Thời gian qua, Sở Xây dựng các địa phương đã tích cực nghiên cứu, lồng ghép tối đa các nội dung về chuyển đổi số trong các chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch phát triển.

Theo kế hoạch, chuyển đổi số phải được thực hiện một cách tổng thể, có lộ trình phù hợp, tiến tới toàn diện và đồng bộ trong mọi lĩnh vực của ngành xây dựng; xác định phục vụ người dân, doanh nghiệp; thực hiện hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước là trung tâm của chuyển đổi số.

Kế hoạch xác định nguồn nhân lực là yếu tố quyết định thành công của chuyển đổi số; thực hiện các giải pháp toàn diện để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số.

Tại Bắc Kạn, để tập trung nguồn lực cho nhiệm vụ chuyển đổi số, Sở Xây dựng Bắc Kạn đã ưu tiên 6 nhóm lĩnh vực để tập trung triển khai là xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa các thủ tục hành chính còn hiệu lực, dữ liệu, đơn giá, chỉ số giá… phục vụ quản lý Nhà nước của Sở Xây dựng cũng như các cơ quan quản lý về xây dựng ở cả ba cấp tỉnh, huyện xã. 

Cùng với đó, Bắc Kạn ưu tiên lĩnh vực xây dựng Chính quyền điện tử ngành xây dựng; các hoạt động liên quan đến công tác tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra, thẩm định, thi công xây lắp, nghiệm thu công trình; sản xuất vật liệu xây dựng; phát triển đô thị hướng tới chính quyền đô thị thông minh, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị; quản lý nhà ở, công sở và thị trường bất động sản.

W-hanh-chinh-cong-bac-can-1.jpg
Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Kạn.

Ngành xây dựng tỉnh Bắc Kạn hướng đến mục tiêu có được hệ cơ sở dữ liệu số đồng bộ, phục vụ công tác chỉ đạo điều hành trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước được tỉnh giao. Chuyển đổi số của ngành sẽ mang lại những tiện ích mới trong cung cấp dịch vụ công, tra cứu thông tin về quy hoạch, bất động sản, dự án đầu tư của tỉnh đã, đang và sắp hình thành, cơ hội đầu tư minh bạch cho các nhà đầu tư, thông tin được tra cứu mọi lúc mọi nơi trên các thiết bị di động có kết nối internet, các thông tin được cung cấp dưới dạng mô hình 3D và kết hợp một số tiện ích như: điện toán đám mây, internet vạn vật, hợp đồng thông minh trong xây dựng... giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 hoàn toàn trên internet.

Trong tương lai gần, mọi hồ sơ thẩm định chỉ cần gửi bản điện tử có ký số sẽ được giải quyết hoàn toàn trên mạng; thông tin quy hoạch áp dụng công nghệ số thông tin địa lý (GIS); Dự án đầu tư xây dựng, giao thông, công nghiệp … có tính chất xây dựng được mô hình hóa thông tin công trình (BIM)… là những ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi số của ngành xây dựng Bắc Kạn.

Trong khi đó, tại Nam Định, Sở Xây dựng đã áp dụng hiệu quả phần mềm dịch vụ hành chính công - một cửa điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015, phủ kín các quy trình giải quyết TTHC trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về xây dựng. 

Sở đã chú trọng nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Cùng với đó, Sở cũng duy trì, nâng cấp các phần mềm dùng chung trong hoạt động của các cơ quan, đơn vị trực thuộc; sử dụng các phần mềm: Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống báo cáo cấp tỉnh/Chính phủ, báo cáo chỉ tiêu thống kê, Cổng cung cấp dịch vụ công trực tuyến và hòm thư công vụ trong trao đổi thông tin, quản lý công văn, văn bản và hồ sơ công việc, thực hiện ký số điện tử trên mạng máy tính trong và ngoài cơ quan.

Sở Xây dựng đã hoàn thành hợp nhất Cổng Dịch vụ công và Hệ thống một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh; hoàn thành kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh với Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Sở Xây dựng tỉnh Nam Định cũng tích cực triển khai mở rộng việc tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC theo hướng không phụ thuộc địa giới hành chính qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông".

Sở Xây dựng đã tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh công bố 56 TTHC các lĩnh vực thuộc ngành. 

Sở cũng chủ động đổi mới việc giám sát, đánh giá chất lượng giải quyết TTHC theo thời gian thực trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới với 100% số TTHC đã được tiếp nhận, giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết trực tuyến của tỉnh; 100% số TTHC đã ban hành quy trình nội bộ, quy trình điện tử; công khai hồ sơ TTHC trong quá trình tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ trên Cổng dịch vụ công quốc gia để theo dõi, giám sát, đánh giá trên tổng số hồ sơ tiếp nhận, giải quyết. 

W-nganh-xay-dung-lam-dong-3.jpg
Ông Lê Quang Trung – Giám đốc Sở Xây dựng và ông Trần Thanh Nam – Giám đốc VNPT Lâm Đồng thực hiện ký kết thỏa thuận hợp tác (ảnh: Báo Lâm Đồng)

Tại Lâm Đồng, Sở Xây dựng Lâm Đồng đã ký kết với VNPT Lâm Đồng thỏa thuận hợp tác chuyển đổi số. Trong giai đoạn đến năm 2025, tập trung hợp tác triển khai các nội dung trọng tâm như xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành xây dựng (CSDL về nhà ở, công sở, các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội được cấp phép hàng năm; giá vật liệu xây dựng được công bố, đơn giá, định mức xây dựng... thông tin về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh; các tổ chức, cá nhân dược cấp chứng chỉ năng lực hành nghề xây dựng).

Xây dựng cơ sở dữ liệu về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và hạ tầng kỹ thuật để quản lý và công khai trên Cổng thông tin quy hoạch của Sở; tiếp tục xây dựng và triển khai thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu đô thị liên thông trên nền GIS phục vụ công tác quản lý đô thị trên địa bàn tỉnh.

Hai bên hợp tác tư vấn, giới thiệu, đề xuất các giải pháp công nghệ tiên tiến, mô hình đô thị thông minh và các nền tảng chuyển đổi số phục vụ ngành xây dựng.

Tại Khánh Hòa, Sở Xây dựng hướng đến mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Sở Xây dựng theo hướng xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, góp phần phát triển kinh tế số, xã hội số, đưa tỉnh Khánh Hòa trở thành một trong 25 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số.

Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2025, 100% thủ tục hành chính mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng được cung cấp trên nhiều phương tiện truy cập khác nhau (bao gồm cả thiết bị di động); 90% hồ sơ công việc (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước) được xử lý trên môi trường mạng; 50% hoạt động thanh kiểm tra được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.

Sở Xây dựng Khánh Hòa cũng phấn đấu đến năm 2030, 100% thủ tục hành chính mức độ 4 thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Xây dựng được cung cấp trên cơ sở khai thác kho dữ liệu trực tuyến dung chung của tỉnh; 70% hoạt động thanh kiểm tra được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý.