Tôm hùm đất Trung Quốc
Tôm hùm đất Trung Quốc đang ồ ạt tràn sang nước ta, được mọi người coi là một loại đặc sản nổi tiếng thơm ngon. Hiện nó gây sốt trên thị trường với giá khá rẻ, chỉ dao động ở mức 200.000-230.000 nếu mua sỉ, còn mua lẻ giá dao động khoảng 350.000-400.000 đồng/kg.
Song, các chuyên gia trong ngành nông nghiệp cho biết, chúng là loại sinh vật ngoại lai cực kỳ nguy hiểm. Ở nước ta tôm hùm đất là hàng cấm. Đặc tính tôm hùm đất sống bò đáy, thích đào hang, ưa tối, chuyên hoạt động về đêm.
Chúng có thể đào hang trú ẩn sâu 100-200cm, có thể sống được cả ở dưới nước lẫn trên cạn và chịu được nhiệt độ 0-37 độ C. Thức ăn chủ yếu của loại tôm này là mùn bã hữu cơ, ngũ cốc, khô đậu, rau quả, cỏ non, rong cỏ nước, tảo sống bám, côn trùng, sinh vật đáy cỡ nhỏ, xác động vật, thức ăn chế biến...
Tôm hùm đất Trung Quốc |
Đáng chú ý, loại tôm này có thể phá hại lúa, kênh mương, tiêu diệt tôm bản địa, vừa có thể là nguồn gây bệnh cho các loài sinh vật kể cả người.
Ốc bươu vàng
Với nhiều người, ốc bươu vàng cũng là một đặc sản, chế biến được thành rất nhiều món ăn khác nhau. Thế nhưng, với người nông dân ở nước ta, ốc bươu vàng lại là nỗi khiếp sợ.
Loại ốc này có nguồn gốc từ Nam Mỹ, sống trong các vùng đầm lầy. Chúng du nhập vào nước ta từ trước năm 1975. Ốc bươu vàng được xác định là ký chủ trung gian truyền bệnh sán phổi từ chuột sang người này đã xâm nhiễm vào đồng ruộng Việt Nam. Với điều kiện sinh thái phù hợp, chúng phát triển nhanh chóng, trở thành dịch hại trên nhiều loại cây trồng, đặc biệt là cây lúa, rau muống ở hầu hết mọi miền đất nước.
Ốcc bươu vàng |
Thực tế, ở nước ta ốc bươu vàng có ở Đồng bằng sông Cửu Long, sau đó lan rộng ra cả nước. Chúng tấn công vào các ruộng lúa non, nhiều thửa ruộng bị ốc bươu ăn sạch chỉ sau một đêm. Nhiều vùng người nông dân còn phải phun thuốc để tiêu diệt loại ốc ngoại lai này nhằm hạn chế bớt sự gây hại.
Cá dọn bể
Cá dọn bể còn gọi là cá lau kính, cá ma hay cá mặt quỷ, vẫn thường được mọi người chế biến thành các món nhậu khoái khẩu như: Cá dọn bể hầm sả, dọn bể hầm nước dừa, cá chiên,... Tuy nhiên, loại cá này lại là hiểm họa, khiến nông dân khiếp sợ.
Báo cáo công bố hồi tháng 3/2018 của Trung tâm Nông nghiệp và Khoa học Sinh học Quốc tế (CABI) đã chỉ ra những tác hại khôn lường do loài cá dọn bể gây ra với môi trường.
Theo đó, cá dọn bể (tên khoa học là H. Plecostomus) là loài cá nước ngọt rất phổ biến, có nguồn gốc ở Bắc Nam Mỹ, đã ghi nhận xuất hiện ở ít nhất 17 quốc gia khắp châu Mỹ, châu Á và châu Âu. Da của chúng được mô tả như những “tấm giáp” do sự trưởng thành nhanh chóng với mật độ cao và tuổi thọ dài.
Cá dọn bể |
Cá dọn bể có thể nhanh chóng độc chiếm nguồn tài nguyên dinh dưỡng, làm thay đổi mạng lưới thức ăn, làm tăng độ đục và gây xói mòn bờ bao thông qua việc xây dựng tổ. Chúng được nhập về Việt Nam từ thập niên 1980 qua đường kinh doanh cá cảnh. Sau khi phát tán ra môi trường tự nhiên, chúng sinh sôi phát triển rất nhanh.
Nông dân ở nhiều vùng phát hiện có rất nhiều cá dọn bể ở dưới các tuyến kênh thủy lợi, ao hồ nuôi cá nước ngọt. Thậm chí, những năm gần đây mỗi mẻ lưới họ còn kéo được cả tạ cá dọn bể. Đáng chú ý, kể từ lúc loài cá này xuất hiện thì lượng cá đồng bản địa giảm đi rõ rệt.
Bèo tây
Lục bình (bèo Nhật Bản hoặc bèo tây) du nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản vào năm 1902. Hiện nay, loại bèo nhiều người còn dùng để chế biến các món ăn, được dùng làm nguyên liệu trong sản xuất tiểu thủ công nghiệp, phổ biến là làm thức ăn cho gia súc gia cầm.
Bèo tây |
Thế nhưng, chúng lại là một loại sinh vật ngoại lai đáng sợ. Bởi, trong điều kiện thuận lợi, loài này phát triển rất nhanh phủ kín mặt nước. Khi thối mục, chúng làm giảm ôxy hòa tan trong nước, dẫn đến làm chết cá và các loài thủy sinh khác. Loài bèo này không chỉ cản trở giao thông đường thủy mà còn làm chậm dòng chảy, giảm khả năng phát điện, sức tưới tiêu và tăng kinh phí bảo trì các hồ chứa nước.
Thực tế, ở nước ta có những cánh đồng bỏ hoang vì bèo tây phủ kín. Một số địa phương còn chi tiền tỷ để vớt bỏ bèo tây nhằm khơi thông dòng chảy.
Lưu Minh