Nguồn gốc của xung đột rất nghiêm trọng và phức tạp, trước cả khi nhà nước Israel được thành lập vào năm 1948.
Cả Palestine và Israel đều coi các vùng lãnh thổ giữa sông Jordan và biển Địa Trung Hải là của riêng họ. Người Cơ đốc giáo, người Do Thái và người Hồi giáo cùng nắm giữ các phần đất được coi là thánh địa linh thiêng ở đây.
Suốt 7 thập kỷ qua, người dân trong khu vực đã chứng kiến chiến tranh, các cuộc nổi dậy và đôi khi cả những tia hy vọng về sự hòa giải.
Vấn đề dai dẳng
Theo BBC, sau khi Đế chế Ottoman bị đánh bại trong Thế chiến thứ nhất, Anh đã giành được quyền kiểm soát Palestine, nơi sinh sống của người Ảrập chiếm đa số và cộng đồng thiểu số Do Thái. Căng thẳng giữa hai nhóm người ngày càng gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao cho Anh nhiệm vụ thành lập một "ngôi nhà quốc gia" cho người Do Thái ở Palestine.
Trong những năm 1920 - 1940, số người Do Thái di cư đến Palestine gia tăng. Nhiều người trong số họ chạy trốn khỏi sự đàn áp ở châu Âu và tìm kiếm nơi trú chân sau nạn diệt chủng của Đức quốc xã trong Thế chiến thứ hai. Bạo lực giữa người Do Thái và người Ảrập cũng như sự chống đối việc cai trị của Anh leo thang.
Năm 1947, Liên Hợp Quốc bỏ phiếu thông qua việc chia tách Palestine thành các nhà nước Do Thái và Ảrập riêng rẽ, với Jerusalem là thành phố nằm dưới sự quản lý của quốc tế. Các lãnh đạo Do Thái chấp nhận, nhưng phía Ảrập nhất quyết bác bỏ, khiến kế hoạch này chưa bao giờ được hiện thực hóa.
Sự ra đời của nhà nước Israel và biến cố “Thảm họa”
Năm 1948, các nhà cầm quyền Anh rời đi khi chưa thể chấm dứt xung đột. Các nhà lãnh đạo Do Thái lập tức tuyên bố thành lập nhà nước Israel.
Nhiều người Palestine phản đối và một cuộc chiến xảy ra sau đó. Các nước Ảrập lân cận đã điều binh sĩ can thiệp. Hàng trăm nghìn người Palestine tháo chạy khỏi vùng chiến sự hoặc bị trục xuất khỏi nhà họ trong sự kiện được gọi là Al Nakba hay "Thảm họa".
Vào thời điểm cuộc giao tranh kết thúc bằng lệnh ngừng bắn năm 1949, Israel đã kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Jordan chiếm vùng đất được gọi là Bờ Tây và Ai Cập thâu tóm Dải Gaza. Jerusalem bị chia cắt giữa lực lượng Israel ở phía tây và lực lượng Jordan ở phía đông.
Vì các bên chưa bao giờ đạt được một thỏa thuận hòa bình, nên khu vực này tiếp tục xảy ra chiến tranh và các vụ đụng độ đẫm máu trong những thập kỷ tiếp theo.
Căng thẳng, đụng độ liên miên
Trong một cuộc chiến khác năm 1967, Israel đã chiếm đóng Đông Jerusalem và Bờ Tây cũng như phần lớn Cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập.
Hầu hết người tị nạn Palestine và con cháu của họ cư trú ở Gaza, Bờ Tây và các nước láng giềng như Jordan, Syria và Lebanon. Israel không cho phép họ trở về quê hương, với lí do điều đó sẽ đe dọa sự tồn tại của nhà nước Do Thái.
Năm 1987, Sheikh Ahmed Yassin, giáo sĩ Palestine đã thành lập tổ chức chính trị có vũ trang Harakat al-Muqawama al-Islamiya (Phong trào kháng chiến Hồi giáo), gọi tắt là Hamas, như một nhánh thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo xuyên quốc gia của người Hồi giáo Sunni. 2 năm sau, Hamas xúc tiến các vụ tấn công đầu tiên vào những mục tiêu quân sự của Israel, bao gồm cả vụ bắt cóc và sát hại 2 binh sĩ Israel.
Năm 1993, Hiệp định Oslo đầu tiên nhằm thiết lập hòa bình giữa Israel - Palestine được ký kết. Hamas phản đối tiến trình hòa bình và tìm cách làm nó chệch hướng bằng các vụ đánh bom xe buýt, nổ súng tấn công ở Israel.
Tháng 7/2000, Israel - Palestine không đạt được thỏa thuận cuối cùng trong tiến trình hòa bình tại hội nghị thượng đỉnh ở Mỹ. 2 tháng sau, người Palestine phản đối chuyến thăm của lãnh đạo phe đối lập Israel Ariel Sharon tới khu đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Đông Jerusalem, dẫn đến cuộc nổi dậy (Intifada) thứ 2.
Trong năm 2001 - 2002, Hamas thực hiện một loạt vụ đánh bom liều chết ở Israel. Nhưng các vụ không kích trả đũa của quân Do Thái khiến một chỉ huy quân sự của Hamas là Salah Shehadeh thiệt mạng.
Năm 2004, Hamas mất người sáng lập Sheikh Ahmed Yassin và lãnh đạo chính trị Abdel Aziz al-Rantissi ở Dải Gaza vì các vụ tấn công của Israel. Các lãnh đạo còn lại của nhóm phải lẩn trốn, đồng thời giữ bí mật về danh tính người kế nhiệm ông Rantissi.
Ngày 15/8/2005, Israel bắt đầu đơn phương rút quân khỏi Dải Gaza, để khu vực này nằm dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine.
Tháng 1/2006, Hamas giành được đa số ghế trong cuộc bầu cử lập pháp của người Palestine. Israel và Mỹ cắt viện trợ cho người Palestine vì nhóm không chịu từ bỏ bạo lực và công nhận nhà nước Do Thái.
Tháng 6/2007, Hamas thâu tóm Dải Gaza trong một cuộc nội chiến ngắn ngủi, đẩy lui lực lượng Fatah trung thành với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas.
Ngày 27/12/2008, Israel phát động cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Dải Gaza sau khi các tay súng Palestine nã tên lửa vào thị trấn Sderot, phía nam nước này. Khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel được tin đã thiệt mạng trước khi hai bên đạt thỏa thuận ngừng bắn.
Tháng 11/2012, Israel trừ khử Ahmad Jabari, tham mưu trưởng nhánh vũ trang của Hamas, châm ngòi cho các vụ “ăn miếng, trả miếng” kéo dài 8 ngày giữa hai bên.
Năm 2014, việc Hamas bắt cóc và sát hại 3 thiếu niên Israel đã dẫn đến một cuộc xung đột đẫm máu kéo dài 7 tuần, khiến hơn 2.100 người Palestine và 73 người Do Thái thiệt mạng.
Ngày 7/5/2021, cảnh sát Israel đụng độ với đám đông biểu tình người Palestine gần Nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa vì một vụ tranh chấp pháp lý liên quan đến 8 gia đình Palestine ở Đông Jerusalem bị mất nhà cửa cho những người định cư Do Thái. Xung đột tái bùng phát giữa quân Do Thái và Hamas.
Theo thống kê của các quan chức y tế ở Dải Gaza, cho đến khi thỏa thuận ngừng bắn được ký kết ngày 20/5, 232 người Palestine đã thiệt mạng và 1.900 người khác bị thương.
Ngày 7/10/2023, Hamas bất ngờ nã hàng trăm quả tên lửa vào lãnh thổ Israel từ Dải Gaza, đồng thời cử các tay súng xâm nhập sang bên kia biên giới để thực hiện cuộc tấn công bất ngờ. Quân đội Israel đáp trả bằng chiến dịch không kích quy mô lớn nhằm vào Gaza .
Các vấn đề chính
Theo tờ Washington Post, nhiều cuộc đàm phán hòa bình đã diễn ra trong 25 năm qua, nhưng căng thẳng giữa người Israel và người Palestine chưa bao giờ lắng dịu. Hai bên hiện vẫn bất đồng về hàng loạt vấn đề như số phận của người tị nạn Palestine, các khu định cư Do Thái, quyền kiểm soát Jerusalem,… đặc biệt là việc có nên thành lập một nhà nước Palestine tồn tại bên cạnh Israel hay không.
Israel vẫn kiểm soát Bờ Tây. Mặc dù họ đã rút khỏi Dải Gaza, nhưng Liên Hợp Quốc vẫn coi mảnh đất đó là lãnh thổ bị chiếm đóng.
Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine khẳng định Đông Jerusalem là thủ đô của một nhà nước Palestine trong tương lai. Mỹ là một trong số ít quốc gia công nhận thành phố là thủ đô của Israel.
Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng các khu định cư ở những vùng này, quy tụ tới hơn 600.000 người Do Thái sinh sống. Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Anh và nhiều nước khác coi các khu định cư như vậy là bất hợp pháp theo luật pháp quốc tế. Song, Israel phủ nhận quan điểm này.