Vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam trong 3 tháng đầu năm tăng mạnh. Vài năm trước, Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu từ nước này sẽ tuồn về Việt Nam.
Vốn Trung Quốc tăng mạnh
Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), vốn FDI của Trung Quốc (không tính Đài Loan, Hồng Kông) vào Việt Nam tăng mạnh trong những tháng đầu năm 2017.
Cụ thể, quý I/2017 Trung Quốc đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là gần 824 triệu USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư, xếp sau Hàn Quốc, Singapore. Tuy nhiên, nếu chỉ tính các dự án được cấp phép mới thì Trung Quốc đứng vị trí thứ 2.
Vốn đầu tư Trung Quốc vào Việt Nam tăng mạnh. |
Trong khi đó, cả năm 2016 vốn FDI của Trung Quốc vào Việt Nam chỉ ở mức 1,8 tỷ USD. Như vậy, chỉ 3 tháng đầu năm vốn Trung Quốc đổ vào Việt Nam đã bằng một nửa năm 2016.
Tháng trước, Trung Quốc cũng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 721 triệu USD, chiếm 21% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng các dự án được cấp phép mới trong hai tháng đầu năm 2017 thì Trung Quốc vươn lên là nhà đầu tư số 1 ở Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 600 triệu USD.
Việc Trung Quốc liên tục có mặt trong top 3 các nhà đầu tư vào Việt Nam không phải là chuyện quá lạ. Những năm trước đây, vốn FDI Trung Quốc cũng thường có mặt trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Vị trí cao nhất của Trung Quốc trong các nhà đầu tư vào Việt Nam là đứng thứ 4 vào 2016 và thấp nhất là đứng thứ 10 vaf0 2015.
Các năm gần đây, vốn đầu tư của Trung Quốc rót vào Việt Nam thường được nhận định là để đón đầu cơ hội của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhưng nay số phận TPP rất mong manh khi Mỹ rút khỏi hiệp định này, thì việc Trung Quốc tiếp tục đầu tư vào Việt Nam khiến nhiều người băn khoăn.
Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho hay: Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam có xu hướng tăng lên do hiện nước này đang thừa vốn và sẽ thúc đẩy đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó, quan hệ của Việt Nam với các nước như Mỹ, Nhật Bản,... cũng khiến Trung Quốc phải tính toán, do đó chính sách kinh tế sẽ có thay đổi.
Trung Quốc đang dư thừa nhiều sản phẩm nên muốn đẩy đầu tư sang các nước. |
Sợ nhất là ô nhiễm môi trường
Trước việc dòng vốn đầu tư Trung Quốc gia tăng ở Việt Nam, các chuyên gia cho rằng Việt Nam không từ chối hay phân biệt đối xử với luồng vốn nào, nhưng cần có cách ứng xử phù hợp để hạn chế thấp nhất các ảnh hưởng tiêu cực.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Đăng Doanh cho rằng: Nhiều sản phẩm của Trung Quốc đối mặt dư thừa công suất, có tình trạng chuyển sang Việt Nam đầu tư. Cho nên, việc nguồn vốn FDI Trung Quốc dồn dập tăng không phải là dấu hiệu môi trường đầu tư của Việt Nam tốt hơn và chưa chắc đãcó lợi
“Những vấn đề về môi trường, giá điện haycác vấn đề khác chúng ta cần phải xem xét, tránh việc phải hứng công nghệ cũ họ thải ra”, TS Lê Đăng Doanh lưu ý.
Ông Doanh lưu ý: "Tôi rất mong việc cấp phép đầu tư nước ngoài cần có sự chọn lọc, giám sát và đảm bảo chất lượng hơn, tránh việc chạy theo số lượng một chiều".
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cũng đánh giá tiếp thu vốn của Trung Quốc là điều “cần lưu tâm về mặt môi trường”.
“Tỷ trọng nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc ngày càng tăng, nếu năm 2005 tỷ lệ nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ khoảng 16%, thì đến năm 2015 tỷ lệ này đã lên 30%, trong đó hơn 90% lượng nhập khẩu là cho sản xuất (khoảng 60% là nguyên vật liệu đầu vào và hơn 30% là máy móc thiết bị). Như vậy, có thể thấy công nghệ của Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc, điều này không chỉ làm thâm hụt thương mại mà còn dẫn đến nguy cơ nhập khẩu “ô nhiễm” nếu không chọn lọc kỹ càng”, TS Bùi Trinh phân tích.
Tính toán nhu cầu về năng lượng cho một đơn vị tăng lên của sản phẩm cuối cùng, TS Bùi Trinh thấy rằng: Lượng phát thải CO2 bình quân cho một đơn vị sản phẩm cuối cùng của Trung Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 26%. Hầu hết các ngành Trung Quốc có lượng phát thải CO2 cao hơn Việt Nam, trừ ngành xây dựng. Do vậy, khi thu hút FDI Trung Quốc trong hầu hết các ngành, cần phải kiểm tra quy trình xử lý chất thải nghiêm ngặt.
“Môi trường là vấn đề phải quan tâm nhất”, TS Bùi Trinh khẳng định. “Năm 2012 Trung Quốc đã thay đổi quy trình công nghệ để môi trường sạch hơn trong khi Việt Nam không có nhiều thay đổi. Điều này dẫn đến nguy cơ công nghệ lạc hậu sẽ đưa về Việt Nam, dẫn đến lượng chất thải trên một đơn vị sản phẩm ở Việt Nam tăng cao ở mức đáng lo ngại”.
Lương Bằng