Đây là đánh giá được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu ra tại hội thảo “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ, tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”, do Bộ Công Thương và UBND tỉnh Thái Bình đồng chủ trì, tổ chức ngày 30/3, tại Thái Bình.

Thu ngân sách còn dựa nhiều  vào đất

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, vùng ĐBSH có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, nhưng vùng chưa tận dụng hết tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho phát triển; chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm.

Đáng chú ý, thu ngân sách Nhà nước còn dựa nhiều vào khai thác quỹ đất; công tác quy hoạch và triển khai thực hiện các quy hoạch còn chậm; phát triển không đồng đều giữa các tiểu vùng và giữa các địa phương trong vùng; liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. (Ảnh: Bộ Công Thương).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nguyên nhân của những tồn tại nêu trên là do nhận thức về vai trò liên kết vùng chưa đầy đủ, còn tư tưởng cục bộ chưa vì lợi ích chung; thiếu cơ chế và bộ máy thực hiện liên kết, điều phối vùng hiệu quả vì không có thể chế vùng và có ngân sách riêng cấp vùng; chất lượng quy hoạch vùng và quy hoạch các địa phương trong vùng còn thấp...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh cần xây dựng thể chế liên kết vùng đủ mạnh, bảo đảm hiệu quả điều phối, liên kết phát triển vùng đi vào thực chất, tập trung vào một số lĩnh vực như quy hoạch, phát triển hạ tầng, xúc tiến đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường nội vùng và liên vùng, phát triển các cụm liên kết ngành...

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng nhìn nhận, các công trình, dự án liên kết vùng mới tập trung ở các dự án hạ tầng do ngân sách từ Trung ương đầu tư. Các hoạt động liên kết, hợp tác giữa các địa phương còn chưa rõ nét và chưa được triển khai đẩy mạnh. Chưa có cơ chế chính thức về liên kết vùng riêng; không gian và địa bàn liên kết còn mang tính tự phát giữa một số địa phương. Đặc biệt các vấn đề, nội dung liên quan đến liên kết ngoại vùng hầu như chưa có.

Khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín”

PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhận định, việc xác định rõ cơ hội và thách thức đối với phát triển vùng có ý nghĩa rất quan trọng trong việc hoạch định và triển khai thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển vùng. Việc vùng có tận dụng được các cơ hội hay biến các thách thức thành cơ hội hay không, trước hết sẽ phụ thuộc vào sự đổi mới về tư duy và thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng, vai trò, vị trí đặc biệt của vùng đối với cả nước.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, các chính sách phát triển vùng, liên kết vùng không những tạo động lực phát triển kinh tế mà còn giải quyết các vấn đề mà mỗi địa phương sẽ rất khó thực hiện như ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng và đầu tư ở các vùng kinh tế trọng điểm; phát triển kinh tế các vùng ven biển.. ; liên kết vùng cũng là biện pháp khắc phục cơ cấu kinh tế “khép kín” của địa phương và khai thác tối đa nguồn lực của xã hội.

Ông Trần Mạnh Báo – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ThaiBinh Seed đề xuất, để phát triển kinh tế vùng nói chung và Thái Bình nói riêng, cần hình thành các trung tâm giống cây trồng, xây dựng thương hiệu và tập trung cho dịch vụ.