Theo đó, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM, cho biết, du lịch y tế địa phương còn nhiều khó khăn và bất cập cần cải thiện.
Đơn cử: thiếu nhân lực thông thạo ngôn ngữ chuyên ngành y tế; việc quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch y tế chưa chuyên nghiệp, thường xuyên; hầu hết các bệnh viện thành phố chưa có chứng chỉ quốc tế để bệnh nhân nước ngoài sử dụng bảo hiểm toàn cầu; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở y tế, doanh nghiệp lữ hành, khách sạn để hình thành chuỗi sản phẩm hoàn chỉnh.
Báo cáo từ Sở cũng cho hay, dù giá dịch vụ y tế tại Việt Nam rất cạnh tranh nhưng du khách lại không biết. Có thể lấy ví dụ, một ca thay xương khớp tại Úc thì bệnh nhân phải chờ khoảng 3-4 tháng, còn tại Việt Nam, thời gian chờ từ 3-4 tuần, giá dịch vụ chỉ bằng 1/3 với quy trình chăm sóc đảm bảo chuẩn quốc tế. Dẫu vậy, nhiều doanh nghiệp lữ hành quốc tế của chúng ta chưa biết cụ thể để xúc tiến du lịch, cũng như giới thiệu cho du khách.
So sánh với các quốc gia khác, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM dẫn số liệu năm 2019, 3 quốc gia trong khu vực ASEAN đang thu hút đông khách du lịch y tế gồm: Thái Lan với khoảng 3,4 triệu khách; Singapore khoảng 1,5 triệu khách; Malaysia 1,3 triệu khách du. Số khách du lịch y tế trên chủ yếu đến từ Trung Quốc, Myanmar, Lào, Campuchia và có cả người Việt Nam.
Nói về doanh thu, trong năm 2019, Singapore thu khoảng 1,3 tỷ USD từ du lịch y tế. Còn Thái Lan đã trở thành điểm đến du lịch y tế lớn nhất thế giới và thu hơn 3,7 tỷ USD/năm, từ thời điểm 10 năm trước.
Ông Châu đưa ra các lý do khiến Bangkok (Thái Lan) trở thành điểm đến hàng đầu thế giới về du lịch y tế gồm: giá dịch vụ kỹ thuật thấp hơn nhiều quốc gia khác; phát triển du lịch y tế là chính sách của Chính phủ nước bạn; chú trọng đào tạo chuyên sâu cho nhân viên y tế; ngành du lịch cung ứng dịch vụ du lịch y tế theo chuẩn 5 sao; kết hợp y học hiện đại và y học cổ truyền thu hút khách du lịch; thủ tục nhập cảnh đơn giản, miễn thị thực đối với khách du lịch y tế…
Giám đốc điều hành Bệnh viện quốc tế City, ông Mohammad Zakirul Karim, cho hay, Việt Nam bắt đầu chú trọng tới du lịch y tế quá trễ so với các quốc gia khác. Singapore đã đầu tư cho lĩnh vực này từ 20 năm trước, Thái Lan là 15 năm.
Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế của người đi sau nên cần học hỏi và có những động thái đi tắt đón đầu. Tiềm năng vẫn còn rất lớn.
“Cần quảng bá nhiều hơn về du lịch y tế. Đơn cử, Malaysia đã quảng cáo du lịch y tế trên các hãng thông tấn lớn như CNN. Đây là điều Việt Nam nên học”, ông nói.
Quảng Định