Chị Hà, một đầu mối bán hàng đặc sản miền cao nhiều năm ở Thanh Xuân, Hà Nộ cho biết chanh yên rừng rất hiếm gặp, sản lượng cũng không có nhiều nên chị rao bán tới đâu là khách đặt mua hết tới đó.
Chanh yên, hay còn gọi thanh yên, là loại trái cây thuộc chi cam canh, tên khoa học là Citron. Chúng là loài cây bản địa ở Myanmar, Ấn Độ và một số nước vùng Địa Trung Hải. Tại Việt Nam, chanh yên phổ biến trên toàn quốc nhưng tập trung nhiều nhất là ở Lạng Sơn, Lào Cai, Lâm Đồng, các tỉnh Tây Nguyên.
Quả chanh yên có kích thước khá to, khoảng từ 12-20cm. Khi chín, quả chuyển dần sang vàng. Vỏ quả sần sùi, dày, thơm thoang thoảng.
Chanh yên rừng rất hiếm quả nhỏ chỉ bằng nắm tay người lớn |
Vì đã được nhân giống trồng đại trà nên có thể nói, chanh yên không còn xa lạ với nhiều người. Tuy nhiên, với chanh yên rừng, không phải ai cũng đã nhìn thấy và sử dụng chúng, bởi chanh yên rừng mọc hoang ở vùng núi cao, rất hiếm, hầu như chỉ người dân ở đó mới biết.
Chị Hà có quê gốc ở Lào Cai nên từ nhỏ chị đã biết tới chanh yên rừng. Loại quả này rất hiếm gặp vì chúng mọc ở trong những bản làng xa xôi. Thường thì tháng 6, cây bắt đầu ra hoa. Hoa của chanh yên rừng cũng có màu trắng pha tím giống như chanh yên, nhưng mùi thơm hơn.
Đầu tháng 7, chanh yên rừng bắt đầu đậu quả. Vì là cây mọc tự nhiên, hoang dại, không được chăm tưới nên kích cỡ quả của chanh yên rừng rất nhỏ. Nếu chanh yên trồng đại trà có kích cỡ trung bình (12-20) x (8-12) cm, thì chanh yên rừng chỉ nhỏ như quả trứng vịt hoặc bằng nắm tay người lớn, vỏ xù xì hơn, lúc chín vỏ chuyển sang màu vàng sậm, nhiều quả bị rám vàng.
Tuy nhiên, theo chị Hà, tuy chanh yên rừng kích cỡ quả nhỏ, hình thức xấu xi nhưng tác dụng dược lý của chúng lại cao hơn chanh yên rất nhiều bởi hàm lượng lượng tinh dầu cao vượt trội, gấp nhiều lần chanh yên trồng dưới xuôi, mùi thơm cũng đậm và rất bền.
Giá chanh yên rừng đắt gấp 3 những giống chanh khác |
Cùng với công dụng dược lý cao hơn, lại hiếm có, không phải năm nào cây cũng ra quả nên chanh yên rừng có giá khá cao, giá trung bình dao động từ 75.000-90.000 đồng/kg, gấp khoảng 3 lần giá các loại chanh khác tùy thời điểm.
“Để có chanh yên rừng bán, mình phải gom từ rất nhiều đầu mối. Chủ yếu là mình nhờ người nhà trên miền cao đi sâu vào trong các bản đặt mua của bà con, hoặc tới chợ phiên để lùng mua nhưng cũng thi thoảng mới có. Mỗi lần, cũng chỉ thu mua được khoảng 20 tới 25kg. Mình rao trên trang cá nhân khoảng vài tiếng là hết", chị Hà nói.
Ngoài mua về làm thuốc chữa bệnh, chị em còn mua chanh yên về làm đẹp như ép tinh dầu dưỡng tóc, dưỡng da đồng thời chanh yên rừng tính sát khuẩn cao trị mụn tốt. Nước uống chanh yên có tính khử độc, lọc gan. Những món bánh, kem, cocktail,... dùng tinh dầu chanh yên hay mứt chanh yên để pha chế, chế biến thì sẽ có hương vị thực sự đặc biệt.
Chanh rừng có tác dụng chữa ho, làm đẹp |
Chị Thung ở xã Na Hối, Bắc Hà (Lào Cai) kể: Chanh yên rừng rất hiếm, sản lượng cũng thấp không giống chanh yên trồng. Một cây, một mùa có khi chỉ ra được vài trái, có năm không đậu quả.
Trước đây, người dân quê chị hay hái chanh yên rừng về thái lấy vỏ để đun nước gội đầu vì vỏ có chanh nhiều tinh dầu, gội xong tóc thơm, đen bóng lại mượt. Nếu có nhiều thì thái lát mỏng ướp đường phèn chữa ho dùng trong cả năm. Giờ nhiều thương lái hỏi mua, tới mùa người dân trong bản lại đi tìm hái, thu gom bán với giá 70.000 đồng/kg.
Một mùa, chị Thung hái được từ 20-30kg, thu về khoảng 2 triệu.
Là người quen dùng chanh yên rừng, chị Hương ở Đống Đa, Hà Nội, cho hay, cách đây 3 năm, chị được một người bạn ở miền cao tặng 2kg chanh yên rừng. Người bạn ấy hướng dẫn chị thái lát mỏng, ngâm đường phèn, mật ong để chữa ho cho trẻ con rất hiệu quả. Từ đó, năm nào tới mùa chị cũng đặt mua 5kg, có năm mua được, có năm không.
Thu Giang
Hàng nghìn tấn chanh thương phẩm tắc đầu ra do dịch Covid-19
Tại các xã tâm điểm dịch Covid-19 của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, giá chanh chỉ còn ở mức 1.000-1.500 đồng/kg nhưng vẫn khó tiêu thụ vì các chốt kiểm dịch.