"Riêng nghệ thuật sân khấu cho thấy sự thiếu hụt đội ngũ tác giả đạo diễn trẻ, tài năng một cách trầm trọng nhất của sân khấu thế kỉ 21", NSND Trịnh Thúy Mùi.
Cuộc họp báo Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ 2023 diễn ra hôm nay tại tỉnh Trà Vinh với sự tham gia của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam - NSND Trịnh Thúy Mùi, NSƯT Nguyễn Thắng Vinh, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái, đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh và đại diện 13 đoàn nghệ thuật.
NSND Trịnh Thúy Mùi cho hay nghệ thuật dù kê Khmer ra đời cùng giai đoạn với cải lương, đến nay đã có hơn 100 năm tồn tại, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong đời sống của người Khmer, cần được bảo tồn và phát triển.
Năm 2013, Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ lần đầu được tổ chức với sự nỗ lực của Hội, soạn giả Lê Duy Hạnh và giám đốc Sở VHTT&DL các tỉnh miền Tây Nam Bộ, quy tụ 10 đoàn nghệ thuật tham gia.
Hội từng định tổ chức Liên hoan lần 2 vào năm 2016 nhưng khi phát văn bản thông báo chỉ nhận lại phản hồi của 3 - 4 đơn vị, dẫn đến việc không đảm bảo quy mô thực hiện. Cộng thêm sự bùng phát của dịch bệnh, Liên hoan bị gián đoạn 10 năm.
Qua Liên hoan, Hội muốn đánh giá thực trạng của dù kê Khmer để tham mưu, bàn lại với các địa phương bảo tồn, phát triển và quảng bá loại hình này; đồng thời đưa dù kê Khmer lên ngang tầm các loại hình nghệ thuật chuyên nghiệp. Theo NSND Thúy Mùi, cần quan tâm hơn đời sống tinh thần của người dân vùng sâu, vùng xa thay vì chỉ tập trung vào nghệ thuật ở thành phố lớn.
Ông Dương Hoàng Sum - Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh Trà Vinh xác định Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ là sự kiện quan trọng, nhất là với người dân tộc Khmer hiện chiếm 30% dân số địa phương.
Công tác chuẩn bị đã hoàn thành cơ bản, đáp ứng yêu cầu của 13 đoàn nghệ thuật. Sân khấu tại Trường Đại học Trà Vinh cao 5m, ngang 10m, được lắp đặt hệ thống âm thanh, ánh sáng tiêu chuẩn.
13 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và đơn vị xã hội hóa tham gia Liên hoan gồm Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Kiên Giang, Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng...
Mỗi đoàn có 30 - 50 diễn viên, tổng cộng hơn 500 diễn viên tham gia Liên hoan. Các tác phẩm đa dạng thể loại, từ dân gian, lịch sử như Hoàng tử Vê Son Đo, Tướng quân Rit Thi Sắc... đến hiện đại như Giữ vững biển đảo quê hương, Hoa cau tình thắm... Trước mỗi vở diễn, các đơn vị sẽ trình bày bản tóm tắt nội dung bằng tiếng Việt và tiếng Khmer.
Theo ông Dương Hoàng Sum, Liên hoan được người dân Trà Vinh và người dân tộc Khmer các tỉnh lân cận quan tâm. Ngoài ra, Sở vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên Trường Đại học Trà Vinh... đến dự khán, ước tính vài trăm người xem mỗi buổi diễn.
Ông Hữu Trung - Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Cà Mau đặt vấn đề BTC hỗ trợ các đoàn không chuyên, đoàn cơ sở thiếu hụt điều kiện tham dự Liên hoan.
Ông dẫn chứng ngoài đơn vị của mình, tỉnh Cà Mau còn có sự tham gia của Đội Văn nghệ quần chúng Ấp cây khô. "Họ rất nghèo, gần như không mang theo gì khi lên Trà Vinh biểu diễn nhưng tinh thần vô cùng hăng hái", ông nói.
NSND Trịnh Thúy Mùi phản hồi, BTC đã chuẩn bị hệ thống âm thanh, ánh sáng và một số cảnh trí. Tuy nhiên, đặc thù của nghệ thuật dù kê Khmer là dùng phông màn kéo. Nếu Hội chuẩn bị sẵn hoặc các đoàn cho mượn, dùng chung phông màn thì "không còn gì là nét riêng của tác phẩm".
"Chúng tôi không cấm nhưng không đánh giá cao chuyện '2 vở 1 màn', đồng thời sẽ không chấm thiết kế sân khấu của bên cho mượn phông màn. Các đoàn phải xem xét cái gì nên, cái gì không nên mượn", bà nói.
NSND thông tin thêm hiện đã trích 50% kinh phí hoạt động được cấp năm 2023 của Hội cho Liên hoan. Hội đã hỗ trợ mỗi đoàn tham gia Liên hoan 50 triệu đồng dù không có cơ chế, nhằm thể hiện sự chia sẻ với các đơn vị ngoài công lập.
Một buổi diễn của Đoàn Nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh
Ngoài ra, Liên hoan lần 2 còn có sự tham gia của 2 đoàn khá đặc biệt là Đoàn Nghệ thuật Khmer Chùa Svay Siêm Thmây và Đoàn Nghệ thuật Khmer - Trường Đại học Trà Vinh.
Thượng tọa Thạch Nhứt cho hay chùa Svay Siêm Thmây là đơn vị đầu tiên thành lập đoàn nghệ thuật trong số 143 chùa Phật giáo Khmer ở địa phương vào năm 2012 vì tình yêu và mong muốn bảo tồn nghệ thuật dù kê. Hiện tại, đoàn hoạt động bằng kinh phí của chùa và sự đóng góp của các phật tử. Các thành viên duy trì tập luyện 6 tiếng/tuần.
Trong khi đó, Đoàn Nghệ thuật Khmer - Trường Đại học Trà Vinh được PGS.TS Minh Thái quan tâm. Bà bày tỏ mong muốn gặp gỡ, trao đổi với hiệu trưởng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật, thực hiện mục tiêu cao cả "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi".
Sau lần này, Hội đặt mục tiêu tổ chức Liên hoan nghệ thuật sân khấu Dù kê Khmer Nam Bộ định kỳ 3 năm/lần, dự kiến lần 3 diễn ra vào năm 2026.