Việc chênh lệch thuế nhập khẩu xăng dầu có nguy cơ tiếp tục xuất hiện nếu Bộ Tài chính không xem xét kỹ lưỡng cách tính giá cơ sở xăng dầu hiện nay.
Lọc dầu Dung Quất lo ế hàng
Sau vụ việc “lỗ hổng thuế, DN xăng dầu hưởng lợi nghìn tỷ”, kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu hàng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau.
Theo đó, mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở xăng dầu áp dụng cho quý I/2016 là 18,08% với xăng và 0,6% đối với dầu.
Chỉ ít ngày sau khi Bộ Tài chính áp dụng, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn - đơn vị vận hành nhà máy lọc dầu Dung Quất - đã ký văn bản khẩn gửi Bộ Công Thương, Bộ Tài chính.
Với mức thuế tính giá cơ sở trên, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn cho hay, khi mua hàng của Lọc dầu Dung Quất, các khách hàng như Petrolimex, Pvoil, Saigon Petro,... đang bị áp mức thuế nhập khẩu đầu vào cao hơn, với mức thuế được tính bình quân gia quyền trong giá cơ sở, cụ thể là cao hơn 1,92% đối với xăng và 6,4% đối với dầu (thuế nhập khẩu áp dụng cho xăng của Dung Quất là 20%, dầu là 7% - PV)
“Do đó, việc mua hàng của lọc dầu Dung Quất sẽ không còn hiệu quả và cạnh tranh đối với khách hàng”, đơn vị vận hành lọc dầu Dung Quất khẳng định.
Theo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, chính sách thuế để tính giá cơ sở mới này càng tăng áp lực đối với các đầu mối theo hướng không hỗ trợ sản xuất trong nước, hay nói cách khác là ưu tiên nhập khẩu hàng theo các hiệp định thương mại tự do.
Chưa kể, sản phẩm của Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải chịu thuế nhập khẩu cao hơn sản phẩm nhập từ ASEAN, Hàn Quốc. Điều này có nghĩa, lọc dầu Dung Quất vừa chịu chênh lệch thuế đối với hàng nhập khẩu được ưu đãi đặc biệt trong các FTA, vừa bị áp mức thuế cao hơn so với thuế bình quân để tính giá cơ sở.
Ngày 24/3/2016, Petrolimex, PVOil, Saigon Petro, Petimex đã yêu cầu Lọc dầu Dung Quất từ ngày 1/4/2016 phải điều chỉnh giá bán hợp lý với lượng hàng đã thống nhất trong 6 tháng đầu năm 2016.
Ùn ùn nhập xăng Hàn Quốc hưởng ưu đãi
Từ 2016, thuế nhập khẩu xăng từ Hàn Quốc giảm còn 10%, chỉ bằng một nửa thuế nhập khẩu xăng từ ASEAN cũng như mua của Dung Quất. Cho nên, hàng loạt “ông lớn” xăng dầu đã chuyển hướng sang nhập từ Hàn Quốc để được hưởng ưu đãi theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc.
Cụ thể, từ đầu năm 2016, trung bình hàng tháng Petrolimex đã nhập khoảng 20.000-30.000 tấn xăng từ Hàn Quốc. Đồng thời, các DN khác như Saigon Petro, Thanh Lễ, Petimex cũng đã bắt đầu tìm kiếm mặt hàng xăng từ Hàn Quốc.
|
Giá cơ sở bị tăng lên, khi đó, giá bán lẻ cũng tăng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng |
Kể từ đầu quý II/2016, Bộ Tài chính bắt đầu áp dụng thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với diezel và 0% đối với dầu hỏa và madut.
Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, việc Bộ Tài chính dùng bình quân gia quyền áp cho DN vừa không đúng luật vừa không đúng thực tế.
Bởi vì khi áp dụng cách tính này, mức thuế nhập khẩu dùng để tính giá cơ sở với xăng là 18,35%. Trong khi đó, DN phải nhập xăng từ ASEAN với thuế suất 20%, và Hàn Quốc là 10%. Như vậy, mức thuế dùng tính giá cơ sở thấp hơn gần 1,7% mức thuế DN phải chịu khi nhập từ ASEAN và cao hơn 8,35% nếu nhập từ Hàn Quốc.
“Giá cơ sở bị tăng lên, khi đó, giá bán lẻ cũng tăng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng”, ông Ruệ phân tích. “Đó là bất cập, không đúng với thực tế, mặt nào đó không thực hiện đúng với Nghị định 83/NĐ-CP về cách tính giá cơ sở”.
Do đó, khi áp dụng cách tính giá bình quân gia quyền vẫn xảy ra sự chênh lệch thuế nhập khẩu và cũng không đúng với quy định trong Nghị định 83.
“Chúng tôi đang đề nghị không áp thuế bình quân gia quyền vì không có lợi gì cho người tiêu dùng, cũng không có lợi gì cho DN, chỉ có cái lợi là dễ quản lý”, ông Ruệ nói.
Ngoài ra, Bộ Tài chính còn lấy số liệu quý trước để tính bình quân gia quyền cho quý sau. Xăng dầu biến động liên tục, nếu lấy số liệu quý trước tính cho quý sau là không đúng thực tế.
Hiệp hội xăng dầu đề xuất đưa thuế nhập khẩu xăng dầu đồng loạt về 10% với xăng và 0% với mặt hàng dầu.“Như thế giá cơ sở xăng dầu thấp, người tiêu dùng được hưởng”, ông Ruệ nhấn mạnh.
Việc giảm thuế nhập khẩu sẽ làm làm giảm thu ngân sách, do đó hiệp hội cũng đề xuất tăng thuế nội địa, như thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường.
Lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng: Thuế nhập khẩu giảm thì thuế nội địa phải tăng lên. Hiện nay, thuế phí chiếm khoảng 49-51% giá bán xăng dầu. Nếu giảm thuế nhập khẩu, tăng thuế nội địa thì mức này vẫn có thể giữ nguyên, người tiêu dùng không bị thiệt hại gì cả.
Chuyên gia kinh tế TS Ngô Trí Long đánh giá những phân tích của Hiệp hội xăng dầu đưa ra là có cơ sở, nếu áp dụng thì cả người tiêu dùng và DN kinh doanh xăng dầu đều được lợi.
Ông Long cũng lưu ý, cần có các số liệu nhập khẩu từ các thị trường để có cơ sở đối chứng, tránh tình trạng tồn tại “vết xe đổ” chênh lệch thuế xăng dầu hàng nghìn tỷ như đã từng xảy ra, khiến người tiêu dùng bị thiệt hại.
Hà Duy