Vỏ ca cao sản xuất rượu

Tại Việt Nam, hầu hết vùng trồng ca cao sau khi thu hoạch, lấy hạt để chế biến thì chỉ một phần nhỏ vỏ được đem phơi khô để đốt. Phần còn lại (cả vỏ và thịt trái ca cao) bị đổ xuống sông hoặc vứt trở lại gốc cây cho phân hủy tự nhiên, gây ô nhiễm môi trường.

Ít ai ngờ, vỏ trái ca cao tưởng như bỏ đi lại được có thể mang về hàng tỷ USD, lại giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường.

{keywords}
Thịt và vỏ trái ca cao chiếm hơn chiếm hơn 60% trọng lượng trái ca cao. (Ảnh Dân Việt)

Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (huyện Định Quán, Đồng Nai) cho hay đã chế biến vỏ trái ca cao ra chất pectin, một loại chất xơ sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm. Ngoài ra, công ty này cũng có 2 dòng sản phẩm rượu được chế biến từ vỏ và từ thịt trái ca cao, đang được thị trường ưa chuộng.

Ông Đặng Tường Khanh - Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức - cho biết trên Dân Việt, nếu chỉ trồng ca cao lấy hạt rồi xuất khẩu thô, doanh thu của sẽ không đáng kể. Do đó, Công ty phải mày mò, tìm cách tận dụng để tạo ra nhiều sản phẩm từ trái ca cao, tăng thêm tính cạnh tranh cho doanh nghiệp. Mỗi năm, công ty có khoảng 5.000 tấn vỏ thải ra từ quy trình sản xuất ca cao. Đây cũng là nguồn nguyên liệu để sản xuất rượu vang và nhiều sản phẩm có giá trị khác.

Vỏ thanh long làm màng bọc thực phẩm

TS. Phạm Văn Hùng, đại diện nhóm nguyên cứu của Trường Đại học Quốc tế TP.HCM, chia sẻ, phần lớn trái thanh long lâu nay xuất khẩu thô. Các nước Hàn Quốc, Nhật Bản nhập trái thanh long về rồi chế biến được rất nhiều thứ khác. Và họ cũng bán giá cao gấp 5-7 lần so với việc bán thô của Việt Nam.

Hiện, có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào chế biến thanh long thành rượu vang, nước ép, thanh long sấy khô... Những phụ phẩm như vỏ, hạt thanh long chính là nguồn nguyên liệu để sản xuất ra các sản phẩm khác, như chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng...

{keywords}
Vỏ và hạt của trái thanh long là nguyên liệu để sản xuất ra chiết xuất tinh dầu, nước ép, thực phẩm chức năng... (Ảnh: Nguyên Vỹ/ Dân Việt)

"Sau khi hoàn thành dự án từ quả ca cao với Công ty Trọng Đức, nhóm đang nghiên cứu sản xuất dược phẩm, mỹ phẩm,... từ vỏ và hạt quả thanh long", TS. Hùng chia sẻ trên Dân Việt.

Cũng liên quan đến chế phẩm từ vỏ thanh long, Khoa học và Đời sống thông tin, TS. Trương Thị Cẩm Trang, Khoa Môi trường, ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TP.HCM đã tìm cách để tạo màng pectin sinh học sử dụng bọc thực phẩm từ vỏ thanh long. Trong vỏ thanh long chứa lượng lớn pectin (chiếm 19-33%) cao hơn vỏ cam, quýt. Để thu triệt để lượng pectin sau tách chiết, nhóm cắt nhỏ từng vỏ thanh long và sấy khô trong 36 giờ ở mức nhiệt 60 độ C.

Nhóm nghiên cứu cho biết màng pectin từ vỏ thanh long không thấm nước, không bị oxy hóa nhanh. Sau 7 ngày chôn trong môi trường đất, màng pectin có khả năng phân hủy tới 62,5%. Ngoài ứng dụng làm màng bọc thực phẩm thay thế túi nilon, màng nhựa PPE, nhóm tiếp tục nghiên cứu để chế tạo loại chỉ y học tự tiêu trên chuột thí nghiệm từ màng pectin này.

Tận dụng vỏ tôm thu về tỷ USD

Tạp chí Môi trường thông tin, các phụ phẩm từ quy trình chế biến tôm là những phần bỏ đi trong quá trình chế biến tôm, gồm đầu, vỏ, gan, tụy,... chiếm 35-45% khối lượng tôm, tùy loại tôm sú hay tôm thẻ. Trong quá trình sản xuất, do công nghệ xử lý thủy, hải sản còn hạn chế nên phần lớn phụ phẩm bị thải trực tiếp vào môi trường (chỉ khoảng 33% được sử dụng để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng thấp như phân bón, thức ăn chăn nuôi, và khoảng 7% được tận thu để phát triển các dòng có giá trị gia tăng cao như thực phẩm, dược phẩm).

Trong khi đó, phụ phẩm tôm có nhiều chất dinh dưỡng như đạm (55%), chitin (9%), khoáng (22%), béo (12%)... Nếu các dưỡng chất được chiết xuất tối ưu và bảo toàn hoạt tính, sẽ sản xuất ra nhiều sản phẩm mới, ứng dụng cho nhiều ngành khác nhau.

Nhận thấy tiềm năng của việc xử lý phụ phẩm tôm trong chuỗi công nghiệp sản xuất chế biến tôm của Việt Nam, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) đã tận dụng vỏ tôm, đầu tôm để chế biến chất chitosan (nguyên liệu để thay thế plastic).

Mô hình thu gom vỏ tôm, đầu tôm để sản xuất chitosan có tiềm năng thu lại giá trị từ 4-5 tỷ USD/năm.

'Hô biến' vỏ trái cây thành nước tẩy rửa

Chị Bùi Thị Bích Ngọc (TP. Thanh Hóa) cho hay, năm 2016, tình cờ biết đến nghiên cứu của TS. Rosuko, người Thái Lan, về Eco Enzyme. Nghiên cứu này chủ yếu dùng phương pháp ngâm ủ và lên men thủ công những phế phẩm nông sản và vỏ trái cây để tạo ra những sản phẩm sinh học thân thiện với môi trường, không độc hại. 

{keywords}
Chị Ngọc tận dụng vỏ dứa để làm ra các chế phẩm tẩy rửa thân thiện với môi trường. (Ảnh: Dân Việt)

Chị Ngọc nhận thấy, đây là sản phẩm rất hữu ích lại phù hợp với những điều kiện sẵn có ở Thanh Hóa. Từ đó, chị quyết tâm khởi nghiệp với việc nghiên cứu ra một loại nước tẩy rửa sinh học từ rác thải nông nghiệp là vỏ dứa, kết hợp thêm với các loại vỏ trái cây giàu vitamin, tinh dầu. Nhiều người còn bảo đó là ý tưởng điên rồ, viển vông.

Đầu năm 2019, chị Ngọc đã chính thức đưa đứa con tinh thần của mình ra thị trường, với 4 dòng sản phẩm nước lau sàn, nước rửa chén bát, nước rửa tay và enzyme. Theo báo Dân Việt, các sản phẩm của công ty chị Ngọc được bày bán ở nhiều cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở 63 tỉnh, thành. Trung bình mỗi tháng, công ty đưa ra thị trường trên 10.000 sản phẩm, với doanh thu hơn 200 triệu đồng.

Biến vỏ trấu thành hàng xuất khẩu

Từng là phế phẩm bỏ đi nhưng hiện nhiều doanh nghiệp ở Đồng Tháp và An Giang đã mày mò, chế biến vỏ trấu (vỏ của hạt lúa) thành củi để xuất khẩu.

{keywords}
Sản xuất củi trấu ở Thoại Sơn, An Giang (Ảnh: Thanh Niên)

Một công ty ở Đồng Tháp đã ép vỏ trấu thành viên và bán với giá trên 1.000 đồng/kg. Mỗi tháng cơ sở này xuất khẩu 10.000 tấn củi trấu viên sang thị trường Hàn Quốc và châu Âu. Củi trấu được nhiều quốc gia ưa chuộng bởi khi đốt không gây ô nhiễm môi trường.

Còn tại An Giang, giá trấu tươi được bán với giá khoảng 700 đồng/kg, còn giá củi trấu thành phẩm bán sỉ 1.300-1.400 đồng/kg. Ở đây, trấu trở nên đắt đỏ bởi sản lượng xay xát ra bao nhiêu đều được đưa vào máy ép củi trấu.

Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Thứ vỏ bỏ đi ở Việt Nam có thể trở thành 'siêu vật liệu' dùng trong ô tô, xe điện, tàu hỏa...

Thứ vỏ bỏ đi ở Việt Nam có thể trở thành 'siêu vật liệu' dùng trong ô tô, xe điện, tàu hỏa...

Vỏ me được rửa sạch và sấy khô ở 100 độ C trong khoảng sáu giờ trước khi nghiền thành bột. Lượng bột này được nung trong lò 150 phút ở nhiệt độ 700-900 độ C trong điều kiện không có oxy để chuyển thành các tấm carbon siêu mỏng.