LG G6 hoàn toàn là chiếc điện thoại cao cấp có khả năng cạnh tranh cao. Thiết bị bắt đầu bán ra tại Mỹ từ 7/4 và LG cũng tập trung vào nỗ lực tiếp thị tại thị trường này. Dù vậy, vấn đề lớn nhất của họ nằm ngoài một thiết bị đơn lẻ. G6 làm ăn như thế nào và LG có gì trong cửa hàng do dòng V vào mùa thu sẽ quyết định cơ may của LG trong “cuộc chiến vương quyền” smartphone.

Nó phụ thuộc vào chiến lược nhất quán, cho người dùng biết LG đang mang đến những giá trị nào.

Nhìn vào lịch sử ra mắt smartphone LG cho thấy sự bấp bênh trong nhãn hiệu, thiết kế và tính năng. Đầu tiên là Optimus năm 2010, kết thúc với Optimus G năm 2012 khi LG quyết định giữ “G” và bỏ “Optimus”. G2 và G3 là các điện thoại tốt nhưng G4 lại dùng mặt sau từ chất liệu giả da không được ưa chuộng.

Thay đổi liên tục phản ánh sự sốt sắng của LG về vị trí của mình trên thị trường ngay từ lúc mới bắt đầu. Họ tham gia khá trễ và chỉ bắt đầu thiết lập được dấu ấn với G2 năm 2013, tuy nhiên khi ấy, Samsung đã trở thành nhà sản xuất Android hàng đầu.

LG luôn cố gắng định vị bản thân như đối trọng với Apple và Samsung. Họ không nhận mình là nhà sản xuất smartphone tầm trung, cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc. Đây cũng phần nào là điều dễ hiểu vì smartphone LG không xuất hiện ồ ạt tại Trung Quốc. Thị phần chính của LG đến từ Mỹ và Hàn Quốc, nơi họ có chút tên tuổi trên di động và là nhãn hiệu điện tử tiêu dùng nổi tiếng.

Quyết định ra mắt G5 xếp hình cũng đến từ áp lực khác biệt hóa so với các đối thủ Apple và Samsung. Dù là quyết định dũng cảm, sau cùng, nó lại chỉ khiến người dùng bối rối khi không biết thực sự LG mang đến điều gì. Không phải ngẫu nhiên mà LG bắt đầu lỗ trong quý II/2015 với G4 và khoản lỗ còn trầm trọng hơn với G5. Có rất ít giá trị cốt lõi trong dòng sản phẩm flagship của hãng mà nó chính là điều LG đang rất cần.

Tất nhiên, ở một giới hạn nào đó, linh hoạt trên thị trường là yếu tố quan trọng. Từ Galaxy S6, Samsung từ bỏ thiết kế vỏ nhựa để theo đuổi thiết kế kim loại và dũng cảm loại luôn cả tính năng pin tháo rời. Nó đáng để bỏ cái này, theo cái kia và rõ ràng Samsung tin rằng họ được nhiều hơn mất. Galaxy S8 là kết quả của sự tiến hóa đó và quan trọng nhất, nó giải quyết được yêu cầu người dùng chứ hoàn toàn không phải là thay đổi “ngẫu hứng” như vỏ giả da hay thiết kế lắp ghép.

LG có thể cần học hỏi từ Huawei, nhà sản xuất smartphone đang tăng tốc nhanh chóng. Huawei hợp tác với Leica để tiếp thị P10 một cách chỉn chu. Quan hệ đối tác và chiến lược tiếp thị đánh trực tiếp vào phân khúc ngách, khác biệt so với Apple và Samsung nhưng không đi quá xa. Nó cho thấy trọng tâm và chi tiêu đúng chỗ.

LG rõ ràng không có ý định tự đánh giá bản thân thấp hơn Apple và Samsung. Trong trường hợp này, họ cần hai điều: nhất quán và tập trung. Appel sở hữu hệ sinh thái “khủng”, Samsung có phần cứng và màn hình tốt nhất; Huawei có camera “không phải dạng vừa”. LG cần có bản sắc riêng và chiến lược kiên định. Như ông chủ bộ phận di động Juno Cho trước đây từng nói, họ phải gắn với các nguyên tắc căn bản trong khi luôn lắng nghe những gì khách hàng thực sự cần.

Năm nay có thể là cơ hội cuối cùng.