Tượng đài của làng công nghệ; ông hoàng sản xuất điện thoại...Đó là những mỹ từ mà trước đây chúng ta thường dùng để mô tả về công ty điện thoại Phần Lan Nokia. Trong suốt một thời gian dài từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Nokia đã trở thành ngôi sao trong làng công nghệ toàn cầu: nhà sản xuất di động lớn nhất thế giới, thương hiệu mà gần như bất kỳ ai muốn mua điện thoại cũng tìm đến. Thời điểm đó, chữ Nokia gần như đồng nghĩa với điện thoại di động.
Còn giờ đây mỗi lần nhắc đến chữ Nokia, trong mắt nhiều người sẽ chỉ còn ánh lên một cái nhìn đăm chiêu và có thể là cả một tiếng thở dài tiếc nuối. Sau 20 năm kể từ ngày bước vào lĩnh vực sản xuất điện thoại (1994), thương hiệu này đã và đang dần đi vào dĩ vãng. Sau khi Microsoft công bố mua lại mảng điện thoại (Thiết bị và Dịch vụ) của Nokia hồi tháng 9/2013, hãng phần mềm Mỹ đã hoàn tất mọi thủ tục để sở hữu bộ phận này vào ngày 25/4/2014. Tên Nokia trên các thiết bị di động bị loại bỏ, các nhà máy trước kia của Nokia cũng bị đổi tên...Nokia đã ra đời như thế nào, và bị thải loại ra sao, chúng ta hãy cùng nhìn lại.
Đi lên từ...nhà máy bột giấy và chính sách tập trung vào di động
Hầu hết chúng ta biết đến Nokia là một hãng chuyên sản xuất điện thoại. Thế nhưng, ít ai biết rằng công ty này có nguồn gốc là một...nhà máy bột giấy ở phía tây nam Phần Lan. Nokia mới chỉ thực sự tập trung vào mảng điện thoại cách đây 20 năm, còn lịch sử của công ty thì đã bắt đầu từ rất lâu trước đó. Năm 1865, một kỹ sư thợ mỏ người Phần Lan Fredrik Idestam, người sau này là nhà sáng lập Nokia, đã thành lập một nhà máy bột giấy tại Tammerkoski Rapids vùng Tây Nam Phần Lan. 6 năm sau, ông mở một nhà máy thứ 2 cạnh dòng sông Nokianvirta, và cái tên Nokia được khai sinh chính là được lấy cảm hứng từ dòng sông Nokianvirta này.
Những ngày đầu thành lập, Nokia là một công ty đa ngành, đa lĩnh vực. Năm 1898, Eduard Polón sáng lập nên công ty Sản phẩm Cao Su Phần Lan, công ty sau này trở thành mảng kinh doanh cao su của Nokia, sản xuất đủ mọi thứ, từ giày cao su đến lốp xe. Đến nay, những chiếc ủng cao su thương hiệu Nokia vẫn còn tồn tại trên thị trường. Sang 1912, Arvid Wickström thành lập công ty Sản phẩm Cáp Phần Lan, đặt nền móng cho mảng kinh doanh cáp và đồ điện tử cho Nokia về sau. Trải qua quá trình hoạt động đến 1967, ba công ty gồm Nokia Ab, Công ty Sản phẩm Cáp Phần Lan, Công ty Cao su Phần Lan, chính thức sáp nhập.
Mười hai năm sau, năm 1979, Nokia thành lập công ty điện thoại vô tuyến Mobira Oy dưới dạng một công ty liên doanh với nhà sản xuất TV hàng đầu Phần Lan thời bấy giờ là Salora. Năm 1981 đánh dấu sự ra mắt của dịch vụ Mobile Telephone Bắc Âu, mạng di động quốc tế đầu tiên trên thế giới. Nokia cũng là công ty đầu tiên cung cấp dịch vụ roaming quốc tế. Ngay sau đó, Nokia giới thiệu chiếc điện thoại dùng trên xe hơi đầu tiên trên thế giới có tên Mobira Senator. Nó được quảng bá là một thiết bị di động dùng trong xe ôtô vì có trọng lượng lên tới 9,8 kg. Trong cùng năm, Nokia ra mắt DX200, một bộ chuyển (switch) kỹ thuật số dùng để kết nối cuộc gọi.
1987, Nokia ra mắt Mobira Cityman, chiếc điện thoại di động cầm tay đầu tiên của hãng. Máy có trọng lượng 800 gram và có giá lên tới hơn 5000 USD và từng được cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev dùng để thực hiện một cuộc gọi từ Helsinki cho Bộ trưởng truyền thông ở Moscow, Nga. Đến 1991, Thủ tướng Phần Lan Harri Holkeri đã sử dụng sản phẩm của Nokia để thực hiện "cuộc gọi di động bằng hệ thống toàn cầu" đầu tiên trên thế giới.
Theo thời gian, Nokia dần tự thay đổi mình để phù hợp với thời cuộc. Năm 1992, họ cho ra đời điện thoại cầm tay kỹ thuật số GSM đầu tiên trên thế giới, chiếc Nokia 1011. Nokia chính là một trong những công ty đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chuẩn GSM, chuẩn mạng phổ biến mà các phiên bản mới hơn của nó vẫn đang được chúng ta sử dụng ngày nay. Đây là công nghệ mạng di động thế hệ thứ hai vừa có thể truyền tải giọng nói, vừa truyền được dữ liệu.
Cũng vào thời gian này, một nhân vật đã làm thay đổi số mệnh của Nokia: Chủ tịch và Giám đốc điều hành Jorma Ollila của công ty. Trước khi Jorma Ollila lên nắm quyền, tập đoàn Nokia vẫn đang gặp khó khăn chồng chất sau những quyết định đầu tư sai lầm. Cùng với việc kinh tế Phần Lan gặp khủng hoảng vào đầu thập niên 90, những sai lầm của Nokia càng khiến cho công ty khốn đốn hơn bao giờ hết. Tình hình bi đát đến nỗi vào cuối thập niên 1980, Nokia đã từng cân nhắc bán đi mảng kinh doanh điện thoại di động vốn mới chỉ khởi sắc chưa lâu. Tuy nhiên, bằng tài năng và tầm nhìn đi trước thời cuộc, Ollila đã không làm như vậy. Ngược lại, ông quyết định hướng Nokia tập trung vào phát triển điện thoại và viễn thông; bán đi các mảng kinh doanh khác như cáp, cao su, điện tử tiêu dùng. Đây chính là tiền đề để đưa Nokia trở thành một tượng đài của làng di động toàn cầu về sau.
Những ngày huy hoàng
Những năm tháng huy hoàng nhất của Nokia có lẽ bắt đầu từ năm 1994, khi họ tung ra loạt điện thoại 2100 series, dòng điện thoại đầu tiên sử dụng nhạc chuông Nokia Tune. Doanh thu 2100 series đạt 20 triệu chiếc, vượt nhiều lần so với kỳ vọng 400.000 sản phẩm mà Nokia đặt ra lúc đầu. Chỉ 4 năm sau đó, Nokia trở thành công ty sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới, soán ngôi của Motorola. Khoảng 1 năm sau, Nokia vươn lên đạt thị phần 25%: cứ 4 điện thoại di động bán ra thì có 1 chiếc của Nokia.
Cũng trong 1999, Nokia ra mắt Nokia 7110, một chiếc điện thoại có các chức năng web "thô sơ", trong đó có tính năng email. Nó sử dụng Giao thức Ứng dụng Không dây (Wireless Application Protocol - WAP) để truy cập Internet. Sức phát triển của Nokia vẫn chưa dừng lại. 2001, Nokia ra mắt chiếc điện thoại đầu tiên có camera, chiếc Nokia 7650. Tính trong giai đoạn từ 1996 đến 2001, doanh thu của Nokia đã tăng lên gấp gần 5 lần, từ 6,5 tỷ Euro lên 31 tỷ Euro.
Những năm tiếp theo vẫn đánh dấu thành công không nhỏ của Nokia với những mẫu smartphone mới. Năm 2002, hãng giới thiệu mẫu điện thoại đầu tiên quay được video, chiếc Nokia 3650. Nokia cũng là hãng đầu tiên ra mắt điện thoại 3G với chiếc Nokia 6650. Với công nghệ 3G, điện thoại giờ đây đã có thể được dùng để lướt web, tải nhạc, xem TV...và nhiều chức năng khác nữa. Sang 2004, Nokia phát biểu rằng dù vẫn đang là công ty điện thoại lớn nhất thế giới, hãng đã đánh mất thị phần về tay đối thủ. Thị phần của Nokia thời điểm này chỉ còn 35%, thấp hơn 5% so với mục tiêu. Sang đến 2005, hãng đã bán được chiếc điện thoại thứ 1 tỷ của mình. Đó là một chiếc điện thoại Nokia 1100, và nó được bán ở Nigeria. Thời điểm này, thuê bao điện thoại di động cũng đã đạt cột mốc 2 tỷ thuê bao.
2 năm sau đó, Nokia dính vào rắc rối lớn khi phải thực hiện một chiến dịch thu hồi sản phẩm vào loại lớn nhất thế giới. Hãng thừa nhận rằng 46 triệu thỏi pin điện thoại bán ra có thể đã bị lỗi. Trong khi đó, một trong những đối thủ chính góp phần đẩy Nokia vào, Apple, cũng cho ra mắt thế hệ iPhone đầu tiên trong năm này. Sự của iPhone đã ảnh hưởng thấy rõ đến Nokia chỉ ngay 1 năm sau đó. Năm 2008, lợi nhuận Nokia giảm 30% trong quý III, doanh số smartphone giảm 3,1% trong quý. Trong khi đó, iPhone đạt tốc độ tăng trưởng 327,5%.
Tay trắng
Đang từ vị thế ông hoàng, Nokia bắt đầu rơi vào tình cảnh khốn đốn cùng cực. Kể từ khi Stephen Elop, một người không mang quốc tịch Phần Lan, được chọn làm CEO của Nokia vào 2010, cắt giảm nhân sự đã trở thành chuyện thường ngày. Tính đến tháng 12/2012, Nokia chỉ còn 44.630 nhân viên ở mảng mobile và location, giảm từ gần 70.000 trong quý III/2011. Đây là hệ quả của chiến lược tổ chức lại kinh doanh của Elop nhằm phù hợp với chính sách đưa điện thoại của Nokia sử dụng hệ điều hành di động của Microsoft, thay vì tự mình phát triển nền tảng riêng. Cách làm này của Elop đã khiến những nỗ lực xây dựng hệ điều hành di động trước đó của Nokia; từ Qt, Meltemi, cho đến Maemo/MeeGo, trở thành công cốc.
Vào thời điểm 2011 - 2012, quy mô công ty tiếp tục bị thu hẹp: tài sản bị bán, nhân sự bị cắt giảm, nguồn tiền mặt dự trữ càng ngày càng vơi. Nokia lỗ hơn 1 tỷ Euro trong 2011 và liên tiếp báo lỗ trong các quý của 2012: 1,34 tỷ Euro trong quý I, 826 triệu Euro trong quý II, 576 triệu quý III. Tổng lỗ trong 2012 rơi vào khoảng 3 tỷ Euro. Thống kê cho thấy tiền mặt ròng của Nokia đã giảm xuống còn 3,6 tỷ Euro vào quý III/2012, giảm mạnh so với 4,2 tỷ Euro của quý trước đó. Nokia thậm chí phải bán và thuê lại chính thủ phủ của mình ở Phần Lan để lấy 170 triệu Euro hồi đầu tháng 12/2012. Giá cổ phiếu xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ đạt 1,33 USD/cổ phiếu. Lúc này, Microsoft và Apple nổi lên là những ông lớn tiềm năng có thể sẽ mua lại Nokia.
Song hành với tình hình đó, tất nhiên, là doanh số nghèo nàn của các smartphone chạy hệ điều hành Windows Phone 7.x. Nokia bán được 2,9 triệu máy Lumia chạy hệ điều hành này trong quý III, 4 triệu trong quý II, và hơn 2 triệu trong quý I của 2012. Đây là những con số quá bé nhỏ nếu so với tổng doanh số smartphone toàn cầu, vốn đã lên tới 169 triệu máy chỉ trong quý III/2012 (thống kê của Gartner). Không chỉ liên tiếp thua lỗ, hãng cũng không tự quyết định được tương lai của mình. Thành bại của mảng kinh doanh smartphone bị phụ thuộc hoàn toàn vào nền tảng Windows Phone của Microsoft. Không lâu sau đó, vào tháng 9/2013, Microsoft công bố mua lại mảng Thiết bị và Dịch vụ của Nokia, báo hiệu dấu chấm hết cho kỷ nguyên của hãng công nghệ Phần Lan.
Phần 2: Kẻ ngáng đường và những sai lầm khiến Nokia sụp đổ