"Tôi còn nhớ khi dự một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Bin Clinton và Chủ tịch Giang Trạch Dân, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đặt ra câu hỏi là liệu Mỹ muốn một đất nước TQ mạnh hay yếu. Clinton đã trả lời rằng “chúng tôi có nhiều thứ phải lo với một TQ yếu hơn là một TQ mạnh", GS Joshep Nye kể lại.
TuanVietNam xin trích đăng phần ý kiến của GS Joshep Nye – tác giả của thuyết “Quyền lực mềm” trong hội thảo sáng kiến giải quyết xung đột Nhật – Trung do Diễn đàn toàn cầu Boston (BGF) tổ chức tại Harvard Faculty Club, đại học Harvard.
>>Nhật Bản từng "giúp" TQ thành công
Về cơ bản, chính sách “tái cân bằng” châu Á – Thái Bình Dương của chính quyền Obama phản ánh thực tế là nước Mỹ đã lãng phí thập niên đầu của thế kỷ 21 sa lầy trong hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan. Khi Obama lên cầm quyền, ông đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với việc tái củng cố sự hiện diện của Mỹ ở châu Á. Việc ngoại trưởng Mỹ đến thăm châu Á trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình là điều chưa từng có. Đó là điều rất đáng quan tâm ở châu Á vào thời điểm đó. Dường như có gì không bình thường khi điều đó có thể đồng nghĩa với sự quay lưng lại với châu Âu.
Nếu nhìn kỹ thì thời chính quyền Clinton những năm 1990, nhiều người đã nhận ra sự trỗi dậy mạnh mẽ về sức mạnh của Trung Quốc, rõ nhất là sức mạnh kinh tế. Họ chủ trương Mỹ cần phải kiềm chế Trung Quốc trước khi mọi chuyện trở nên quá muộn. Nhưng đó chưa bao giờ là một chính sách khả thi .
Thủ tướng trong một dịp đón tiếp GS Joshep Nye tại Việt Nam |
Lý do vì sao?
Thứ nhất, sẽ gần như không thể tổ chức một liên minh các quốc gia có khả năng kiềm chế TQ. Tất cả các quốc gia ở cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á đều muốn một mối quan hệ ở mức hợp lý giữa Mỹ và TQ, giữa TQ và Nhật Bản. Do đó, họ lo ngại việc tham gia vào một tổ chức nào đó có thể khiến các mối quan hệ này xấu đi. Lý do nữa không hợp lý cho việc kiềm chế TQ là nếu họ lựa chọn tham gia kiềm chế TQ, nghĩa là họ lựa chọn coi TQ là kẻ thù. Còn nếu cố gắng thảo luận cởi mở, công khai với TQ thì họ có thể hội nhập vào hệ thống quốc tế, từ đó có thể xây dựng một mối quan hệ hợp lý với Bắc Kinh.
Nhưng khi Bắc Kinh hội nhập và trở thành cường quốc thì không ai, ngay cả chính bản thân người TQ, có thể dám chắc họ sẽ hành xử ra sao. Và khi TQ trở nên mạnh hơn thì rõ ràng là sẽ hợp lý nếu tái khẳng định liên minh quân sự như một chính sách bảo hiểm cho cả Mỹ và Nhật Bản.
Năm 1996, Tổng thống Mỹ Bin Clinton và Thủ tướng Nhật khi đó tuyên bố tại Tokyo rằng liên minh quân sự Mỹ - Nhật là nền tảng để đảm bảo ổn định ở Đông Á hậu Chiến tranh Lạnh. Trước đó, một số người ở cả hai nước cho rằng hiệp ước an ninh là di sản của quá khứ, của Chiến tranh Lạnh.
Việc duy trì hiệp ước này là một chính sách bảo vệ khôn ngoan bởi cách tiếp cận hay chính sách nhìn chung có lợi cho cả Trung Quốc và Nhật Bản. Do đó, Mỹ đã nới rộng vòng tay với TQ để họ tham gia vào hệ thống quốc tế, đặc biệt là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) mà Mỹ là nước đóng góp nhiều nhất. Nhưng đồng thời Mỹ cũng vẫn giữ lại chính sách bảo vệ đó cho cả Mỹ và Nhật Bản để đề phòng tình huống xấu nhất.
Chính sách đó khá hiệu quả. Tôi còn nhớ khi tôi dự một hội nghị thượng đỉnh giữa Tổng thống Clinton và Chủ tịch Giang Trạch Dân vào năm 1995, Chủ tịch Giang Trạch Dân đã đặt ra câu hỏi là liệu Mỹ muốn một đất nước TQ mạnh hay yếu. Clinton đã trả lời rằng “chúng tôi có nhiều thứ phải lo với một TQ yếu hơn là một TQ mạnh.
Lý do ở đây là, nước Mỹ cần TQ. Thứ hai, với hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật được tái khẳng định, nước Mỹ ở vào vị trí hoàn toàn có thể duy trì chính sách cởi mở với TQ mà vẫn có thể đảm bảo kiểm soát được tình hình.
Chính sách đó tiếp tục được duy trì trong chính quyền Tổng thống Bush với chủ trương nước Mỹ hoan nghênh TQ trở thành một cổ đông có trách nhiệm đối với thế giới. Nói cách khác Mỹ thừa nhận vai trò cũng như sức mạnh của TQ.
Chính sách dưới thời Tổng thống Obama là “tái cân bằng” về châu Á, giải quyết hài hòa tam giác quan hệ, để tạo cơ sở cho sự ổn định trong khu vực.
Vậy còn điều gì bất ổn? Có một số chủ thể ở khu vực, mà đặc biệt là Triều Tiên, rất khó lường. Chúng ta không thể biết màn kịch ở Triều Tiên sẽ diễn tiến ra sao. Mức độ rủi ro ở đây khá cao và hoàn toàn có thể vượt ngoài tầm kiểm soát.
Một nguy cơ cuối là khả năng tính toán sai lầm của các bên có thể xảy ra trong không khí chủ nghĩa dân tộc dâng cao ở cả hai nước Mỹ, TQ.
Tại các nước này, chủ nghĩa dân tộc đều được xem là một con bài quan trọng để giới lãnh đạo gây dựng sự ủng hộ của người dân, đặc biệt là ở TQ. Nhưng nó đi kèm với rủi ro là, trong bầu không khí như vậy, giới lãnh đạo đôi khi khó làm chủ được tình hình.
Đình Ngân (lược dịch)