Tiền mùa giải 2016
SKT T1 bước vào mùa giải 2016 với một đội hình có khá nhiều thay đổi khi người đội trưởng của họ Jang “MaRin” Gyeong-Hwan cùng với Im “Tom” Jae-hyeon và Lee “Easyhoon” Ji-hoon rời đội. Bên cạnh những thông tin không tích cực, SKT T1 cũng đón nhận sự trở lại của nhà cựu vô địch thế giới Lee “PoohManDu” Jeong-hyeon trong một vai trò hoàn toàn mới là huấn luyện viên.
Các tân binh mới cũng đã đến và có những cái tên rất “máu mặt” là Lee “Duke” Ho-Seong hay siêu thực tập sinh Lee “Scout” Ye-chan. Một cái tên nữa chưa có nhiều tên tuổi là Kang “Blank” Sun-gu đã được bổ sung nhằm hướng tới việc thay thế Bae “bengi” Seong-ung trong tương lai.
Duke là một cái tên rất sáng giá đã được SKT T1 chiêu mộ trước mùa giải 2016
Giai đoạn đầu LCK Mùa xuân 2016
Mùa giải bắt đầu khá suôn sẻ cho SKT T1 khi họ hạ gục chóng vánh CJ Entus 2 – 0 trong trận mở màn. Sự hòa nhập rất nhanh của Duke cùng phong độ ổn định của các thành viên cũ đã khiến cho người hâm mộ SKT T1 khá yên tâm. Tuy nhiên, sóng gió đã nổi lên ngay ở trận thứ hai khi các tân binh được ra mắt. Blank và Scout trong trận đấu ra mắt tại LCK đã bị đè bẹp hoàn toàn bởi các thành viên lão làng của Jin Air. Faker và Bengi có mặt ở ván đấu sau nhưng cũng không thay đổi tình hình và trận đấu kết thúc với cách biệt lên tới 18 – 5.
Scout được kỳ vọng rất nhiều nhưng rốt cuộc không thể giành nổi một chiến thắng trong màu áo SKT T1
Sau 8 tuần thi đấu đầu tiên, SKT T1 chỉ giành được thành tích 5 – 4 và họ thậm chí còn để thua trước những đối thủ khá nhẹ ký như Longzhu Gaming.
Bước ngoặt IEM Katawice và Afreeca Freecs
Trong giai đoạn đang thất thế tại quê nhà, đội hình của SKT T1 lại được mời tới giải đấu IEM tổng Katowice với tư cách là đại diện của Hàn Quốc. Và dù phong độ tại LCK có yếu kém cỡ nào thì ra đấu trường quốc tế, SKT T1 vẫn là một đối trọng quá lớn với các đội tuyển khác. Giành chiến thắng tuyệt đối khi không để thua bất kì một ván đấu nào, SKT T1 giành danh hiệu IEM còn thiếu và trên hết là sự tự tin để trở lại với giải đấu khắc nghiệt nhất thế giới tại Hàn Quốc.
Trong tuần thi đấu đầu tiên sau khi trở về từ giải đấu IEM, SKT T1 đụng độ “khắc tinh” Afreeca Freecs và như thường lệ, SKT bị áp đảo hoàn toàn cho đến khi người đi rừng của Afreeca là Nam “lira” Tae-yoo sử dụng nụ cười khiêu khích. Hành động đó như kích hoạt sức mạnh tiềm ẩn của các thành viên SKT và từ đó, họ thi đấu như thể đây là trận đấu cuối cùng của bản thân vậy.
Hoàn tất bộ sưu tập danh hiệu
Tuy nói là được kích hoạt sức mạnh nhưng giai đoạn vòng bảng LCK mùa xuân 2016 của SKT T1 được đánh giá là thất bại khi họ chỉ về hạng 3 và thua ROX Tigers sau cả hai lượt trận. Thế nhưng khi bước vào vòng Playoffs loại trực tiếp, SKT T1 lại thể hiện một bộ mặt khác hẳn. Họ dễ dàng vượt qua Jin Air 3 – 1 trước khi nghiền nát đối thủ truyền kiếp KT Rolster 3 – 0 trong vòng 2 của Playoffs.
Bước vào trận chung kết với ROX Tigers, SKT T1 bị đánh giá thấp hơn do thành tích đối đầu tại vòng bảng cùng phong độ tuyệt vời của các thành viên Tigers như Smeb hay Peanut. Nhưng rồi đâu lại vào đó khi ROX Tigers dù rất nỗ lực nhưng cũng chỉ giành được một ván thắng danh dự trước khi nhìn các thành viên SKT T1 lần thứ ba trong lịch sử nâng cao chiếc cup vô địch trước mặt mình.
Với danh hiệu LCK đạt được, SKT T1 hiên ngang tiến tới MSI 2016 – danh hiệu duy nhất mà họ còn thiếu trong bộ sưu tập của mình. Không nằm ngoài dự đoán, MSI quả là một giải đấu khó khăn với SKT nhưng việc để thua quá nhiều khiến nhà đương kim vô địch thế giới và LCK chỉ xếp hạng 4/6 sau giai đoạn vòng bảng. Sự khó khăn cũng được chính các thành viên SKT chia sẻ khi Faker – người vô địch thế giới 2 lần nói rằng, đây là giải đấu tệ hại nhất trong sự nghiệp của anh; còn Blank – người đi rừng non trẻ của SKT thừa nhận rằng đã không dám lên các trang tin hay cộng đồng vì sợ đọc được những lời chỉ trích mình.
Sự khó khăn còn xảy ra ở trận bán kết khi Royal Never Give up đánh bại SKT T1 trong ván đấu đầu tiên với màn trình diễn siêu hạng của một nhà cựu vô địch thế giới khác – Looper. Và trong những giờ phút khó khăn nhất, các vị vua đã tự đứng dậy mà không cần bất kì một tác động nào. Ván thứ hai của trận bán kết chỉ diễn ra trong chưa đầy 24 phút. Và khi SKT T1 đã có trở lại sự tự tin, RNG không phải là đối thủ xứng tầm.
Đối thủ của SKT T1 trong trận chung kết MSI là CLG NA. Thực tế thì rõ ràng đại diện của Bắc Mỹ không thể nào đương cự lại SKT và kết quả 3 – 0 đã phản ánh rõ sự chêch lệch về đẳng cấp giữa hai khu vực. Chức vô địch MSI 2016 thuộc về SKT T1 và họ đã hoàn thiện bộ sưu tập các danh hiệu cao quý của mình
Gục ngã tại quê nhà
LCK Mùa hè 2016 diễn ra khá ổn với SKT T1 (ít nhất là so với giải mùa xuân cách đó mấy tháng). Họ kết thúc vòng bảng với thành tích 13 – 5 và xếp thứ hai. Điều khiến người hâm mộ SKT T1 khá yên tâm là những thất bại của họ chủ yếu đến từ các đối thủ quen thuộc như Jin Air hay Afreeca Freecs còn với những đối thủ trực tiếp như KT Rolster và ROX Tigers thì họ đều giành thắng lợi áp đảo trong cả hai lượt trận.
Phong độ của SKT T1 ở giải mùa hè khá là ổn định
Nhưng khi mà guồng quay của SKT T1 đang vận hành rất suôn sẻ thì bất ngờ trật khớp ở một nút thắt mà không ai ngờ tới – KT Rolster. Và kịch bản lại vô cùng quen thuộc với cả hai đội khi đội để thua trong hai ván đấu đầu tiên là đội sẽ giành chiến thắng chung cuộc. Sau 3 năm, cuối cùng KT Rolster đã trả được món nợ đã vay của SKT tại năm 2013 (dù sau đó cái kết của họ không tuyệt vời lắm) và lần đầu tiên kể từ mùa hè 2014, SKT T1 vắng mặt trong một trận chung kết LCK.
SKT T1 gục ngã giống y như KT Rolster của ba năm trước
Phong độ là nhất thời, đẳng cấp là mãi mãi
Sau thất bại tại vòng Playoffs LCK và không phải đánh vòng loại khu vực Hàn Quốc, SKT T1 đến với CKTG trong sự hoài nghi. Các chuyên gia đều nhận định rằng nhà vô địch LCK ROX Tigers mới là đội tuyển sáng giá nhất cho chức vô địch. Và thậm chí, ngôi sao lớn nhất của SKT là Faker chỉ được xếp hạng hai trong danh sách 20 tuyển thủ của LOL Esports.
Và rồi SKT T1 lại chiến thắng như hai lần tham dự trước đây dù lần này không hề dễ dàng. Họ vượt qua vòng bảng khá thuyết phục với chỉ duy nhất một thất bại. SKT T1 lần lượt vượt qua những đối thủ sừng sỏ như RNG, ROX Tigers hay Samsung để giành lấy chức vô địch. Đã không còn các chiến thắng 3 – 0 nữa mà thay vào đó là 3 – 1 hay thậm chí là 3 – 2 (trận bán kết với ROX Tigers). Mỗi chiến thắng đều là sự nỗ lực tập thể của các thành viên SKT nhưng dấu ấn lớn nhất nằm ở Kkoma khi huấn luyện viên tài năng này đã có những sự điều chỉnh về mặt nhân sự và chiến thuật hợp lý. Tuy vẫn còn đó những sai sót như giai đoạn cấm – chọn ván đấu thứ tư trận bán kết nhưng Bengi đã tỏa sáng kịp thời để khỏa lấp đi.
Lần thứ ba trong lịch sử và cũng là lần thứ hai liên tiếp, SKT T1 lên ngôi vị cao nhất của thế giới. Tuy khoảng cách về trình độ đang dần được thu hẹp và kĩ chiến thuật của các đội đang tăng lên từng ngày nhưng SKT vẫn chứng tỏ rằng, ngoài kĩ năng cá nhân xuất sắc, họ còn có một nền tảng tâm lý vững mạnh khi đánh càng lâu, họ càng thể hiện độ “già dơ” và “quái vật” của mình. Và hơn hết là mỗi cá nhân của họ đều rất quyết tâm trong từng trận đấu và khi cơ hội vẫn còn thì họ vẫn sẽ chiến đấu hết sức mình.
Hậu chung kết thế giới 2017
Sau khi vô địch thế giới, SKT tham dự giải đấu cuối cùng với những tân binh mới là Kim “Profit” Joon-hyung và Kim “TaeHoon” Tae-hoon. Và cũng như năm ngoái, SKT T1 lại lỡ hẹn với KeSPA Cup sau thất bại trước ROX Tigers. Nhưng điều này không quá quan trọng khi SKT T1 không đặt quá nhiều mục tiêu vào giải đấu này và mục đích chính vẫn là thử nghiệm các tân binh. Và sau khi giải đấu kết thúc, Profit với màn trình diễn của mình đã thuyết phục được ban lãnh đạo SKT và chính thức có tên trong đội hình.
Profit (ngoài cùng bên phải) và Taehoon (đứng giữa Bengi và Faker)
Những thay đổi về nhân sự cũng chính thức diễn ra khi Bengi, Duke và Poohmandu đã rời đội sau khi hết hạn hợp đồng. Và để thay thế cho các anh tài vừa rời đội, SKT đã bổ sung các tuyển thủ trẻ rất tài năng là Han “Peanut” Wang-ho, Seong “Huni” Hoon Heo và Kim “Sky” Ha-neul. Họ cũng có sự góp mặt của cựu huấn luyện viên của EDG Jung “RapidStar” Min-sung.
Một SKT vô cùng trẻ trung đã được hình thành
Bi Boyz