Chưa đầy một tháng sau đợt tiêm mũi vắc xin thứ 3, Israel đang nhận thấy tỷ lệ ca bệnh trở nặng do siêu biến thể Delta có thể đang chậm lại.
Chủng Delta tấn công Israel vào tháng 6, ngay khi quốc gia này bắt đầu gặt hái được những lợi ích từ một trong những đợt triển khai vắc xin nhanh nhất thế giới. Vào ngày 9/6, Israel không có ca nhiễm mới nào.
Nhưng ngay sau đó, số ca nhiễm mới tăng dần. Tới ngày 24/8, số ca đạt đỉnh cao nhất trong đại dịch lên hơn 12.000 ca. Trong tuần trước, lượng bệnh nhân mới trung bình 7.500 ca/ngày, 600 người nguy kịch phải nhập viện và hơn 150 người chết.
Tỷ lệ lây nhiễm ở nhóm trên 60 tuổi được tiêm mũi tăng cường ở Israel bắt đầu giảm.
Các nhà khoa học cho biết mũi tiêm vắc xin tăng cường có ảnh hưởng đến các ca nhiễm Covid-19 nhưng các yếu tố khác cũng có thể góp phần vào sự suy giảm đại dịch.
Ông Eran Segal, nhà khoa học dữ liệu tại Viện Weizmann, cho biết: “Các con số vẫn còn rất cao nhưng điều thay đổi là tỷ lệ nhiễm bệnh, các trường hợp nặng cũng như tốc độ lây lan của đại dịch đã giảm”.
“Điều này có thể do mũi tiêm nhắc lại. Ngoài ra, số lượng người mắc bệnh mỗi tuần cao, có thể lên đến 100.000 người, hiện đã có miễn dịch tự nhiên”.
Ngày 30/7, Israel bắt đầu tiêm liều thứ 3 của vắc xin Pfizer cho những người trên 60 tuổi. Mới đây, nước này mở rộng khả năng đủ điều kiện cho những người từ 40 tuổi trở lên đã được tiêm liều thứ 2 ít nhất 5 tháng trước đó. Cơ quan chức năng cho hay, độ tuổi được tiêm liều nhắc lại có thể giảm xuống trong thời gian tới.
Theo số liệu của Bộ Y tế Israel, trong 10 ngày qua, đại dịch đang giảm dần ở nhóm tuổi trên 60 tuổi. Hơn một triệu người trong số đó đã được tiêm liều vắc xin thứ 3.
Israel có 9,3 triệu dân nhưng đã có 1 triệu người nhiễm Covid-19, tỷ lệ bình quân số ca bệnh trên đầu người cao thứ 22 thế giới.
Câu hỏi đặt ra là liệu Israel có thể chiến đấu thoát khỏi đợt bùng phát thứ tư mà không áp đặt thêm một đợt phong tỏa gây thiệt hại cho nền kinh tế của nước này hay không.
Các bằng chứng cho thấy vắc xin vẫn có hiệu quả cao trong việc ngăn ngừa bệnh trở nặng nghiêm trọng nhưng khả năng bảo vệ sẽ giảm dần theo thời gian.
Tuy nhiên, các nhà khoa học và nhiều tổ chức vẫn chưa đồng thuận rằng cần phải tiêm liều thứ 3. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, nhiều người trên thế giới cần được tiêm vắc xin liều đầu tiên trước khi mọi người nhận được mũi tiêm thứ 3.
Mỹ đã công bố kế hoạch cung cấp liều tăng cường cho tất cả người Mỹ, 8 tháng sau liều thứ 2 với các dữ liệu cho thấy khả năng bảo vệ của vắc xin Covid-19 đang giảm dần. Canada, Pháp và Đức cũng lên kế hoạch cho các chiến dịch tiêm mũi nhắc lại.
Cho đến nay, khoảng 1 triệu người Israel chưa tiêm chủng và trẻ em dưới 12 tuổi vẫn không đủ điều kiện để tiêm. Các quan chức y tế thông tin họ đã xác định được khả năng miễn dịch suy giảm ở những người dưới 40 tuổi, mặc dù tương đối ít người bị ốm nặng.
>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo Reuters)
Hãng Pfizer xin phê duyệt liều vắc xin Covid-19 thứ 3
Nhà sản xuất dược phẩm của Mỹ bắt đầu quá trình xin phê duyệt liều thứ 3 vắc xin Covid-19 dành cho người từ 16 tuổi trở lên.
Sáng 26/8 Hà Nội không có ca Covid-19 mới, đợt dịch thứ 4 có 2.770 ca
Theo CDC Hà Nội, sáng 26/8, Hà Nội không ghi nhận thêm ca dương tính với SARS-CoV-2.
Các nhà khoa học đòi bằng chứng có nên tiêm liều vắc xin Covid-19 thứ 3
Chính phủ Mỹ dự định cung cấp liều vắc xin tăng cường do lo ngại khả năng bảo vệ chống lại Covid-19 bị suy giảm.