Trong Jurassic World: Fallen Kingdom, không ít lần bạn thấy lũ khủng long bị bắn nhưng dường như đạn chẳng có tác dụng gì với chúng cả, ví dụ như phân cảnh chàng thợ huấn luyện Owen Grady (Chris Pratt) bắn Indoraptor, con khủng long đóng vai “phản diện" của Fallen Kingdom, được tạo ra bởi DNA của Indominus Rex, Raptor và có thể là các loài khác nữa. Cũng như Indominus Rex, loài khủng long lai tạo trong phần Jurassic World đầu tiên, Indoraptor dường như “miễn nhiễm" với đạn.
Dĩ nhiên đây chỉ là một bộ phim giả tưởng không dựa quá nhiều vào yếu tố khoa học, nhưng Jurassic World, cùng với các phim về khủng long khác, đa phần đều có cảnh con người dùng súng bắn các loài khủng long hung tợn nhưng chúng không hề hấn. Liệu các cảnh này có dựa vào chút yếu tố khoa học nào không? Những con khủng long có thật sự “chống đạn" không?
“Có lẽ là phụ thuộc vào loại đạn mà bạn bắn chúng", nhà nghiên cứu khủng long Jordan Mallon tại Viện Bảo tàng Tự nhiên Canada cho biết. “Nếu bạn dùng súng ngắn bắn đạn .22 bé tí vào con nai sừng tấm thì chỉ giống như đang chọc cho nó phát điên lên mà thôi. Còn nếu bạn dùng súng trường thì con nai sẽ chẳng có cơ hội nổi điên nữa. Tôi cho là điều này cũng tương tự với khủng long".
Bên cạnh kích thước đạn thì chủng loài khủng long khá quan trọng, loài này có thể chịu đạn tốt hơn loài kia. Ví dụ như loài Ankylosaurus với lớp da dày như áo giáp và xương bao phủ nhiều vị trí trên cơ thể chắc chắn sẽ là thử thách khó khăn với các loại súng. “Hộp sọ của chúng là một khối xương vô cùng cứng”, Mallon cho biết. Những mảnh xương bên ngoài của Ankylosaurus có chứa nhiều sợi collagen chồng chéo nhau như áo chống đạn Kevlar, nhờ đó nó có thể chịu được cú cắn của con T-Rex.
Tuy vậy, theo nhà cổ sinh vật học Philip Senter, dù có lớp da dày và xương chắc tới đâu Ankylosaurus cũng không thể chống đạn. Nó có thể sống sót sau một vài phát bắn từ súng ngắn, nhưng sẽ không thể chịu được các khẩu súng trường. Nhà cổ sinh vật học John “Jack" Horner cũng đồng ý với điều này.
Horner cũng chính là cố vấn khoa học của các bộ phim Jurassic Park và Jurassic World, ông cho biết bản thân mình từng phản đối việc cho các con khủng long gần như miễn nhiễm với đạn trong phim. Khi bắt đầu ý tưởng cho Jurassic World, các nhà làm phim muốn biết liệu Indominus Rex có thể là loài có lớp da chống đạn không, nhưng Horner nói với họ rằng thậm chí một khủng long giả tưởng tạo ra bằng DNA cũng cần dựa trên những yếu tố thực tế. “Nhưng họ muốn chúng có siêu năng lực", Horner nói với phóng viên trang TheVerge.
Theo Horner, nếu Indominus Rex có lớp da chống đạn, nó sẽ quá nặng nề để có thể di chuyển nhanh nhẹn như bạn thấy trong phim. Ví dụ như Ankylosaurus với lớp da gần nhất với định nghĩa “chống đạn", nó rất nặng nề, chậm chạp, chân thì ngắn cũn, thậm chí tốc độ chạy của nó còn thua con người, và đó là lý do mà nó có phần “tạ" cực nặng ở đuôi để chống lại các loài ăn thịt nhanh nhẹn hơn như T-rex.
“Nếu bạn bắn vào con vật nào đó, viên đạn sẽ đâm vào da thịt và nó sẽ chạy máu, thậm chí dù đó có là sinh vật lai tạo gen đi nữa", Senter cho biết. “Trong Jurassic Park và Work, khi các nhân vật bắn vào đầu khủng long, rõ ràng là có nhiều phát bắn trúng hộp sọ, đó là khi chúng nên ngã gục vì não đã nát rồi. Khả năng chống đạn giúp khủng long trở nên đáng sợ hơn nhưng rất phi thực tế.” Tuy vậy, trong phim Fallen Kingdom vẫn có một số cảnh khủng long nhỏ bị thương nặng bởi súng.
Kể từ khi làm việc cùng đạo diễn trong phần đầu tiên của Jurassic Park, Horner đã cố hết sức để sửa hoặc thêm các chi tiết chân thật vào phim. Ví dụ, trong cảnh những con Velociraptor vào nhà bếp, đạo diễn muốn chúng thè lưỡi ra như rắn nhưng Horner phản đối vì khủng long không có lưỡi chẻ đôi. Các nhà khoa học chưa chắn chắn 100%, nhưng điều này dựa trên sự thật là họ hàng gần đây nhất của chúng như chim và cá sấu đều không có lưỡi như rắn.
Còn nữa, bạn thường thấy trong phim khủng long T-rex và Velociraptors có hai chi trước với móng vuốt cong xuống, nhưng hoá thạch thực tế cho thấy chi trước của hai loài này hướng vào nhau, trông như thể chúng sắp vỗ tay vậy.
Nếu bạn còn nhớ thì gần cuối Fallen Kingdom có xuất hiện con khủng long “đầu đá" Stygimoloch, một trong những “anh hùng" của phim giúp Owen và Claire Dearing (Bryce Dallas Howard) thoát khỏi phòng giam, thật ra chưa có bằng chứng nào cho thấy loài này có thật. Những mảnh hoá thạch của nó nhiều khả năng chỉ là xương của loài Pachycephalosaurus. “Đây là một trong những điều tôi muốn thay đổi trong kịch bản của Fallen Kingdom", Horner cho biết. Nhưng cuối cùng con khủng long dễ thương này vẫn được giữ lại.
Tuy nhiên, sự lựa chọn khủng long và khả năng “chống đạn" của một số loài trong phim cũng không làm Horner phiền lòng mấy miễn là điều đó giúp phim hấp dẫn hơn. “Tôi cũng thích những bộ phim hay. Nếu muốn phim tài liệu thì tôi sẽ xem kênh Discovery".
Theo GenK