XEM CLIP:
Người dân dựng lên 2 lều trại, mang cả đồ ăn, thức uống và tụ tập từ sáng sớm đến chiều tối nhằm ngăn cản đơn vị thi công san lấp mặt bằng.
Dự án Lò đốt rác thải sinh hoạt tại xã Đại Nghĩa được UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt ngày 25/1/2018 theo hình thức đối tác công tư; được chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 15/11/2018.
Dự án do công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam làm chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư gần 100 tỷ đồng với tổng công suất xử lý rác 240 tấn/ngày, gồm 2 modul xử lý rác với công suất khoảng 5 tấn/giờ/modul và các hạng mục kèm khác.
Lo môi trường khói độc
Theo nhiều người dân, họ phản đối xây dựng nhà máy rác vì lo ngại khi đi vào hoạt động lò đốt rác sẽ gây ô nhiễm không khí, nguồn nước.
Người dân dựng lều phản đối xây dựng nhà máy rác |
"Cách đây nửa tháng, một nhóm công nhân bắt đầu đưa phương tiện, máy móc lên khu đất thuộc núi Sơn Gà và thực hiện việc san ủi để xây lò đốt rác. Sau khi phát hiện, hàng trăm người dân thôn Đại An đã kéo lên đây phản đối”, bà Nguyễn Thị Mai (SN 1967, trú thôn Đại An) nói.
Lý do phản ứng theo bà Mai, lò đốt rác chỉ cách khu dân cư và ruộng lúa sản xuất của người dân chỉ 300m. Khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ xả ra môi trường khối lượng lớn khói độc hại.
"Ngoài ra, nguồn nước thải từ nhà máy rác sẽ ảnh hưởng quá trình sản xuất lúa và nguồn nước ngầm của chúng tôi" - bà Mai băn khoăn.
Người dân tập trung phản đối xây dựng nhà máy đốt rác Đại Nghĩa |
“Người dân thôn Đại An chúng tôi đồng lòng để phản đối xây dựng lò đốt rác này”, bà Mai nói thêm.
Bà Lê Thị Mánh (SN 1949) cho hay, nếu không phản đối sau này khi nhà máy rác đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng nguồn nước sản xuất 300ha lúa của thôn Đại An.
“Nhà máy đi vào hoạt động thì con cháu chúng tôi lại sống chung với môi trường độc hại phát ra từ nhà máy. Chúng tôi sẽ phản đối đến khi chính quyền đưa nhà máy đi xây dựng tại khu vực khác”, bà Mánh bức xúc.
Người dân mang đồ ăn, thức uống lên dựng trại phản đối. Ảnh chụp chiều 13/8 |
Phó chủ tịch Quảng Nam: Người dân ít hiểu về công nghệ đốt rác
Chiều qua, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở TN&MT TP Đà Nẵng đã có kết luận vị trí xây dựng lò đốt rác Đại Nghĩa không ảnh hưởng đến nguồn nước sông Yên.
Theo ông, toàn bộ các hạng mục công trình của dự án nhà máy xử lý rác Đại Nghĩa được khép kín trong khuôn viên nhà máy, cách ly với môi trường bên ngoài.
Phía ngoài tường rào có rãnh thu nước để toàn bộ nước bên ngoài không chảy vào khu vực nhà máy. Rác thải được vận chuyển về đây sẽ đưa vào tập trung trong bể bằng bê tông thuộc khu nhà chứa khép kín rộng 3.168m2.
Trước sự phản đối của người dân, đơn vị thi công đã dừng san lấp |
Ngoài ra, công trình này còn có hệ thống thu gom khí tại bể chứa để dẫn về lò đốt, bổ sung không khí cho quá trình đốt theo chu trình khép kín. Vì vậy, ngay trong nhà máy cũng gần như không có mùi. Hơi nóng của lò đốt sẽ được tận dụng để sấy khô rác.
“Trước khi xây dựng lò đốt, chúng tôi đã từng tổ chức họp dân để giải thích để bà con hiểu về công nghệ đốt rác và vị trí xây dựng lò đốt. Trước đó, đoàn công tác của tỉnh, huyện và 5 hộ dân sống gần vị trí xây dựng lò đốt rác đã đi tham quan để tìm hiểu công nghệ đốt rác tại một số tỉnh thành. Công nghệ đốt rác này tối ưu, khá phù hợp vì ít gây ảnh hưởng cho môi trường”, ông Thanh chia sẻ.
Ông Thanh cho rằng, việc người dân tập trung phản đối một phần ít hiểu về công nghệ đốt rác, phần bị kích động của nhiều đối tượng xấu.
“Ban Thường vụ và tôi vừa ra văn bản yêu cầu phía UBND huyện Đại Lộc trong tuần này tổ chức họp dân. Qua đó thông tin, giải thích cho người dân hiểu về công nghệ đốt rác và vị trí xây dựng nhà máy.
Ngoài ra, tại buổi họp dân, chủ đầu tư phải ký cam kết bằng văn bản trong quá trình xây dựng và hoạt động không gây ô nhiễm ra ngoài môi trường”, ông Thanh cho hay.
Lê Bằng
‘Chi 150 tỷ lấy nước sông Hồng làm sạch Tô Lịch khác nào trò chơi’
Theo chuyên gia, việc lấy nước sông Hồng làm sạch sông Tô Lịch có thể làm được nhưng không mang tính chất khoa học và căn cơ, giải pháp chỉ như một trò chơi.