Lịch sử giành và giữ độc lập dân tộc luôn buộc người VN phải trở nên thông minh hơn, buộc phải can đảm và quyết đoán hơn.

I-Những ngày này, cả nước Việt bị tổn thương nặng trước việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan Hải Dương- 981 vào hoạt động trong vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế VN, cũng tức là ngang nhiên xâm lấn chủ quyền biển đảo nước Việt.

Hàng nghìn, hàng vạn bài báo trên các mạng truyền thông phản đối hành vi “bá quyền nước lớn” của TQ, ngang nhiên giẫm đạp Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) mà năm 1996, TQ đã tham gia ký kết.

Điểm đỉnh của việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển đảo thiêng liêng, bày tỏ thái độ công khai minh bạch trước lời nói và việc làm tiền hậu bất nhất của TQ, là hàng loạt những phát biểu của những cán bộ lãnh đạo có trách nhiệm cao nhất với vận mệnh đất nước.

Cũng là thông điệp trước sau như nhất của nước Việt: Cả nước đoàn kết một lòng, tỉnh táo, sáng suốt, kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền độc lập toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đồng thời cố gắng giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác để xây dựng và phát triển đất nước….Dân tộc chịu đau thương, mất mát vì chiến tranh nên cố gắng tránh chiến tranh (VietNamNet, ngày 29/5)

Nhưng mặt khác, dân tộc VN cũng quá thấu hiểu “thân phận” mất nước, quá thấu hiểu “thân phận” nô lệ, nên Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển. Nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó.

Phát ngôn thật ấn tượng của người đứng đầu Chính phủ VN tại Mianmar và đặc biệt là tại cuộc họp báo quốc tế, khi ông đi thăm Philippines, đã lay động tâm thức cả nước. Lịch sử giành và giữ độc lập dân tộc luôn buộc người VN phải trở nên thông minh hơn, buộc phải can đảm và quyết đoán hơn trong sự chọn lựa cách đứng lên trước vận mệnh sinh tử của chính mình.

{keywords}

Cách đứng lên đó là gì?

Để không chấp nhận thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó, không còn cách nào khác, nước Việt phải tạo cho mình nội lực mạnh một cách thực chất.

Đó cũng là tư tưởng, là băn khoăn, và day dứt của người Việt nói chung, của các đại biểu QH nói riêng tại kỳ họp thứ 07, QH khóa XIII đang diễn ra. Trước những hay dở, mạnh yếu của nền kinh tế- vốn đang cần được “lột xác”, để có thể đi trên đôi chân của chính mình, tăng sức mạnh hội nhập và thoát khỏi sự phụ thuộc nhiều mặt vào… dã tâm láng giềng.

Trong thế giới hiện đại, sự giao lưu thông thương về kinh tế khiến cho ngay cả quốc gia hùng mạnh nhất cũng không thể “một mình một chợ”.

Đáng chú ý là ý kiến của Đại biểu QH- TS Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch UB giám sát tài chính quốc gia, khi ông nhận xét kinh tế VN có 03 hạn chế lớn. Đó là về cơ cấu sản xuất nông nghiệp, về động lực tăng trưởng chủ yếu vẫn từ khu vực vốn đầu tư nước ngoài (FDI), khiến tính tự chủ của nền kinh tế bị hạn chế, và sự khó khăn của các doanh nghiệp trong nước.

Đặt cả 03 hạn chế này trong bối cảnh kinh tế thế giới đang được dự báo có những bất ổn, bất trắc không lường hết được, sẽ thấy hành trình của kinh tế nước Việt sắp tới rất cam go, vì tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu.

Để đôi chân kinh tế có thể đứng thẳng, có sức trường hơi, theo ông Vũ Viết Ngoạn, việc đầu tiên, phải tăng 50% năng suất lao động và GDP phải tăng 6,5% mới đảm bảo công ăn việc làm cho lực lượng đến tuổi lao động. Đặc biệt, phải đẩy nhanh tái cơ cấu, cải cách thể chế kinh tế.

Điều này khá phù hợp với những số liệu phân tích đáng giật mình của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đưa ra mới đây, năng suất lao động VN thuộc nhóm thấp nhất ở Châu Á- Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/15 Singapore, 1/11 Nhật Bản, và 1/10 Hàn Quốc. Thậm chí so với các nước láng giềng ASEAN có mức thu nhập trung bình, năng suất lao động của VN vẫn có khoảng cách lớn, chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan (Đất Việt, ngày 13/05).

{keywords}
Tàu Trung Quốc và tàu Việt Nam giẳng co trên vùng biển có giàn khoan đặt trái phép. Ảnh: Hoàng Sang

 

Ở góc nhìn khác, ông Cao Sĩ Kiêm (ĐB đoàn Thái Bình) lại cho rằng, để phát huy nội lực, nền kinh tế VN cần phát huy hai mũi nhọn nông nghiệp nông thôn và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Theo ông, đây phải coi là chiến lược lâu dài khi VN vẫn là nước nông nghiệp, nông dân chiếm phần lớn trong cơ cấu dân số. Ưu tiên giải quyết đầu ra cho nông sản và tinh chế từ hàng nông thô ra nông sản tinh, có hàm lượng chất xám cao. Với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, cần tạo điều kiện cho họ tiếp cận vốn dài hạn, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao dây chuyền, nâng cao quy trình chế biến để doanh nghiệp tự tạo thị trường. Và cuối cùng giúp doanh nghiệp chuyển giao công nghệ mới (GDVN, ngày 27/05).

Thật ra, các giải pháp trên không mới. Nhưng những kiến giải của ông Cao Sỹ Kiêm cho thấy, ở góc độ khác, nó phản chiếu cách đi lệch của nền kinh tế, do đuổi theo mục tiêu “công nghiệp hóa” quá mạnh. Thực chất, nông nghiệp của VN đã bị… bỏ quên nhiều năm, và giờ đây, việc phát huy mũi nhọn nông nghiệp chỉ là một cách điều chính lại sự “thái quá” của nền kinh tế một đất nước bản chất vẫn có thế mạnh là nông nghiệp. Quan trọng hơn nữa, làm sao những sản phẩm nông sản phải giảm bớt cái tính chất “thô mộc, xù xì” của nó, để tạo nên giá trị lớn hơn.

Trong họa có phúc. Cái phúc ấy muốn lâu bền, và nước Việt muốn đứng lên vững chãi bằng đôi chân của chính mình, không thể thiếu giải pháp căn cốt. Đó là nền kinh tế phải sớm thay đổi mô hình phát triển, phải tái cơ cấu kinh tế, cải cách thể chế kinh tế một cách tích cực, quyết liệt, triệt để. Thậm chí, trước đó, tháng 04, tại Diễn đàn kinh tế Mùa xuân 2014, TS Trần Đình Thiên cho rằng, chúng ta đã bắt đầu thoát khỏi “chủ nghĩa thành tích”. Song, để tái cơ cấu thành công, cần phải cưỡng bức cải cách có điều kiện (VietNamnet, ngày 28/04)

Tái cơ cấu kinh tế thành công, sẽ như một mũi tên trúng ba đích: Thứ nhất, tạo môi trường cạnh tranh sản xuất, kinh doanh lành mạnh, sòng phẳng giữa các doanh nghiệp các thành phần kinh tế, kích thích sức sản xuất, tăng năng suất lao động, góp phần tăng hiệu quả GDP. Thứ hai, giảm thiểu mức thấp nhất cơ chế xin- cho, mảnh đất mỡ màu cho các loại sâu tham nhũng, các nhóm lợi ích đục khoét “ích nhóm, hại nước”. Thứ ba, tạo niềm tin cho người Việt ủng hộ sản phẩm hàng hóa nội, một biểu hiện tích cực của lòng yêu nước. Mối quan hệ tương hỗ giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng thông thái tạo nên hiệu quả “ích nhà, ích nước”.

Nhưng nước Việt không thể đứng lên bằng đôi chân mạnh mẽ, nếu người Việt không cố kết, đoàn kết, thông qua chính công cuộc tái cơ cấu kinh tế. Việc tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa, sáp nhập các doanh nghiệp “từ xa lạ nay thành gần gũi” cũng sẽ đòi hỏi mọi thang bậc giá trị về đức, tài phải thực chất và đặt đúng chỗ. Quan trọng nhất, đòi hỏi các doanh nghiệp phải hợp tác được với nhau.

Có một câu ca dao giản dị, sâu sắc của nhân gian đã biến thành “nhân cách” dân tộc Việt, đang cần được linh nghiệm trong những tháng năm giông bão này: Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

{keywords}
Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình giờ chủ yếu để tổ chức đám cưới.

                                    ***********

II- Nước Việt, muốn đứng thẳng dậy trên đôi chân của chính mình, cũng phải tự thay đổi rất nhiều. Trước hết, là thay đổi cung cách quản lý còn lỏng lẻo, lãng phí tài lực của xã hội và nhân dân trong hoàn cảnh kinh tế đất nước còn nhiều bất ổn.

Mà vụ việc dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nghệ thuật biểu diễn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được Bộ VHTT&DL đề cập, tuy bị “chìm” đi dưới… những con sóng Biển Đông, bởi vụ giàn khoan TQ, nhưng nó vẫn gây nhức nhối cho những ai quan tâm đến văn hóa nước nhà. Chỉ ngay sau khi Đề án tổ chức Asiad 18 với cái giá 150 triệu USD vừa bị rút.

Theo dự thảo, tới năm 2030, 71 nhà hát trên cả nước sẽ được đầu tư xây mới và trùng tu, đại tu. Trong đó, sẽ xây mới 11 nhà hát có quy mô lớn 2.000 - 2.500 ghế, có trang thiết bị hiện đại, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, ánh sáng và cơ khí sân khấu.

Tại Hà Nội, TP.HCM sẽ xây mới công trình nhà hát quy mô lớn 2.500 - 3.000 ghế. Xây mới 40 nhà hát có quy mô lớn từ 1.000 - 2.000 ghế tại các tỉnh chưa có nhà hát trung tâm. Tổng số vốn đầu tư giai đoạn 2012-2020 dự kiến là 10.800 tỷ đồng.

Rõ là ra ngõ gặp... nhà hát nhé!

Đọc hàng loạt những con số dành cho các nhà hát này, có thể hình dung, nước Việt cũng là xứ sở của “đờn ca” và cách tiêu tiền của Bộ VHTT & DL hóa ra cũng … tài tử chẳng kém gì ai.

Bởi lẽ, người ta có thể liệt kê, ngay công suất sử dụng của không ít trung tâm, công trình văn hóa tại Thủ đô như Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm triển lãm Giảng Võ, rạp Công Nhân, rạp Đại Nam cũng còn chưa hết, thì việc xây dựng hàng loạt nhà hát với hàng chục nghìn tỷ đồng nữa để làm gì? Chắc chỉ Bộ VHTT & DL mới có thể trả lời nổi.

Chưa kể trước đó, đề án Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Bộ VHTT& DL, trong đó có việc xây dựng thêm 03 phim trường cổ trang tại HN, t/p HCM và Đà Nẵng, trong khi phim trường Cổ Loa được đầu tư hơn 100 tỷ đồng nhưng hiện giờ... để không.

Vì sao những dự thảo, đề án của Bộ VHTT & DL luôn bị xã hội phản ứng? Hay bởi chỉ có Bộ VHTT & DL mới có tầm nhìn văn hóa. Còn xã hội lại chỉ có tầm nhìn về cái sự …lãng phí, rút ruột? Và nói như GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Văn hóa VN, trả lời phỏng vấn báo Đất Việt, ngày27/5, ông cho rằng các nhà lãnh đạo (VHTT & DL- KD) rất thích đề án.

Thậm chí, theo GS Ngô Đức Thịnh, Bộ VH không có dự đoán, cũng không thăm dò, khảo sát gì, thích thì xây, xây để kiếm chác. Nhà hát bỏ không thì nhiều, chuyên dành cho tổ chức đám cưới, còn tranh chỗ với tổ chức hội thảo quốc tế. Thậm chí, các hội thảo còn phải nhường chỗ. Một hội thảo lớn còn phải dẹp xuống nhà xập xệ, rồi nhường chỗ cho đám cưới. Quá kỳ cục!

Chẳng có gì là kỳ cục, vì GS đã biết người ta đề xuất đủ các loại đề án, dự án là để có tiền. Và xây nhà hát xong chỉ để cho thuê làm nơi tổ chức đám cưới, cũng chỉ là để có tiền!

Không ai phủ nhận sự cần thiết phải có nhà hát, các công trình văn hóa, nâng cao trình độ hưởng thụ và nhận thức về văn hóa cho người dân trong xã hội. Nhưng cũng không ai chấp nhận, nếu cái cách làm đề án, dự thảo về văn hóa, nhà văn hóa, công trình văn hóa lại thiếu hẳn một tầm nhìn… văn hóa cần thiết của cấp quản lý văn hóa.

Đó là cần biết “ăn trông nồi, ngồi trông hướng” của ngành này. Trong khi, GS Ngô Đức Thịnh lại cứ nói … tuồn tuột cái cách ăn lẫn cả cái cách ngồi văn hóa: Đưa ra đề án chẳng qua là muốn lấy % theo cái kiểu hình thức. Trong khi đó, đầu tư công dẫn đến nợ công, cuối cùng ai chịu, dân chịu chứ ai?

Chẳng biết, cái dự thảo xây mới, trùng tu, đại tu tới 71 nhà hát trên cả nước có được chính thức biến thành hiện thực không? Vào giữa lúc lòng người dân Việt cuộn sóng trước sự nghênh ngang và tham lam của láng giềng TQ, cần sự đồng tâm, cố kết, đoàn kết, cần sự đồng cam cộng khổ của cả dân tộc.

Để làm một quốc gia lớn được cả nhân loại thừa nhận, cũng cần có “nhân cách” một quốc gia. Để làm một ngành quản lý văn hóa được cả xã hội thừa nhận, rất cần một tầm tư duy và tấm lòng có… văn hóa.

Vậy thôi!

Kỳ Duyên

 

Bài cùng tác giả:

Vận mệnh nước Việt cần sự dấn thân của cả dân tộc

Vận mệnh sinh tử nước Việt lúc này cần sự thay đổi nhận thức và sự dấn thân của cả quốc gia, của chính quyền, nhân dân.

Ngàn tỷ “tài tử” và người Việt chậm trưởng thành

 Những vật cản của cải cách thể chế không hẹn mà gặp cũng bắt đầu xuất đầu lộ diện.

Hội chứng “đường cong” và người Việt hạnh phúc nhất thế giới

Liệu nước Việt có dấn thân suôn sẻ trong hành trình mới không hay vẫn cam chịu?

Những chuyện nóng hơn cả phiên xử bầu Kiên

Sức nóng của phiên tòa hình sự về kinh tế hóa ra không làm “điên đầu” xã hội bằng những sự kiện khác vừa xảy ra trong tuần.

Cong đường- công đường và án xử theo…áp lực!

Dư luận xã hội tuần qua bỗng ồn ào bất thường, cũng chỉ vì một đường cong cong…

Vì sao càng trưởng thành, người Việt càng tụt hạng?

Sáu năm nữa, VN cơ bản sẽ thành một nước công nghiệp hiện đại, với nền kinh tế tri thức, nhưng nước Việt vẫn mải mê với cái "hư danh".