Cũng như cộng đồng người Việt Nam tại các nước trên thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở Nhật Bản đã và đang phát triển, được nước sở tại đánh giá cao vì những đóng góp thiết thực cả về kinh tế, xã hội… Thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên ở đây đã hòa nhập với văn hóa Nhật Bản nhưng luôn được cha mẹ, ông bà bồi đắp, nuôi dưỡng tình yêu Tổ quốc, gốc rễ của mình qua tiếng mẹ đẻ.
Chị Lê Thương, Phó chủ tịch Hiệp hội Người Việt Nam ở Nhật Bản chia sẻ, cộng đồng Người Việt Nam ở Nhật có gần 500.000 người. Dù bận rộn với cuộc sống, công việc, chị Thương cùng nhiều phụ huynh khác vẫn duy trì các lớp học tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, 3 từ 6 đến 11 tuổi.
Chị khẳng định, bố mẹ chính là những người giáo viên đầu tiên đầy nhiệt thành và kiên nhẫn trong việc dạy và duy trì tiếng Việt cho con em mình. Điều đó sẽ khó khăn hơn nếu em nhỏ đó là con lai Việt – Nhật. Tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh nào, tất cả bố mẹ Việt kiều đều nỗ lực để các em có thể giao tiếp được trong cộng đồng người Việt ở Nhật hay kết nối với người thân ở Việt Nam bằng tiếng Việt.
Gia đình chị Thương thường tham gia tổ chức các hoạt động giúp con em hiểu về văn hóa, phong tục tập quán quê hương qua dịp lễ Tết, đồng thời tạo môi trường giao lưu thực hành sử dụng tiếng Việt. Năm nay, con trai chị Thương 5 tuổi nhưng bé có thể tự tin nói chuyện bằng tiếng Việt nhờ việc mẹ tận dụng khoảng thời gian tiếp nhận ngôn ngữ rất nhanh của trẻ trước 3 tuổi.
Chị Phạm Thị Hải Yến theo chồng sang Nhật Bản sinh sống đã nhiều năm. Hiện chị là giảng viên môn Việt Nam ngôn ngữ và văn hóa, Trường Cao đẳng Tổng hợp về trẻ em TP Kobe, tỉnh Hyogo (Nhật Bản).
Thời gian đầu, chị Yến tập trung dạy tiếng Nhật và đọc sách cho con nghe. Khi con bước sang 4 tuổi, trong quá trình giao tiếp hằng ngày, chị nhận thấy con chỉ nói tiếng Nhật, không sử dụng tiếng Việt. Lo rằng con chỉ nói tiếng Nhật, lâu dài sẽ quên hết tiếng Việt nên bên cạnh thời gian giao tiếp tiếng Nhật, chị bắt đầu dạy con tiếng Việt, khuyến khích con nói tiếng Việt với bố mẹ. Đó là cách để con nhớ về quê hương, bản quán và gốc gác của mình.
Khu vực chị Yến sinh sống có nhiều gia đình người Việt, song các cháu đến trường, đi chơi hay sinh hoạt cộng đồng phần lớn dùng tiếng Nhật. Từ đây, chị nảy ra ý tưởng mở lớp tiếng Việt cho con em kiều bào và lớp học “Líu Lo tiếng Việt” ra đời không chỉ xuất phát từ mong muốn gìn giữ nguồn “tài nguyên” ngôn ngữ cho trẻ em Việt mà còn là tình yêu Tổ quốc của chị Yến.
“Dù sống ở bất kỳ quốc gia hay lãnh thổ nào trên thế giới, con trẻ cũng đều có quyền được học tập và duy trì tiếng mẹ đẻ. “Líu lo tiếng Việt” là cái tên gửi gắm ước mong trẻ em gốc Việt tại Nhật có thể sử dụng tiếng Việt một cách lưu loát, có thể tự tin líu lo cùng với bố mẹ, ông bà và cộng đồng người Việt”, chị nói.
Do cộng đồng người Việt ở rải rác nhiều tỉnh, thành phố của Nhật Bản nên việc học trực tiếp sẽ gặp trở ngại, chị Yến đã quyết định mở lớp trực tuyến để con em người Việt hay người bản xứ muốn học tiếng Việt đều có thể tham dự. Mỗi tuần chị dạy 2 buổi, sĩ số học sinh khoảng 30 em, phân theo khả năng ngôn ngữ là lớp bắt đầu cho người chưa biết tiếng Việt và lớp nâng cao cho người đã giao tiếp cơ bản.
Đối với nhóm chưa biết tiếng Việt, chị sẽ sử dụng tiếng Nhật để giới thiệu cho các em về văn hóa, đất nước Việt Nam; chuẩn bị cho học sinh những kiến thức, hiểu biết cơ bản nhất. Các em hiểu về cội nguồn của mình sẽ kích thích được tính tò mò, muốn tìm hiểu. Như vậy sẽ có tâm thế sẵn sàng học, đón nhận kiến thức nhẹ nhàng, thoải mái và không bị áp lực hay cảm thấy khó khăn trong quá trình học.
Đối với học sinh có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, chị chia môn học thành bốn kỹ năng nghe – nói – đọc – viết. Trong quá trình học sẽ lựa chọn những nội dung phù hợp với năng lực nhằm tạo sự hứng thú cho học sinh. Trước mỗi buổi học, chị dành thời gian để cả lớp cùng nhau chia sẻ những hiểu biết về chủ đề học hôm đó. Với những nội dung khó, các em dùng tiếng Nhật để nói và chị hướng dẫn nói lại bằng tiếng Việt. Nhờ vậy, học sinh của lớp Líu lo tiếng Việt sau 4 tháng có thể nói được tiếng Việt trôi chảy.
Thời điểm hiện nay, do đang bận tập trung cho luận án Tiến sĩ nên chị Yến chưa mở lớp mới mà chỉ duy trì lớp học cũ. Năm 2025, khi đã hoàn thiện luận án Tiến sĩ, chị sẽ tiếp tục mở các lớp tiếng Việt mới.
“Có một vài lời khuyên tôi bỏ học tiến sĩ đi rồi tập trung vào chăm sóc và phát triển Líu lo tiếng Việt, nhưng cũng có nhiều lời khuyên tôi cứ cố gắng vừa làm vừa học, không thể bỏ bên nào, không cần gấp gáp. Tôi rất biết ơn những lời khuyên và cũng từ đó tôi nhìn nhận lại ý muốn và sức lực của bản thân. Cuối cùng, tôi đã quyết định sẽ dành thời gian để viết luận án trong năm 2024, bên cạnh việc đi dạy tiếng Việt vào buổi sáng và duy trì các lớp tiếng Việt hiện có vào buổi tối”, chị nói.
Sinh sống ở Suzaka, tỉnh Nagano, vợ chồng chị Phan Thị Phương Thúy sang Nhật Bản khi con trai chị mới 2 tuổi. Con thích nghi và hòa nhập với môi trường mới, học nói tiếng Nhật. Tuy nhiên, chị Thúy luôn giữ quan điểm, con sẽ phải nói tốt tiếng Nhật và tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, khi ở nhà, chị và con giao tiếp bằng tiếng Việt. Giai đoạn con sắp vào lớp 1, chị dạy thêm chữ cái, đọc sách tiếng Việt cho con nghe. Đến nay, con không chỉ nói thạo tiếng Việt mà còn viết rất tốt.
Quỳnh Nga