Dù nhiều nước thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thực hiện những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát dịch Covid-19, song ở một vài khịa cạnh, vẫn có những đối tượng được xem như ngoại lệ với những biện pháp trên.
Suốt nhiều tháng, các tổ bay ở một số nước không bị áp đặt các quy tắc kiểm dịch khắt khe như đối với du khách thông thường. Tuy nhiên, một số sai phạm của các nhân viên hàng không bị phát hiện vào năm ngoái đã đặt ra câu hỏi rằng: liệu đặc quyền này có đang gây ra những rủi ro tiềm ẩn hay không?
Các phi hành đoàn đang là "gót chân Asin" trong cuộc chiến với Covid-19?. Ảnh: LNP |
Bài học từ Đài Loan và Australia
Dù Đài Loan (Trung Quốc) là một trong những nơi phòng chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất, như cấm du khách nhập cảnh vào tháng 3 năm ngoái và cách ly 14 ngày đối với các trường hợp nhập cảnh, song thời gian cách ly đối với phi công tại đây chỉ là 3 ngày trong khi tiếp viên là 5 ngày.
Ngày 25/12 năm ngoái, nơi này ghi nhận ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng đầu tiên sau 250 ngày, với nguồn F0 được xác định đến từ một phi công 60 tuổi người New Zealand. Đến hôm 28/12, CDC Đài Loan mới ra thông báo rằng kể từ 1/1 năm nay, phi hành đoàn của các chuyến bay đường dài phải được cách ly 7 ngày, và phải được xét nghiệm âm tính trước khi được phép rời đi.
Những nơi khác như Hong Kong (Trung Quốc), New Zealand và Australia cũng cho phép các tổ bay được miễn trừ khỏi các chính sách kiểm dịch cứng rắn của họ. Ở bang New South Wales (Australia), các tổ bay nội địa được phép cách ly ngay tại nhà mình, trong khi các phi hành đoàn quốc tế được cách ly tại 1 trong khoảng 25 khách sạn được chính quyền bang chỉ định, và không bị cơ quan chức năng giám sát như những hành khách thông thường.
Nhưng một loạt sự cố vào cuối năm ngoái đã đặt ra nhiều nghi vấn về cách tiếp cận trên. Đầu tháng 12/2020, một lái xe chuyên đưa đón các tổ bay ở Sydney dương tính với Covid-19. Cuối tháng này, cảnh sát New South Wales đã phạt 13 thành viên một phi hành đoàn quốc tế mỗi người 760USD vì trốn cách ly. Ngay trước Giáng sinh, một thành viên phi hành đoàn của hãng hàng không Qantas đã nhiễm Covid-19, sau khi từ Paris (Pháp) hạ cánh xuống Darwin và lên tiếp một chuyến bay nội địa.
New South Wales giờ đây đã yêu cầu các phi hành đoàn quốc tế phải cách ly tại 2 khách sạn được chỉ định trong sân bay, dưới sự giám sát bởi cơ quan y tế và cảnh sát. Các phi hành đoàn nội địa vẫn được phép cách ly tại nhà, nhưng phải được xét nghiệm âm tính trước khi rời đi.
Đặc quyền của các tổ bay
Theo CNN, ngay cả khi một số nước có sự thắt chặt về quy định nhập cảnh, các tổ bay vẫn được đặc cách so với những du khách thông thường, thậm chí không phải cách ly.
Ở New Zealand, hầu hết các phi hành đoàn được miễn cách ly bắt buộc trong 14 ngày do tầm quan trọng của việc duy trì các tuyến hàng không quốc tế. Tại Hong Kong, phi hành đoàn không đi qua những vùng có nguy cơ cao, như Mỹ và Anh, có thể tự do đi lại nếu được xét nghiệm âm tính với Covid-19. Điều này dễ thở hơn rất nhiều nếu so với quy định cách ly 3 tuần đối với các du khách thông thường.
Một trong những lý do khiến các đội bay được đi lại dễ dàng hơn, là vai trò cần thiết của họ trong việc duy trì tần suất hoạt động liên tục của các chuyến bay. Giới chức Hong Kong từng nói rằng, việc miễn trừ là điều cần thiết để duy trì ổn định kinh tế- xã hội, và đảm bảo việc cung cấp các nhu cầu thiết yếu hàng ngày cho người dân không bị gián đoạn.
Một lý do khác nằm ở sức khỏe tinh thần của phi hành đoàn. Không giống như những hành khách thông thường chỉ phải ngồi máy bay từ 1 đến 2 chuyến, các nhân viên phi hành đoàn phải có mặt trên hầu như mọi chuyến bay. Điều đó có nghĩa là họ có thể bị cách ly cả tuần, hoặc thậm chí vài tháng
Một cơ trưởng giấu tên của hãng hàng không China Airlines tiết lộ, ước tính anh phải trải qua khoảng 50 ngày cách ly trong năm nay. Vị cơ trưởng này phải đi lại giữa Đài Bắc và Sydney mỗi tháng một lần, và mỗi lần như thế, anh lại bị cách ly 3 ngày ở mỗi điểm đến.
Lỗ hổng tiềm ẩn
Theo các chuyên gia y tế, việc miễn trừ cách ly cho các tổ bay đã tạo lỗ hổng tiềm ẩn để virus corona len lỏi vào những nơi tưởng như đã thành công trong việc ngăn chặn nó. Nhà dịch tễ học Mike Toole từ Viện nghiên cứu Burnet (Australia) cho rằng, nguy cơ truyền nhiễm virus corona từ phi hành đoàn cũng lớn không khác gì một hành khách nhập cảnh.
Tuy nhiên, giới chức Hiệp hội Vận tải Hàng Không Quốc tế (IATA) đã kêu gọi chính phủ các nước cho phép các tổ bay không tiếp xúc với công chúng được miễn trừ các yêu cầu kiểm dịch, để đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa có thể diễn ra liên tục. Tổ chức Hàng Không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cũng kêu gọi loại trừ các thành viên phi hành đoàn của các chuyến bay chở hàng ra khỏi diện bị cách ly.
Theo bà Lưu Phương, Tổng thư ký ICAO, nhu cầu trên “là cấp thiết để đảm bảo tính bền vững của chuỗi cung ứng hàng hóa hàng không toàn cầu, và duy trì sự sẵn có của các loại dược phẩm và thiết bị y tế quan trọng như máy thở, khẩu trang và các dụng cụ y tế khác giúp giảm sự lây lan của Covid-19".
Việt Anh
Các nước làm gì để chặn biến thể mới của virus corona?
Biến thể mới, dễ lây lan hơn của virus corona được phát hiện đầu tiên ở Anh đã khiến nhiều nước vội vã đóng cửa biên giới để chặn sự lây lan.
Trung Quốc lên tiếng vụ chưa cho phái đoàn WHO đến điều tra nguồn gốc Covid-19
Trung Quốc tuyên bố nhà chức trách y tế nước này chưa sẵn sàng đón đoàn chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đến điều tra nguồn gốc đại dịch Covid-19.