Ảnh minh họa một lao động làm việc tại Qatar. Ảnh: Reuters

  

Hãng Reuters dẫn tin từ ILO cho biết, các cuộc khủng hoảng như đại dịch Covid-19, xung đột vũ trang và biến đổi khí hậu đã dẫn tới sự gián đoạn chưa từng có về việc làm và giáo dục, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng đói nghèo cùng cực và buộc phải di cư. 

So với lần thống kê cuối cùng vào năm 2016, số người chịu cảnh nô lệ thời hiện đại đã tăng khoảng 9,3 triệu. Theo thống kê mới nhất, năm 2021 lao động cưỡng bức chiếm 27,6 triệu người trong số các nô lệ thời hiện đại, trong số này có 3,3 triệu trẻ em. Trong khi đó, số người bị ép kết hôn trái ý muốn là 22 triệu. 

ILO phát hiện, hơn nửa số trường hợp cưỡng ép lao động xảy ra ở các nước có thu nhập trên trung bình hoặc thu nhập cao và lao động nhập cư có nguy cơ bị ảnh hưởng cao gấp ba lần. 

Báo cáo của ILO đề cập tới Qatar, quốc gia đang phải đối mặt với hàng loạt cáo buộc vi phạm quyền lao động của những người di cư làm việc tại nước này trước thềm giải bóng đá thế giới của FIFA, bắt đầu vào tháng 11 tới. Tuy nhiên, kể từ khi ILO mở một văn phòng ở thủ đô Doha của Qatar vào tháng 4/2018, điều kiện sống và làm việc của hàng trăm nghìn lao động nhập cư tại nước này đã có những tiến bộ đáng kể. 

CEO Nasser Al Khater của ban tổ chức World Cup Qatar 2022 cho biết, nước này phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích không công bằng về việc đăng cai World Cup song họ đã đáp trả mọi lời chỉ trích bất công. 

Báo cáo của ILO cũng chỉ ra những lo ngại về tình trạng cưỡng ép lao động tại Trung Quốc. Tổ chức này đề cập tới báo cáo ngày 31/8 của LHQ về thực trạng lao động ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ mọi cáo buộc.