Giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà xã Thụy Liêu (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) đang tập trung thực hiện. Bên cạnh việc hỗ trợ người dân về vốn, kỹ thuật sản xuất, địa phương này đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông, coi đây là "chìa khóa" để xóa đói giảm nghèo hiệu quả.
10 cụm loa phủ sóng khắp 6/6 khu dân cư
Nghèo về thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, kinh tế - xã hội. UBND xã Thụy Liễu đã tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân về công tác giảm nghèo nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo chị Nguyễn Thị Thúy, phát thanh viên xã Thụy Liêu: "Đều đặn hằng ngày, hệ thống loa truyền thanh xã sẽ tiếp sóng của Trung tâm Văn hoá thể thao du lịch và truyền thông huyện trong khung giờ 6-6h30 và 17-18h. Những bản tin của xã sẽ được phát trước và sau khi tiếp sóng của huyện. Trong các bản tin của địa phương, nhiều tin, bài tuyên truyền các nội dung về chương trình giảm nghèo, phát triển kinh tế, mô hình sản xuất, những tấm gương vượt khó thoát nghèo...".
Hệ thống loa truyền thanh với 10 cụm loa phủ sóng khắp 6/6 khu dân cư đã trở thành kênh thông tin quan trọng, thiết thực, đưa những thông tin về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với 1.285 hộ dân trên địa bàn xã, góp phần nâng cao nhận thức của người dân, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo bền vững.
Một người dân xã Thụy Liêu chia sẻ: "Trước đây, gia đình tôi không biết nhiều về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Từ khi có loa truyền thanh, tôi được nghe thông tin thường xuyên, hiểu rõ hơn về các chương trình hỗ trợ, từ đó mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ vậy, kinh tế gia đình tôi ngày càng khá hơn."
Không chỉ tuyên truyền về chủ trương, chính sách, loa truyền thanh còn là kênh phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất cho bà con nông dân. Các chương trình tư vấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh,... được phát sóng thường xuyên, giúp người dân nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất.
Kết hợp truyền thông đa phương tiện
Bên cạnh loa truyền thanh, xã Thụy Liêu cũng chú trọng phát triển các kênh thông tin khác như Zalo, Facebook,... để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông. Hiện nay, 60% số hộ ở các khu đã thực hiện kết nối vào nhóm Zalo để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác. Công an xã duy trì nhóm Zalo cộng đồng với gần 1.000 thành viên thường xuyên truyền tải các thông tin về an toàn giao thông, an ninh trật tự ở cơ sở.
Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng, thuận tiện, phù hợp với nhu cầu, điều kiện của từng đối tượng.
Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giảm nghèo, xã Thụy Liêu đã phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị. Các ban, ngành, đoàn thể từ xã đến thôn, xóm đều tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Đội ngũ cán bộ, công chức xã thường xuyên đến từng hộ gia đình, đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo để nắm bắt tình hình, tư vấn, hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ.
Nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông giảm nghèo ở xã Thụy Liêu đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân, tạo động lực để họ vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác truyền thông giảm nghèo ở Thụy Liêu vẫn còn một số hạn chế như: nội dung tuyên truyền đôi khi chưa thực sự hấp dẫn, chưa sát với nhu cầu của người dân; việc ứng dụng công nghệ thông tin ở một số khu dân cư còn hạn chế...