Tháng 2/2023, N.D.N (28 tuổi, trú tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) tử vong do đột quỵ xuất huyết não. Theo em trai anh N., khi đi chơi về muộn, anh đi vệ sinh bất ngờ bị ngã dưới sàn nhà. Khi gia đình phát hiện, an đã nôn ói, co giật, hôn mê. Tại bệnh viện, bác sĩ chẩn đoán anh bị xuất huyết não. 

Sau khi người đàn ông này qua đời, chị Hương, em gái anh sống tại TP.HCM, đã vội vàng đưa cả gia đình đi tầm soát đột quỵ vì lo sợ cái chết bất ngờ sẽ gõ cửa. Theo chị Hương, dù tốn kém, chị vẫn muốn đưa cả gia đình đi chiếu chụp MRI não để mọi người yên tâm hơn.

Nỗi ám ảnh mang tên đột quỵ

Ngày nay, đột quỵ trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người. Giống như ung thư, nhiều cơ sở y tế đẩy mạnh quảng cáo về “chiến dịch tầm soát đột quỵ toàn diện” với mức giá từ vài triệu tới hàng chục triệu đồng.

Tra cứu từ khóa "tầm soát đột quỵ" trên Google, hàng triệu lượt tìm kiếm với các thông tin được đưa ra như: Ai cần tầm soát đột quỵ, các gói tầm soát đột quỵ. Dịch vụ tầm soát nguy cơ đột quỵ được quảng cáo gồm các kỹ thuật như chụp MRI não, chụp mạch cảnh, CT-scan, siêu âm mạch máu, đo điện tim, đo chỉ số ABI, TBI, chụp soi đáy mắt, xét nghiệm máu, định lượng cholesterol toàn phần...

Trong vai một người cần tầm soát đột quỵ, phóng viên liên hệ tới một bệnh viện tư nhân tại Hà Nội, nhân viên tư vấn cho biết: "Đột quỵ không loại trừ ai nên có điều kiện tầm soát sớm". Người này cũng thông tin chi phí tầm soát đột quỵ tùy thuộc vào gói dịch vụ được chọn. Người khám có thể để lại thông tin đăng ký sẽ được liên hệ và hướng dẫn cụ thể về các gói tầm soát phù hợp. 

Theo khảo sát của phóng viên, một số bệnh viện đang quảng cáo các gói tầm soát đột quỵ cho người dân trên website, Facebook, hoặc khách hàng có nhu cầu có thể liên hệ đến đường dây nóng của bệnh viện để được tư vấn. Các gói tầm soát đều được khẳng định khám với các chuyên gia và máy móc thiết bị hiện đại bậc nhất. 

Tên bệnh viện Gói tầm soát  Bảng giá (đồng)
Bệnh viện Đa khoa Phương Đông (Hà Nội) Khám nội, xét nghiệm tổng hợp, điện tim đồ, siêu âm động mạch cảnh, chụp cộng hưởng từ sọ não. 7.635.000 - 11.552.000
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội Khám và tư vấn chuyên gia, theo chỉ định của bác sĩ: xét nghiệm công thức máu, siêu âm tim, điện tim, chụp MRI mạch máu não.

 3.000.000 - 4.000.000 

Bệnh viện SIS Cần Thơ Khám, chụp MRI não, mạch máu não, cảnh tầm soát, đánh giá chức năng gan, thận, hô hấp, mỡ máu, đái tháo đường. 8.000.000 - 9.000.000
Bệnh viện Gia An 115, TP.HCM 

Xét nghiệm (lấy mẫu máu, nước tiểu...)
Chẩn đoán hình ảnh (chụp X-quang, CT, MRI...)
 Theo chỉ định bác sĩ

50.000 - 2.910.000

200.000 - 6.300.000 

Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM Khám nội thần kinh, xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, tim, động mạch cảnh, điện tim, chụp MRI sọ não. 5.800.000

Hiểu đúng về tầm soát đột quỵ

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Thắng - Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não - Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), đột quỵ là nguyên nhân tử vong chỉ sau tim mạch và ung thư tại Việt Nam. Bệnh để lại di chứng nặng nề, người sống sót sau đột quỵ có thể tàn phế, khó trở lại lao động như trước. 

"Trong cộng đồng, chúng ta thường nghe các thông tin về người nổi tiếng tử vong đột ngột vì đột quỵ. Vì vậy, cộng đồng sợ đột quỵ. Đánh vào tâm lý đó, nhiều cơ sở y tế đã đẩy mạnh quảng cáo tầm soát căn bệnh này", bác sĩ Thắng cho biết. 

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Ảnh: BVCC. 

Tuy nhiên, ông cho rằng người dân hoàn toàn không nên tin theo các chiến dịch quảng cáo tầm soát đột quỵ toàn diện. Bởi việc chụp MRI sọ não trên người hoàn toàn bình thường để sàng lọc đột quỵ cũng không cần thiết. Tại Mỹ, các bác sĩ cũng không khuyến cáo người dân chụp MRI để sàng lọc đột quỵ. Như vậy, hiện nay, chiếu chụp hay xét nghiệm gene sàng lọc đột quỵ với chi phí lớn nhưng hiệu quả chưa rõ ràng.

Để tầm soát đột quỵ, vị chuyên gia này cho rằng người dân trên 55 tuổi chỉ cần khám sức khỏe định kỳ với các kiểm tra cơ bản như xét nghiệm máu, đo huyết áp.

Bác sĩ Thắng nhấn mạnh rất hiếm khi đột quỵ xảy ra trên một người hoàn toàn không có bệnh lý trước đó. Hầu hết bệnh nhân đột quỵ nhập viện tại Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) chủ yếu là những người không tuân thủ điều trị, hoặc có uống thuốc nhưng lại tự ý bỏ bớt, hoặc trường hợp uống thuốc nhưng không kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ để đạt mục tiêu cần thiết.

Do vậy, việc tầm soát đột quỵ chỉ nên nhằm vào việc tìm các yếu tố nguy cơ có thể người bệnh không phát hiện trước đó. Ví dụ, tăng huyết áp, tiểu đường, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá hoặc sử dụng chất gây nghiện, béo phì… Nếu bạn là người mang các yếu tố này, bác sĩ sẽ tư vấn dự phòng đột quỵ.

"Việc làm quá nhiều các gói tầm soát gây tốn kém, không mang lại hiệu quả", chuyên gia này khẳng định.

Ông cũng khuyến cáo đột quỵ hoàn toàn dự phòng được bằng cách thay đổi lối sống, tập thể dục thường xuyên. Ví dụ, bạn đang béo phì cần giảm cân, bỏ hút thuốc lá và mỗi năm làm xét nghiệm ít nhất một lần.

Bác sĩ Thắng đặc biệt lưu ý người bị huyết áp cao cần theo dõi sức khỏe thường xuyên. "Nhiều người ngay cả nhân viên y tế thấy huyết áp 'hơi cao' chủ quan không uống thuốc cũng làm tăng nguy cơ bị đột quỵ. Vì vậy, bạn cần đưa về huyết áp mục tiêu khoảng 130mmhg".

Cùng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hoài Nam, nguyên giảng viên Trường Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho biết việc tầm soát đột quỵ mở rộng có thể gây hoang mang cho cộng đồng. Bác sĩ Nam đã từng tiếp nhận những thanh niên ngoài 20 tuổi, trẻ khỏe đã đi tầm soát đột quỵ chỉ vì lo sợ. Khi hỏi yếu tố nguy cơ, họ chỉ nói rằng bản thân thường xuyên thức khuya hay căng thẳng.

Theo vị chuyên gia này, những người dưới đây nên lưu ý tới tầm soát đột quỵ: Người trên 50 tuổi, béo phì, bệnh nhân mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu. Ngoài ra, nếu bạn có các yếu tố trên cộng với thói quen hút thuốc lá, uống bia rượu, việc dự phòng càng phải chặt chẽ hơn.

Bác sĩ Nam cho biết đột quỵ hoàn toàn có thể dự phòng được bằng những cách rẻ tiền như thay đổi lối sống, giảm cân, tập thể dục, bỏ thuốc lá, bia rượu…

Đột quỵ não (tai biến mạch máu não) là tình trạng một phần não bộ đột ngột bị tổn thương khi mạch máu nuôi dưỡng phần não đó bị tắc (nhồi máu não) hoặc bị vỡ (xuất huyết não).