- 1,5km hành lang đường sắt bị chủ đầu tư khu đô thị mới Phú Lương (Hà Đông, Hà Nội) lấn chiếm xây tường rào kiên cố. Cục Đường sắt VN quyết định hủy giấy phép thi công.
Một số đoạn đã được xây tường gạch cao khoảng 2m, có đoạn đang làm dở.
Bức tường rào đang được xây kiên cố trên hành lang đường sắt |
Đe dọa an toàn chạy tàu
Ông Phạm Nguyễn Chiến, Phó giám đốc công ty CP Đường sắt Hà Thái - đơn vị quản lý tuyến đường sắt cho biết, sự việc diễn ra từ tháng 4/2016. Khi kiểm tra, đơn vị phát hiện công ty Trung Việt đổ đất dọc hành lang đường sắt, giáp ranh khu ga Hà Đông.
Ông Chiến cho hay, công ty Trung Việt được cấp phép xây dựng tạm, nhưng họ lại xây tường rào kiên cố.
"Theo quy định, công trình thi công phải cách chân nền đường sắt 15m, trong khi chủ đầu tư lại xây tường rào điểm gần nhất cách chân nền đường sắt 4m, cách đường dây tín hiệu thông tin 2,5m, thậm chí một số đoạn chỉ cách 1,5m" - lời ông Chiến.
Phó trưởng Ban An toàn giao thông đường sắt (Tổng công ty Đường sắt VN) Dương Văn Thư cho rằng, việc công ty Trung Việt đổ đất cao hơn mặt đường sắt gần 1m, khi trời mưa to, nước chảy từ trên nên đất cao xuống không thoát kịp sẽ gây ngập úng, ảnh hưởng đến kết cấu, tính ổn định của nền đường sắt, đe dọa an toàn chạy tàu.
Sau khi phát hiện tình trạng cố tình lấn chiếm, đơn vị đã cho lập biên bản dừng thi công và báo cáo Cục Đường sắt, Cục Cảnh sát giao thông, đồng thời làm việc với công ty Trung Việt, nhưng chủ đầu tư không có thiện chí nên đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết.
Xây theo thiết kế được cấp phép?
Tổng giám đốc công ty Trung Việt Cù Ngọc Ổn cho biết, việc xây tường rào đã được Cục Đường sắt cấp phép và được Tổng công ty Đường sắt chấp thuận phương án thi công.
Phần đất xây dựng tường rào là đất Nhà nước giao cho công ty quản lý chứ không phải đất của đường sắt.
Tuy nhiên, theo luật Đường sắt, khoảng cách 15m từ đường ray không được xây dựng công trình kiên cố nên công ty chỉ xây hàng rào tạm để chắn trâu bò, dân sinh đi lại gây mất an toàn.
Tường rào khu đô thị được xây dựng sát cột tín hiệu đường sắt |
Việc đổ bê tông kiên cố được ông Ổn lý giải là do đất được công ty đắp 3-4m, nếu xây tường bình thường sẽ rất dễ đổ, do vậy phải cắm cọc đổ bê tông.
“Việc cắm cọc xây dựng tường bê tông đã được Cục Đường sắt phê duyệt và chúng tôi xây dựng theo đúng thiết kế được cấp phép. Tuy nhiên, trong quá trình thi công các đơn vị của Tổng công ty Đường sắt cho rằng xây dựng như vậy là thiếu an toàn nên chúng tôi đã dừng lại”, ông Ổn nói.
Hủy giấy phép thi công
Theo ông Dương Văn Thư cho biết, sau khi Tổng công ty Đường sắt cùng Cục Đường sắt VN lập đoàn kiểm tra phát hiện việc thi công đắp nền xây tường rào gây mất an toàn hành lang đường sắt, tháng 4, Cục đã có quyết định thu hồi giấy phép xây dựng hàng rào bảo vệ tạm dọc khu đô thị mới Phú Lương.
Ngày 5/5, Cục đã có quyết định hủy giấy phép thi công xây dựng công trình trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt.
Do vậy, công ty Trung Việt có trách nhiệm tháo dỡ, không được đền bù đối với các hạng mục công trình đã xây dựng, hoàn trả mặt bằng như trước khi xây dựng trước ngày 31/5, đảm bảo an toàn công trình đường sắt và an toàn giao thông đường sắt.
Tuy nhiên, đến nay Trung Việt vẫn chưa có động thái thực hiện.
Ông Ổn nhận định nguyên nhân là do chưa có biện pháp tháo dỡ.
“Các đơn vị ngành đường sắt phải xuống làm việc với chúng tôi để có biện pháp tháo dỡ" - ông đề xuất.
Chủ tịch xã bị dọa 'xin đôi mắt' khi xử lý lấn chiếm đường sắt
Công an huyện Trảng Bom (Đồng Nai) đang làm rõ người nhắn tin “xin đôi mắt”, “xin cánh tay” của chủ tịch xã Hố Nai 3.
Sai phạm đường sắt: Nhiều người nhận lương cả năm, làm 1 tháng
Thanh tra Bộ GTVT đã chỉ ra việc nâng cấp, sửa chữa, cải tạo 133 đường ngang của Tổng công ty Đường sắt VN (VNR) có nhiều sai sót nghiêm trọng.
Mở đường dân sinh gây tai nạn đường sắt phải cho mất chức
Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu luật phải nghiêm, thậm chí phải cho mất chức những người để mở đường dân sinh gây tai nạn giao thông đường sắt.
Vũ Điệp