cũng mua lại mảng máy chủ x86 của IBM với giá 2,3 tỷ USD. Ông Kong Meng Koh, Phó Chủ tịch mảng Doanh nghiệp của Lenovo APAC, tiết lộ mục tiêu là thị trường 100 tỷ USD.

“Đối với thị trường máy chủ và thị trường doanh nghiệp, ngay cả khi tỉ lệ tăng trưởng theo năm chỉ là 1 đến 2%, nó vẫn quan trọng hơn nhiều so với tỉ lệ tăng trưởng của PC. Không như nhiều hãng khác, chúng tôi nhận thấy thị trường máy chủ luôn tăng trưởng… Làn sóng Internet of Things (IoT) và đám mây đang lên… chúng tôi sẽ tạo ra môi trườn cho máy chủ và lưu trữ ở backend. Chúng tôi muốn củng cố vị trí để đón đầu tăng trưởng”.

Đặt trọng tâm vào thị trường máy chủ hoàn toàn nằm trong chiến lược của Lenovo nhằm trở thành nhà cung cấp giải pháp end to end, một điều mà ông Koh cho rằng các đối thủ khác như HP đã từ bỏ. “Nếu nói về IoT và di động, chúng tôi không muốn chỉ phủ sóng ở khía cạnh thiết bị mà còn là cả sự bùng nổ về nhu cầu sẽ diễn ra trong xử lý máy chủ cũng như lưu trữ”.

Dù kết quả kinh doanh quý IV/2015 bị ảnh hưởng vì các vụ thâu tóm, Lenovo tự tin có thể khôi phục. Công ty đang tận dụng các mối quan hệ với nhiều gã khổng lồ khác như Microsoft. Cả hai hợp tác để đưa Cortana và Reachit mở rộng năng lực tìm kiếm cho thiết bị chạy Windows 10 của Lenovo.

Sử dụng Lenovo ID độc nhất, Cortana và Reachit cùng truy cập dữ liệu về nội dung để gọi ra thông tin cá nhân người dùng như ảnh, video, tập tin, email. Ngoài ra, còn có các tài khoản đám mây không phải của Microsoft như Google Drive, Dropbox.

Nhằm củng cố vị trí trên thị trường, Lenovo còn trình diễn nhiều nguyên mẫu sản phẩm như smartwatch hai màn hình Magic View, smartphone kiêm máy chiếu laser Smart Cast. Smart Shoe được thiết kế để hiển thị tâm trạng của một người trên màn hình cũng như theo dõi, phân tích dữ liệu sức khỏe như nhịp tim, lượng calo tiêu thụ, thậm chí cả hướng dẫn chỉ đường chi tiết.

Smart Shoes là khởi đầu trong kế hoạch của Lenovo nhằm xây dựng hệ sinh thái các sản phẩm IoT để tận dụng cơ sở hạ tầng đám mây có sẵn. Ông Geogre He, Phó Chủ tịch cấp cao mảng Dịch vụ đám mây Lenovo cho biết công ty có dự định tạo ra hệ sinh thái kết nối ứng dụng, lập trình viên, đối tác và mọi người.

Kế hoạch làm mới thương hiệu không chỉ diễn ra bên ngoài mà còn trong nội bộ công ty. Ông Lappin tiết lộ một phần trong chiến lược là “vui vẻ”, vì sự vui vẻ sẽ mang lại “nhiều giá trị không thể sờ thấy được”.

Tuy nhiên, để thay đổi hình ảnh, Lenovo cần tránh các chướng ngại vật như phần mềm quảng cáo Superfish, có thể đưa các quảng cáo của bên thứ ba vào các kết quả tìm kiếm trên Google, cũng như vào các website mà người dùng truy cập, khiến uy tín công ty bị ảnh hưởng. Ông Kong thừa nhận Lenovo đã phạm sai lầm nhưng nhanh chóng khắc phục sự cố. Công ty đang cải thiện quy trình xác minh ứng dụng để hệ thống tốt hơn.

Trong quá khứ, Lenovo từng bị đồn đại có liên kết với chính phủ Trung Quốc để tham gia các hoạt động gián điệp. Song, ông Koh bác bỏ bất kỳ liên hệ nào và khẳng định bảo mật là ưu tiên hàng đầu. “Chúng tôi không phải một công ty Trung Quốc, chúng tôi là công ty toàn cầu xuất phát từ Trung Quốc, và chỉ thế mà thôi”, Phó Chủ tịch mảng Doanh nghiệp của Lenovo APAC nói.