Lenovo, hãng công nghệ tên tuổi của Trung Quốc, vài tuần gần đây bắt đầu bán smartphone có tên ZUK. Cũng như Xiaomi, Lenovo bán thiết bị cao cấp ở mức giá bình dân, chỉ khoảng 280 USD, qua hình thức bán hàng trên mạng, nhờ đó cắt giảm được chi phí tiếp thị. Người phụ trách ZUK, ông Chang Cheng, nhìn thấy cơ hội hạ gục Xiaomi. “Bạn có thể dùng mô hình của ai đó để đánh bại họ”, ông Chang nói trong một cuộc phỏng vấn.

Xiaomi, hãng điện thoại mới 5 tuổi, đã làm đảo lộn thị trường smartphone lớn nhất thế giới bằng cách đưa ra các sản phẩm cao cấp giá rẻ với hi vọng doanh thu từ dịch vụ, game di động hay tai nghe có thể bù đắp cho phần chi phí hao hụt. Đổi lại, Xiaomi được định giá 46 tỷ USD và là 1 trong những startup giá trị nhất thế giới.

Hiện tại, đến lượt người khác làm điều tương tự. Lenovo, Huawei, ZTE đều đưa ra các đối thủ của smartphone Xiaomi. Trong số các công ty nhỏ hơn, nhà sản xuất phần mềm diệt virus Qihoo 360 cũng dự định bán điện thoại mang thương hiệu Qiku. LeTV, “YouTube của Trung Quốc”, vừa trình làng smartphone LeMax vào đầu năm nay và xác định sẽ mất tiền đầu tư phần cứng, theo người đứng đầu Feng Xin.

Giám đốc nghiên cứu IHS iSuppli Trung Quốc, Kevin Wang, nhận định các nhà sản xuất smartphone nước này đang áp dụng mô hình thường được những startup Internet như Uber sử dụng, đó là “đốt tiền để có khách hàng”. Tuy nhiên, chúng đe dọa ngành công nghiệp mới, nơi các hãng smartphone đang phải cạnh tranh khốc liệt để tạo ra thiết bị lớn hơn, nhanh hơn. Nếu thị trường smartphone Trung Quốc bị xé nhỏ, không người chơi nào có đủ thị phần để biến mảng kinh doanh này thành có lãi.

Rất khó để dự báo liệu Xiaomi có thể đứng “top” không khi nhiều đối thủ nội địa xuất chiêu. Song, hồi tháng 7/2015, Phó Chủ tịch Hugo Barra từng nhận xét đối thủ của mình đang theo đuổi mô hình cũ, có thể lạc hậu 1 năm so với Xiaomi trong khi công ty tiếp tục tiến lên và đổi mới.

Nửa đầu năm nay, Trung Quốc tiêu thụ 209 triệu smartphone, cao hơn nhiều so với 75 triệu máy tại Mỹ. Apple bán được 26 triệu iPhone trong cùng kỳ, còn Xiaomi là 31 triệu. Xiaomi đặt mục tiêu bán 80 triệu smartphone năm 2015 sau khi bán được 61,1 triệu máy vào năm ngoái.

Xiaomi cho biết đã có lãi nhưng không tiết lộ kết quả tài chính. Vài năm qua, hãng mở rộng sang thị trường mới như Ấn Độ, Singapore và đầu tư vào các lĩnh vực khác như tai nghe.

Trận chiến của Xiaomi và các công ty đồng hương xảy ra trong bối cảnh thị trường smartphone Trung Quốc đã ngừng phát triển. Lượng xuất xưởng smartphone quý I/2015 giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2014, là lần sụt giảm đầu tiên trong 6 năm, theo hãng nghiên cứu IDC.

Xiaomi đã dẫn đầu làn sóng bùng nổ smartphone của Trung Quốc với doanh số tăng gấp đôi mỗi năm kể từ khi ra mắt thiết bị đầu tiên năm 2011. Công ty tiến đến vị trí số 1 bằng các màn ra mắt hào nhoáng, sẵn sàng so sánh từng linh kiện một với iPhone và sau đó công bố mức giá chỉ bằng một nửa. Ban đầu, Xiaomi bị chỉ trích vì thiết kế mô phỏng iPhone quá rõ rệt nhưng sau này chuyển sang thiết kế khác biệt hơn.

Sở dĩ Xiaomi được định giá tới 46 tỷ USD là vì các nhà đầu tư hi vọng công ty có thể phát triển dịch vụ Internet hấp dẫn sau khi sở hữu nền tảng người dùng khổng lồ. Hồi tháng 4/2015, Xiaomi cho biết muốn thu về 1 tỷ USD từ dịch vụ di động, chiếm khoảng 6% doanh thu dự kiến năm nay.

Xiaomi là nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc với 15,9% thị phần trong quý II/2015 song Huawei cũng theo sát nhanh chóng với 15,7% thị phần, theo Canalys. Apple rơi xuống vị trí thứ 3 sau hai quý liên tiếp đứng đầu nhờ iPhone 6/6 Plus.

Cho đến nay, đòn phản công thành công nhất của Huawei là dòng Honor với phương thức bán trực tuyến giống Xiaomi. Điện thoại Honor giúp đơn hàng smartphone của Huawei tăng 48% trong quý II/2015 so với quý trước đó.

Lợi thế mà các tên tuổi lớn như Huawei, ZTE và Lenovo có được so với Xiaomi là quốc tế, nơi họ có danh mục bằng sáng chế mạnh hơn, bảo vệ họ tốt hơn về mặt pháp lý. Xiaomi chỉ có thể bán phụ kiện tại Mỹ mà không phải điện thoại, nguyên do cũng vì vấn đề bản quyền.