Đau đầu lựa chọn thực phẩm hữu cơ
Chị Phạm Hồng Vân (38 tuổi, ngụ tại Q. Thanh Xuân, TP. Hà Nội), chia sẻ: "Bây giờ ra chợ thấy cái gì cũng gắn mác sạch, riết rồi không biết cái nào mới thật sự là sạch. Đi chợ chọn mua thực phẩm sạch cũng quay cuồng với thực phẩm gắn mác hữu cơ - sạch".
Không chỉ ở các siêu thị, cửa hàng kinh doanh đồ sạch mà thực phẩm sạch còn được bán online rất nhộn nhịp, với những dòng quảng cáo: “Thực phẩm quê chính hiệu”, “Rau sạch 100% nhà tự trồng”, “Gà quê, thịt sạch bảo đảm”,...
Đa phần nguồn hàng của những người kinh doanh thực phẩm sạch nhỏ lẻ qua mạng là từ người thân ở quê trồng trọt, chăn nuôi,... gửi lên, người mua hàng chủ yếu cũng là các chị em văn phòng, có điều kiện lướt internet, ít thời gian đi chợ.
Trên các tuyến phố khác ở TP. Hà Nội như Trần Nhân Tông, Hai Bà Trưng, Nguyễn Bỉnh Khiêm, phố Dịch Vọng… đều có cửa hàng bán đa dạng các sản phẩm thực phẩm hữu cơ từ rau, trứng đến thịt với những lời quảng cáo như rau sản xuất theo quy trình hữu cơ, không sử dụng chất bảo quản, không thuốc bảo vệ thực vật; còn thịt lợn hữu cơ thì được quảng cáo không sử dụng thức ăn công nghiệp, chất kích thích tăng trọng…
Nhiều nơi tự gắn mác thực phẩm hữu cơ để bán được với giá cao hơn nhưng chưa chắc đã sạch và an toàn (Ảnh minh họa). |
Được “gắn mác” hữu cơ nên giá bán các loại thực phẩm hữu cơ so với thực phẩm thông thường cũng cao hơn nhiều lần. Ví dụ, thịt lợn hữu cơ có giá bán từ 220.000-250.000 đồng/kg, tùy loại. Thậm chí, trên một số website còn rao bán đủ các loại thực phẩm hữu cơ như rau gia vị hữu cơ, gừng hữu cơ, sả ớt hữu cơ, nghệ hữu cơ…
Theo Bộ NN&PTNT, tính đến năm 2017, tốc độ phát triển cũng như nhu cầu về thực phẩm hữu cơ ở Việt Nam đang gia tăng nhanh. Theo thống kê, cả nước có khoảng 70.000ha sản xuất theo xu hướng hữu cơ, với khoảng 60 tập đoàn, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng vẫn chưa có chứng nhận, ngoại trừ một số tập đoàn lớn đã có chứng nhận từ các tổ chức quốc tế, còn lại chủ yếu vẫn là “tự phong”.
Thực phẩm hữu cơ có thực sự tốt?
Các nhà nghiên cứu tại ĐH Stanford, Mỹ đã tiến hành một thử nghiệm lâm sàng về các tài liệu đã được xuất bản để quyết định xem liệu thực phẩm được sản xuất theo phương pháp hữu cơ có an toàn và tốt cho sức khỏe hơn các loại thực phẩm truyền thống khác hay không.
Kết quả là các tài liệu trên không đề cập đến bất kỳ lợi ích sức khỏe nào từ việc tiêu thụ nhiều thực phẩm hữu cơ hơn thực phẩm truyền thống.
Tuy nhiên, thử nghiệm cho thấy rằng việc tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ có thể giảm thiểu nguy cơ tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu, còn các loại thịt heo, gà hữu cơ sẽ giúp giảm nguy cơ tác động bởi kháng sinh và các loại vi khuẩn kháng kháng sinh.
Ngoài ra, không có sự khác biệt về lượng vitamin được tìm thấy giữa cây trồng, vật nuôi hữu cơ và truyền thống. Trong đánh giá về độ dinh dưỡng thì hàm lượng phốt pho trong các sản phẩm hữu cơ thường cao hơn trong các sản phẩm truyền thống nhưng điều này cũng không quá quan trọng, bởi sự thiếu hụt phốt pho nói chung không gây ảnh hưởng đến chế độ ăn uống.
Dư lượng thuốc trừ sâu thường ít được tìm thấy trong sản phẩm hữu cơ (7%), so với sản phẩm truyền thống (38%). Giới hạn của việc tìm thấy này thường thay đổi giữa các cuộc nghiên cứu. Cả sản phẩm hữu cơ và truyền thống đều chỉ chứa một tỉ lệ rất nhỏ vượt quá giới hạn cho phép.
Theo chuyên gia nông nghiệp, để có thực phẩm hữu cơ, người sản xuất phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt của tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ, trong đó, có những quy định nghiêm ngặt hơn cả tiêu chuẩn Global GAP.
Cụ thể, thực phẩm hữu cơ được sản xuất theo nguyên tắc “6 không”: Không chất hóa học, không thuốc trừ cỏ; không thuốc trừ sâu hóa học; không chất kích thích tăng trưởng; không hóa chất bảo quản; không biến đổi gene.
Có thể chia thành 3 nhóm cơ bản, bao gồm: Rau quả hữu cơ là nông sản không dùng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ, hormon tăng trưởng…; Động vật hữu cơ phải nuôi ở môi trường sạch (đồng cỏ hay ao hồ), không dùng thuốc trừ sâu, phân hóa học, hóa chất, được cho ăn bằng thức ăn hữu cơ, không dùng kháng sinh hay hormone tăng trưởng…;
Ở một số nước tiên tiến, sản phẩm được chứng nhận là hữu cơ khi nguồn nguyên liệu để chế biến ra những sản phẩm đó đảm bảo một loạt những yêu cầu nghiêm ngặt như: Không sử dụng hương liệu, phẩm màu, chất bảo quản, chất làm đặc; Không sử dụng hóa chất và hooc môn tăng trưởng; Không sử dụng nguyên liệu biến đổi gen, không bị chiếu xạ tiệt trùng…
Quy trình tạo ra thực phẩm hữu cơ khó là thế nhưng nhiều cửa hàng ở Việt Nam tự treo biển “hữu cơ” để bán với mức giá cao hơn nhằm trục lợi, nhưng vì chưa có chế tài để xử phạt, nên rất khó xử lý.
Ngọc Thanh/ Theo Báo Đất Việt