Tạo ra không khí tích cực mới 

Bác sĩ Lương Trường Sơn, Nguyên Phó Viện trưởng, Viện sốt rét Ký sinh trùng - Côn trùng TP.HCM cho biết, dựa trên số ca nhiễm trong cả nước ở thời điểm hiện tại có thể thấy “cuộc chiến với Covid-19” sẽ còn kéo dài. Đặc biệt, tại TP.HCM, các con số thống kê về số ca nhiễm mỗi ngày chỉ ra rằng “chỗ nào của thành phố cũng có thể xem là ổ dịch”.

Ông chia sẻ: “Chúng ta cần chuẩn bị, sẵn sàng tâm thế sống chung với dịch bệnh. Tuy vậy, hiện nay, hầu hết người dân đang sống trong tâm lý hoang mang, lo sợ. Những hoang mang, lo sợ này khiến tâm lý cộng đồng suy kiệt”.

{keywords}
Bác sĩ Lương Trường Sơn cho rằng nếu tâm lý cộng đồng được hồi phục, dịch bệnh sẽ dần ổn định, số người tử vong từ đó mà giảm theo.

Theo ông, sự suy kiệt tâm lý vô cùng nguy hiểm trong việc chống phòng chống đại dịch. Bởi, sự suy kiệt tâm lý sẽ khiến người bệnh sinh ra bi quan dẫn đến suy giảm sức đề kháng, bệnh tình nặng thêm. Trong khi đó, quá trình này cũng khiến người chưa bệnh giảm tinh thần phòng, chống dịch… 

Do đó, ông đề xuất cần tạo ra không khí mới, đem lại tâm lý tốt hơn cho cộng đồng, người dân. Và, một trong những phương án tạo ra không khí mới là nới lỏng giãn cách, cho phép các dịch vụ thiết yếu công cộng như chợ, dịch vụ bách hóa, hàng hóa… hoạt động trở lại. 

Ông cũng cho rằng, Chính phủ cũng cần cho phép người dân đi làm trở lại để họ có thể an tâm về việc có được thu nhập, vượt qua cái đói. “Tuy vậy, không khí mới nói trên phải được xây dựng, thực hiện theo quy định giãn cách. Song, giãn cách ở đây là giãn cách giữa người với người chứ không phải giữa nhà với nhà, giữa các địa phương với nhau”.

{keywords}
Một trong những phương án tạo ra không khí mới là nới lỏng giãn cách, cho phép các dịch vụ thiết yếu công cộng như chợ, dịch vụ bách hóa, hàng hóa… hoạt động trở lại.

“Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ ban hành các chế tài nghiêm ngặt, phạt nặng những cá nhân, tổ chức không tuân thủ nguyên tắc giãn cách, phòng dịch. Song song với các chế tài trên, chính quyền cần tuyên truyền mạnh mẽ, công bố các biện pháp phòng ngừa cá nhân giúp người dân tự bảo vệ mình như: đeo khẩu trang, xịt khuẩn, nâng cao sức đề kháng…”, ông nói thêm.

Khẳng định tầm quan trọng của việc “phủ” vắc xin cho cộng đồng nhưng bác sĩ Sơn cũng đặc biệt đánh giá cao liệu pháp tâm lý trong chiến lược phòng chống đại dịch. Ông nhận định: “Liệu pháp tâm lý vô cùng quan trọng. Nếu tâm lý cộng đồng được hồi phục, dịch bệnh sẽ dần ổn định, số người tử vong từ đó mà giảm theo”.

Chuyển tâm thế, sống chung với Covid-19

Việc đầu tiên trong khôi phục tâm lý cộng đồng là thay đổi cách nhìn nhận, hiểu biết của người dân về Covid-19. Bấy lâu nay, người dân đã sống trong sự sợ hãi, hoang mang bởi Covid-19. 

Thậm chí, cộng đồng thực sự bị ám ảnh bởi những thông tin dày đặc về sự nguy hiểm của loại virus này. Do đó, bác sĩ Sơn cho rằng, ngay từ bây giờ, Nhà nước cần tuyên truyền, cho người dân nhận thức được rằng Covid-19 là một loại dịch bệnh không quá đáng sợ.

{keywords}
Bấy lâu nay, người dân đã sống trong sự sợ hãi, hoang mang bởi Covid-19.

“Covid-19 hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa trị đặc hiệu nhưng nếu được phát hiện sớm, điều trị đơn giản bằng cách nâng cao sức đề kháng như ăn, uống, ngủ, nghỉ điều độ, làm việc, thể dục, giải trí điều độ, tạo tâm lý sảng khoái, bệnh sẽ tự khỏi trong một tuần hoặc mười ngày”.

Yếu tố tâm lý và tinh thần cộng đồng là vô cùng quan trọng trong việc phòng chống, điều trị Covid-19. Bởi, nếu tâm lý cộng đồng suy kiệt, tinh thần người dân sẽ suy sụp ốm yếu, sức đề kháng giảm tạo điều kiện cho virus Sars-CoV-2 trỗi dậy. 

Cộng đồng với tâm lý, tinh thần suy kiệt cũng sẽ khiến công tác phòng, chống dịch thiếu hiệu quả. Thế nên, bác sĩ Sơn cho rằng, ở thời điểm hiện tại, chúng ta cần phục hồi, ổn định tâm lý cộng đồng, xóa tan ám ảnh do virus Sars-Cov-2 đem lại. Người dân cần chủ động nghĩ đến việc chung sống với Covid-19.

Bác sĩ Sơn đề xuất: “Ở góc độ cộng đồng, chúng ta phải hết sức bình tĩnh, có cái nhìn cởi mở hơn về Covid-19 và động viên nhau giữ vững tinh thần. Ngoài ra, mọi người nên chia sẻ, lan tỏa những điều tốt đẹp, tích cực, tạo nên tinh thần lạc quan trong cuộc sống”.

Ngoài ra, ông đề xuất Nhà nước cần thành lập tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học về virus. Trước tiên, các tổ chức năng sẽ nghiên cứu nhanh các vấn đề liên quan đến virus Sars-CoV-2; Bệnh Covid-19; Vắc xin và hiệu quả của nó… đưa ra các giải pháp chống, diệt dịch để người dân an lòng.

Cũng theo ông, một khi người dân đã có được tâm lý tự tin, không còn bị dịch bệnh ám ảnh, Chính phủ nên nới lỏng hoàn toàn, cho phép người dân hoạt động trở lại trong một trạng thái mới, trạng thái thích nghi để sống chung với Sars-Cov-2 bằng cách ai có dấu hiệu, triệu chứng thì đi xét nghiệm, mắc bệnh thì đi chữa miễn phí.

Những đối tượng muốn xét nghiệm tự nguyện sẽ trả tiền, nếu nhiễm Sars-CoV-2 không có triệu chứng thì phải thực hiện cách ly nghiêm ngặt… Theo ông, tới lúc này, Nhà nước cần tập trung vào việc an sinh xã hội, gỡ bỏ giãn cách.

{keywords}
Bác sĩ Sơn cũng cho rằng, cùng với việc tiêm vắc xin, khôi phục tâm lý cộng đồng sẽ giúp tình hình dịch bệnh ổn định.

Ông cho rằng, hiện nay, chiến lược y tế điều trị đang được cải thiện đúng hướng; nhân viên y tế tự tin, bản lĩnh hơn, công tác hậu cần bệnh viện được quan tâm hơn. Vai trò của y tế cơ sở cũng đã tham gia đúng chức năng giúp việc phát hiện ra F0 sớm hơn. 

Ngoài ra, các đơn vị này cũng điều trị, cấp cứu kịp thời những bệnh nhân có dấu hiệu chuyển nặng. Những thông tin đáng mừng này đang kéo giảm tỉ lệ tử vong vì Covid-19. 

“Trong trạng thái mới này, người dân được đi làm trở lại, cơ sở y tế thì tiếp tục tích cực điều trị bệnh nhân nặng hiện đang có song song với việc tiêm vắc xin… Như vậy, tâm lý cộng đồng sẽ phục hồi và dịch bệnh sẽ ổn định”, bác sĩ Sơn nói thêm.

Bài, ảnh: Nguyễn Sơn

Giữ tâm bình an qua mùa dịch bệnh

Giữ tâm bình an qua mùa dịch bệnh

Suốt từ năm 2019 đến nay, tôi đã học được cách bình ổn tâm lý trong thời gian dịch bệnh, thậm chí sẵn sàng tâm thế trong những tình huống khó khăn hơn.