Khoảng 16h ngày 17/3, tàu khách LP5 chạy hướng Hà Nội - Hải Phòng di chuyển đến Km 17+300 (xã Lạc Đạo, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) xảy ra tai nạn giao thông, 1 người tử vong. Nguyên nhân do một nữ sinh bất ngờ đi vào đường ray tàu chạy.
Theo camera ghi lại vụ tai nạn, thời điểm này, cần chắn tự động đã đóng nhưng nữ sinh vẫn băng qua dẫn đến tai nạn thương tâm.
Đây không phải trường hợp đầu tiên gặp tai nạn giao thông đường sắt. Trước đó một ngày, vào tối 16/3, tại khu vực đối diện số nhà 1333 đường Giải Phóng, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội cũng xảy ra vụ TNGT đường sắt khi tàu SE1 lưu thông đến Km 6+500 đã va phải người đàn ông khiến nạn nhân tử vong.
Theo người dân có mặt tại hiện trường, trước thời điểm xảy ra vụ việc, người đàn ông nghe điện thoại sát đường ray tàu. Khi tàu hỏa gần đến đã có tín hiệu còi cảnh báo, dùng biện pháp "hãm khẩn" để dừng tàu nhưng vì cự ly quá gần nên tàu đã va vào nạn nhân.
Theo Cục Đường sắt, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tai nạn là do người băng qua đường sắt không chú ý tín hiệu cảnh báo. Thống kê của Cục Đường sắt Việt Nam cho thấy, chỉ tính riêng trong quý I/2024, cả nước đã xảy ra 46 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 21 người và bị thương 25 người. Trong đó, 1 vụ tai nạn rất nghiêm trọng, 18 vụ tai nạn nghiêm trọng và 27 vụ tai nạn ít nghiêm trọng.
Mặc dù so với cùng kỳ năm 2023 số người tử vong, bị thương do tai nạn đường sắt giảm đáng kể nhưng nguyên nhân cố hữu dẫn tới tai nạn vẫn lặp lại.
Phụ thuộc ý thức người tham gia giao thông
Đại diện Cục Đường sắt cho hay, thống kê trong quý I cho thấy có 24 vụ tai nạn ở lối đi tự mở, 8 vụ tại đường ngang có cảnh báo, 1 vụ tại đường ngang có người gác, 13 vụ dọc 2 bên đường sắt.
Hiện, cả nước có 4.814 điểm giao cắt đường bộ và đường sắt. Trong đó, đường ngang có cảnh báo (người gác, cần chắn tự động hoặc biển báo, đèn hiệu) chỉ chiếm hơn 30%. Gần 70% còn lại là các lối đi do người dân tự mở.
Lực lượng chức năng cho biết, nguyên nhân các vụ tai nạn đường sắt do khách quan - người và phương tiện tham gia giao thông khác gây ra cho đường sắt, chiếm gần 90% số vụ tai nạn hằng tháng.
Việc không tuân thủ quy tắc giao thông của một bộ phận người dân khi đi qua những điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt tiềm ẩn nguy cơ rất lớn xảy ra tai nạn giao thông.
Nhiều năm nay Cục Đường sắt đã có chủ trương xoá bỏ các lối đi tự mở nhưng với chiều dài toàn tuyến quá lớn, riêng ngành đường sắt không thể thực hiện nổi. Đơn vị này đã lên danh sách các lối tự mở gửi địa phương phối hợp cùng quản lý.
Các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao cũng được đề xuất nâng cấp cải tạo hoặc đề nghị địa phương cảnh giới an toàn; thông báo lịch trình chạy tàu, tổ chức tập huấn, cung cấp dụng cụ phòng vệ, điện thoại liên lạc chạy tàu cho lực lượng tham gia cảnh giới của địa phương.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, để đảm bảo an toàn tại những nơi này bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, cần nhất là ý thức tự giác của mỗi người dân khi tham gia giao thông.