Đá lapis lazuli còn được gọi là đá lapis, ngọc lưu ly, đá thiên thanh có lịch sử hơn 9.000 năm. Trong tiếng Latin, lapis có nghĩa là “đá” và lazuli mang ý nghĩa “bầu trời” hoặc “thiên đường”.
Loại đá này được tìm thấy đầu tiên ở Bhirrana (Nam Á). Trong nhiều thế kỷ, lapis được khai thác chủ yếu ở Afghanistan. Các mỏ lớn khác nằm ở dãy Andes thuộc Chile và hồ Baikal của Siberia, Nga. Tuy nhiên, đá lapis ở Afghanistan vẫn được đánh giá tốt nhất do hàm lượng lazurite cao. Đây là khoáng chất tạo màu xanh lam sẫm cho đá.
Theo Daily Art, người Ai Cập bị lapis mê hoặc không chỉ vì vẻ đẹp mà còn bởi niềm tin viên đá sẽ dẫn dắt linh hồn đến sự bất tử và kích thích sức mạnh tinh thần. Nhiều người sử dụng loại đá này làm bùa hộ mệnh, đồ trang trí.
Từ thế kỷ thứ 6-7, đá lapis được dùng làm chất màu trong các bức tranh hang động ở Afghanistan và các ngôi chùa. Màu vẽ đặc biệt đó xuất hiện trong hội họa Trung Quốc vào thế kỷ 10-11 và các bản in khắc gỗ Nhật tới đầu thế kỷ 20.
Tới thế kỷ 12, các nước phương Tây mới bắt đầu sử dụng phổ biến màu xanh từ đá lapis trong nghệ thuật. Trong một số bức tranh, họa sĩ vẽ Đức mẹ Maria mặc trang phục màu xanh dương thể hiện nỗi đau buồn. Bột màu được trộn với chất kết dính, thường là lòng đỏ trứng. Tuy nhiên, chất màu quá hiếm và giá thành cao ngất ngưởng nên chỉ những họa sĩ có người bảo trợ giàu mới dám sử dụng.
Khi đó, đá lapis được nhập khẩu vào châu Âu nhưng ngay cả những họa sĩ danh tiếng như Titian cũng chỉ dám sử dụng màu xanh dương một cách tiết kiệm, dành cho yếu tố quan trọng nhất trong tranh. Ngoại lệ hiếm hoi là bức Thần rượu nho và nàng Ariadne, màu xanh xuất hiện nhiều, do có nhà bảo trợ là Công tước xứ Ferrara.
Các danh họa khác cũng mê đắm màu xanh từ đá lapis. Bức tranh Đức mẹ Đồng trinh trong hang đá của Leonardo da Vinci là ví dụ hoàn hảo về hiệu ứng tuyệt đẹp mà màu xanh dương có thể tạo ra trên toàn bộ tác phẩm nghệ thuật.
Một số nguồn tin cho rằng Michelangelo đã đặt hàng số lượng lớn đá lapis cho bức bích họa Sự phán xét cuối cùng ở nhà nguyện Sistine (Italy). Tuy nhiên, ước nguyện đó không thành.
Trong thế kỷ 17 và 18, việc sử dụng màu xanh dương trở nên phổ biến hơn, nổi tiếng nhất là danh họa người Hà Lan Johannes Vermeer. Người ta nói rằng Vermeer rơi vào khó khăn tài chính do niềm yêu thích với màu xanh dương từ đá lapis, ông mê mệt khả năng phản chiếu ánh sáng của chất liệu này.
Vermeer đã sử dụng màu xanh đó trong mọi bức tranh, không chỉ ở những đồ vật có màu đậm mà còn ở phần rèm trắng, bình gốm, đá cẩm thạch, tán lá xanh, bức tường quét vôi trắng, thậm chí cả chiếc váy màu cam rực rỡ trong bức Ly rượu.
Tới thế kỷ 19, chất màu làm từ đá lapis vẫn rất đắt đỏ và không phải ai cũng có cơ hội tiếp cận. Bởi vậy, Hiệp hội Phát triển công nghiệp quốc gia Pháp đã treo thưởng 6.000 franc cho ai tìm ra công thức pha chế màu xanh dương tổng hợp với chi phí phải chăng.
Sau 4 năm, giải thưởng được trao cho nhà hóa học người Pháp Jean-Baptiste Guimet. Tuy nhiên, vì các hạt sắc tố rất đồng đều và phản chiếu ánh sáng tương tự nhau, hình ảnh thu được đơn điệu, thiếu chiều sâu thu hút.
Tháng 5/1960, nghệ sĩ người Pháp Yves Klein đã sáng chế ra màu xanh đậm tương tự màu từ đá lapis và đặt tên là IKB.
Kể từ đó, màu xanh dương tự nhiên hiếm khi được sử dụng để vẽ tranh mà chủ yếu dùng trong phục chế, chẳng hạn như bức tranh Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai của Vermeer.