Zing.vn trích dịch bài viết trên Wired và CBS News về sự phát triển của dịch vụ livestream (phát sóng trực tiếp) đám tang tại nhiều nước và những tranh cãi xung quanh xu hướng này.
Natalie Levy, làm việc ở San Francisco, Mỹ, nhớ lại cuộc điện thoại quá nửa đêm từ người thân đang sống tại Michigan vào đầu tháng 1.
Giữa tiếng khóc và giọng nói đứt quãng, anh rể Levy nói rằng cảnh sát đã tìm thấy thi thể của mẹ cô trong một công viên ngoại ô Ann Arbor.
“Lúc đó, tôi như ở trong cơn ác mộng vì không nghĩ đó là sự thật”, Levy vừa khóc vừa kể lại.
Vài giờ sau cú điện thoại, Levy lên máy bay trở về Michigan, nơi gia đình cô sẽ tổ chức tang lễ vào những ngày kế tiếp.
Không giống Levy, sau cái chết đột ngột của mẹ cô, nhiều họ hàng, người thân, bạn bè đang sinh sống hoặc du lịch ở nước ngoài không thể về kịp để tham dự tang lễ. Tất cả đều lấy làm tiếc khi không thể đến chia buồn cùng gia đình.
Thế nhưng, vào ngay lúc này, phía tổ chức buổi lễ đã đưa ra một giải pháp: dịch vụ livestream đám tang. Toàn bộ buổi lễ được quay, phát trực tiếp trên trang web của nhà nguyện. Đường link để xem livestream được gửi đi rộng rãi đến tất cả người thân, bạn bè trong cáo phó.
"Chúng tôi không hề đắn đo chút nào. Mọi người chỉ muốn những người ở xa hoặc bị bệnh không thể tới được sẽ cùng gửi lời chia buồn qua màn hình. Tôi cảm thấy điều đó vẫn thật tốt", Levy nói.
Livestream đám tang ngày càng phát triển, không chỉ ở Mỹ mà còn các quốc gia khác. Giống gia đình Levy, nhiều người tin rằng đây là dịch vụ hữu ích đồng thời là xu hướng tất yếu trong thời đại công nghệ.
Tuy nhiên, số khác lại đặt câu hỏi về tính riêng tư và phải chăng cuộc sống của con người đang bị công nghệ chi phối quá nhiều.
Dịch vụ livestream đám tang nở rộ tại nhiều nước. Ảnh: ukfuneralvideoservices. |
Nghĩa trang kỹ thuật số
Chad Techner, đồng sở hữu nhà nguyện Ira Kaufman ở Southfield, Michigan, nơi cung cấp dịch vụ cho gia đình Levy, nói rằng nhu cầu livestream đám tang đã không ngừng tăng từ năm 2010.
"Trong tang lễ của người Do Thái, chúng tôi cố gắng làm nhanh nhất có thể và điều đó khiến mọi người gặp khó khăn hơn. Trong các phong tục khác, tang lễ có thể kéo dài một hoặc hai tuần. Nhưng ngay cả khi đó, thời gian và chi phí để mọi người từ khắp nơi bay về dự một đám tang không hề dễ dàng", ông Techner nói.
Nhà nguyện của Techner cung cấp dịch vụ livestream trong gần 10 năm nay. Trước đây, việc cài đặt máy móc khá đơn giản, chỉ với một camera ở bên trong nơi làm lễ, được kết nối với máy tính.
Tuy nhiên, nhu cầu nhanh chóng tăng lên. Hiện tại, nhà nguyện đã cung cấp thêm các dịch vụ livestream đám tang từ các đền thờ, các khu dân cư cao cấp hay thậm chí cả ở nghĩa trang.
Ông Techner cho biết khoảng 85% các gia đình đến làm đám tang tại nhà nguyện đều chọn sử dụng dịch vụ phát trực tiếp.
Nhiều người cảm thấy hài lòng với dịch vụ phát trực tiếp đám tang. Ảnh: hutchisonfuneralhome, ccansw. |
Gary Richards, người sáng lập OneRoom - công ty cung cấp dịch vụ livestream tang lễ ở New Zealand, Australia, Canada và Mỹ, nhận thấy rằng nhiều gia đình sử dụng dịch vụ là những người nhập cư mong muốn tìm cách kết nối với gia đình và bạn bè ở quê nhà.
Theo ông Richards, trước đây mọi người thường lưu trữ hình ảnh, video qua đĩa DVD hay USB. Tuy nhiên, các thiết bị này dễ bị hỏng hoặc mất. Những năm gần đây, công ty của ông gần như tạo một trang web tưởng niệm hay nghĩa trang kỹ thuật số cho các gia đình.
Theo Levy, việc livestream đám tang không chỉ giúp ích cho những người ở xa mà còn thuận lợi cho khách đến dự trực tiếp.
"Trong suốt buổi lễ, bạn sẽ không nhớ bất cứ thứ gì. Mọi người đều nói những điều tuyệt vời hay kể chuyện quá khứ nhưng bạn không thể nhớ được vì quá đau buồn", Levy nói.
Sau đám tang của mẹ, Levy và các thành viên trong gia đình đã cùng nhau xem lại video livestream. Điều này giúp cô nhớ về những điều tuyệt vời mẹ từng làm hay ký ức mà mọi người đã chia sẻ trong buổi lễ.
Livestream từ đám cưới đến đám tang, còn điều gì riêng tư?
Với Marlene Bass ở Florida, livestream là việc làm thiết yếu. Cô và chồng, Stuart, từng phát trực tiếp đám cưới của họ. Đó là kỷ niệm tuyệt vời mà cả hai sẽ không bao giờ quên.
Gần 10 năm sau, khi Stuart qua đời và được đưa về quê Michigan an táng, Bass cũng lần nữa đạt niềm tin vào dịch vụ livestream.
Bass biết rằng hầu hết bạn bè và những người thân yêu của họ ở Florida sẽ không thể đến tiễn biệt Stuart nên cô muốn tạo ra một cuộc chia tay đặc biệt.
"Giống với chúng tôi, nhiều người đã đi và có bạn bè ở khắp nơi trước khi mất. Công nghệ này sẽ thu hẹp khoảng cách giữa mọi người", Bass nói.
Các chuyên gia bày tỏ sự lo lắng về vấn đề riêng tư và quyền bảo mật hình ảnh khi livestream đám tang. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, khi tất cả các sự kiện trong đời, từ đám cưới đến đám tang, đều được phát trực tiếp, không ít người đặt câu hỏi liệu rằng cuộc sống chúng ta có đang bị công nghệ chi phối quá nhiều.
Theo Bryant Hightower, chủ tịch Hiệp hội Tang lễ quốc gia ở Mỹ, trong một nền văn hóa bị ám ảnh bởi Twitter hay Instagram ngày này, vẫn thật bất ngờ khi việc livestream có thể kéo dài đến khi con người đã nhắm mắt xuôi tay.
Bên cạnh đó, các chuyên gia còn bày tỏ sự lo lắng về vấn đề riêng tư và quyền bảo mật hình ảnh.
Ông Techner làm việc tại nhà nguyện Kaufman ở Ann Arbor, nói: "Các đoạn phát sóng trực tiếp hoàn toàn riêng tư. Những người muốn xem phải nhập mật khẩu mà hệ thống chỉ cung cấp cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, một số gia đình đã lựa chọn chế độ công khai, có nghĩa ai cũng có thể vào xem".
Chủ tịch của Hiệp hội Tang lễ quốc gia Bryant Hightower cho rằng không thể không lo lắng khi đau khổ, mất mát của cá nhân được chia sẻ trực tuyến.
"Một số gia đình miễn cưỡng sử dụng dịch vụ phát trực tiếp. Họ không thực sự mong muốn những lúc căng thẳng, đau buồn bị phơi bày trên mạng.
Trong lúc tang gia bối rối, chẳng ai có thể lường trước được hành động và cảm xúc của mình nên việc ném mọi thứ lên Internet là rất nguy hiểm", ông Hightower nói.